28/08/2013 11:19 GMT+7

Lạc lối là điều dễ hiểu

Đạo diễn PHẠM HOÀNG NAM
Đạo diễn PHẠM HOÀNG NAM

TT - Một xã hội lành mạnh về lý thuyết rất cần phê và tự phê, trong văn nghệ cũng vậy. Nhưng khi những nhà phê bình chuyên nghiệp hoặc chưa kịp hiện ra hoặc trốn đâu mất trong mù mịt mưu sinh thì nhiệm vụ phê bình vô tình nhường hẳn lại cho nhà báo và dư luận.

Mà số lượng nhà báo chuyên viết phê bình đếm trên bàn tay với các ngón gập dần lại, còn nhà báo “nửa mùa” thì đông như “sao” nhưng lại chỉ làm mỗi việc là đi phỏng vấn.

pXB724BA.jpgPhóng to
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam - Ảnh: T.T.D.

"Không ngạc nhiên khi có một ai đó tài chưa tới mà bỗng chốc trở nên nổi tiếng và ai đó thực tài bỗng nhiên bị tai tiếng. Thực chất thì tài năng và sự nổi tiếng đôi khi không phải là một"

Tội vạ đâu thì người trả lời tự chịu. Còn cái cách phê bình của dư luận thì ngôn ngữ thời nay gọi là “ném đá”, bởi đá chỉ ném từ đám đông - một đám đông không rõ mặt người và tinh thần trách nhiệm chắc cũng gần bằng các “nhà báo” nửa mùa kia.

Thế mới có nhiều chuyện lùm xùm dở khóc dở cười mà đỉnh điểm có lẽ là bài phỏng vấn một nhạc sĩ lớn tuổi về các “sao” đương thời bỗng nhiên thành hiện tượng, thành của hiếm, thành “sốc hàng”.

Chuyện lạ nhất là cuối cùng nó đã thành một cái chợ ngôn từ của dư luận về các quan điểm đúng hay sai với hàng tấn đá, tấn bấc, tấn chì ném qua lại, nhưng tuyệt nhiên không thấy một ý kiến nào của chính “nhà báo” hay tờ báo đã đăng bài phỏng vấn, càng không thấy phản hồi của một nhà phê bình âm nhạc chính thống nào nối theo ý kiến của vị nhạc sĩ kia! Vì vậy cuộc cãi vã đã nhanh chóng lạc hướng từ địa hạt âm nhạc nhỏ bé và một ý kiến cá nhân chuyển sang thành một phạm trù đạo đức, về lòng tự ái và cách ứng xử với ý kiến của toàn xã hội hay chí ít cũng của mạng xã hội (Internet).

Khi toàn dân đang hằng đêm ôm chiếc tivi để buồn vui với những chương trình thực tế, nơi mọi quyết định về tài năng thường được phó mặc cho đám đông và giám khảo trở thành người diễn thì showbiz càng ngày càng nhốn nháo một cách tự nhiên và mất định hướng là điều dễ hiểu.

Thưởng thức văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng là món ăn tinh thần và sở thích riêng của từng người và họ có quyền bày tỏ sự thích hay không thích của mình với bất cứ một nghệ sĩ hay tác phẩm nào. Mỗi lời khen là một nguồn động viên và lời chê là một tấm gương soi, một cơ hội cho người làm nghề tiến xa hơn. Nhận hay từ chối những đặc ân đó bất cứ từ ai nói về mình là quyền và cơ hội của nghệ sĩ, hơn nữa xét cho cùng thì việc chuyên môn của ai thì người ấy cố mà làm cho tốt, cho tử tế: ca sĩ hát, nhạc sĩ sáng tác, khán giả nghe và nhà phê bình, nhà báo thì viết.

Người ta nói: “Không ai đi cãi nhau về gu thưởng thức” nhưng hướng dẫn cách thưởng thức nghệ thuật cho đám đông và định hướng cho cả nghệ sĩ là cần thiết và là nhiệm vụ của phê bình chuyên nghiệp - cái mà đang rất thiếu vắng hiện nay nên không khó hiểu khi showbiz đang qua truyền thông mạng mà trở thành một cái chợ tạp nham, nơi mọi giá trị lẫn lộn và những món ăn tinh thần đang nhuốm đầy màu vật chất.

Âm nhạc và cách nghe ngày nay đã rất khác xưa, rất đa dạng, có âm nhạc cho tai, nhạc cho mắt và cả nhạc cho chân tay nữa, nên gu thưởng thức và cách đánh giá cũng rất khác nhau, và trình độ thưởng thức chưa chắc đã đến từ địa vị xã hội và điều kiện vật chất và mọi nhận xét cá nhân không thể quy vào đúng hoặc sai. Vậy nên không ngạc nhiên khi có một ai đó tài chưa tới mà bỗng chốc trở nên nổi tiếng và ai đó thực tài bỗng nhiên bị tai tiếng. Thực chất thì tài năng và sự nổi tiếng đôi khi không phải là một. Sự “nổi tiếng” có thể đến từ những trò tai tiếng, từ truyền thông và từ những cuộc thi thố... nhưng tài năng thực sự thì chỉ có thể được đánh giá bởi tâm hồn và trái tim của người thưởng thức, và điều này thì chỉ tự mỗi người biết và chia sẻ với sự đồng cảm chứ không phải từ sự tranh cãi của đám đông.

Cần rất nhiều những nhận xét thật và đắng

Chỉ trong hai ngày 26 và 27-8, Tuổi Trẻ đã nhận được 763 ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ để chia sẻ sự đồng tình với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Rất khó tìm trong hàng trăm email này ý kiến phản bác với nhận xét của ông dành cho hàng loạt ca sĩ nổi tiếng. Liên tiếp nhiều email đều nói lời cảm ơn vị nhạc sĩ lão thành đã nói hộ suy nghĩ của họ, trong số đó nhiều độc giả còn trách ông “nói quá muộn”, vì “nếu sớm hơn có lẽ sẽ chẳng ai tự tôn mình trở thành ông hoàng, bà chúa âm nhạc VN” (độc giả John Nguyễn).

Ngoài vài ba độc giả cho rằng “lẽ ra ông không nên góp ý với các ngôi sao đang thời”, rằng ông đã “nặng lời” với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, không nhìn nhận cách “làm mới” ca khúc của ca sĩ Thanh Lam..., phần lớn độc giả lại “hoan nghênh ông vì những lời nói thẳng, nói thật”. Rất nhiều độc giả gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bằng “chú” một cách trìu mến, và mong ông sớm tĩnh tâm khi gặp chuyện phiền lòng sau bài phỏng vấn. Bạn đọc Võ Thị Ánh Ngọc còn thay mặt ca sĩ đã phản ứng thái quá với lời nhận xét của ông để “xin lỗi chú vì đã có những người trẻ tuổi vô tâm xúc phạm chú”. Độc giả Đào Việt Hùng viết: “Hiện nay để có được những nhận xét đánh giá về giới ca sĩ ở nước ta như chú là rất hiếm thấy, hầu hết trên các diễn đàn và các báo đều là những lời có cánh. Có lẽ những đánh giá của chú đã và sẽ làm một số người phật lòng. Nhưng cháu thiết nghĩ rằng “sự thật mất lòng” và mong rằng họ nên nhìn nhận những nhận xét đó là cơ hội hiếm có để soi lại bản thân mình”.

“Âm nhạc Việt còn cần rất nhiều những nhận xét thật và đắng như vậy” - ý kiến này của độc giả Võ Tường cũng là mong muốn chung được bày tỏ trong hơn 700 email gửi đến tòa soạn.

V.VIỆT ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đạo diễn PHẠM HOÀNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên