Một trong 3 mẫu tượng đài được xem xét từ năm 2017 để dựng tượng tại khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ)
Sáng 10-5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên tiếp tục chủ trì hội thảo nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 tại TP.HCM, sau buổi hội thảo ngày 8-5 tại Hà Nội.
Có nhiều góp ý cho quy chế, nhưng điều băn khoăn nhất vẫn là sẽ dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương như thế nào.
Bởi tại buổi hội thảo ngày 8-5 ở Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt ra một vấn đề xác đáng: "Nếu cá thể hóa thì làm tượng Hùng Vương thứ nhất hay thứ 18 hay ông nào? Hơn nữa, Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương... cũng là Quốc tổ, chúng ta có dựng tượng hay không?".
Chưa kể, tư liệu về các vua Hùng thuộc về huyền sử. Những mô tả về hình dáng, tính cách, trang phục... đều ít ỏi, hầu như là không đáng kể. Vậy nếu phải dựng tượng vua Hùng thì phải căn cứ vào điều gì?
Trước các băn khoăn của giới sử học, phát biểu tại buổi hội thảo sáng 10-5, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - cho rằng: "Đây là vấn đề mà mai này khi có được từng công trình cụ thể chúng ta sẽ kiểm tra cho phù hợp. Còn bây giờ chúng ta chỉ mới bàn ở quy chế, quy hoạch".
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành nêu thực trạng là hầu hết tượng đài ở Việt Nam hiện nay đều theo lối tả thực, vì thế mọi người nghĩ việc dựng tượng vua Hùng theo lối tả thực là khó, trong khi theo ông không nhất thiết tượng đài là phải tả thực.
Ông nói: "Nếu cứ suy nghĩ như vậy chính chúng ta đang làm khó chúng ta. Nếu chúng ta không giải phóng mình ra khỏi điều này thì việc làm tượng vua Hùng rất khó. Trong khi tượng vua Hùng có thể làm như một biểu tượng, hoặc trừu tượng".
Trên thế giới dù ở đâu, khi làm tượng chân dung nhân vật họ đều tả thực. Chân dung đó có thể vạt, chặt... đi góc này góc nọ chút xíu, nhưng vẫn phải bám trên chân dung thật. Điều đó không thể khác được.
Điêu khắc gia, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên - hiệu phó Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - hoài nghi
Điêu khắc gia Lâm Quang Nới lại cho rằng điều này là không thể, đồng thời khẳng định "Chúng ta không thể làm tượng vua Hùng cụ thể được, vì có tư liệu lịch sử gì đâu bám vào mà làm cụ thể".
Như vậy, quá bất cập để dựng tượng vua Hùng theo lối tả thực vì yếu tố tư liệu lịch sử.
Nhưng liệu việc biểu tượng hóa, trừu tượng hóa để tạo bước "cởi trói" như đề xuất của phía Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - một việc mà điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên cho rằng thế giới cũng không mấy ai làm - thì trong tương lai liệu có thuyết phục được công chúng rằng đó là tượng Quốc tổ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận