Lạc Dương - Điểm đến của tương lai - Video: V.B - N.H
"Rải hoa hồng" đón nhà đầu tư - miễn là không xâm hại môi trường
"Chính quyền không đặt nhiều điều kiện, miễn là các nhà đầu tư không làm hại đến môi trường của Lạc Dương, còn lại chúng tôi đều hoan nghênh và dang tay chào đón", Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài đã từng chia sẻ như vậy.
Có thể thấy, điểm nhấn đặc biệt của Lạc Dương không đơn thuần nằm ở cơ chế mở cửa, chào đón các nhà đầu tư trong nhất thời. Đó là chiến lược mang tính tổng quát, được duy trì nhất quán qua nhiều giai đoạn và đã trở thành nghị quyết của đảng bộ địa phương trong nhiều nhiệm kỳ.
Là một địa phương có diện tích rừng lớn (116.292 ha, chiếm 85% diện tích của toàn huyện), đây luôn là một thách thức trong lộ trình phát triển của huyện Lạc Dương, đặc biệt là việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như giao thương.
Tuy nhiên, huyện Lạc Dương đã biến thách thức này trở thành cơ hội tiêu chí phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên; đây cũng được xem như gánh trên vai trách nhiệm đối với cả không gian không chỉ của riêng Lâm Đồng mà còn của cả Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - Ảnh: L.D
Nói về trách nhiệm trong liên kết vùng, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: "Toàn bộ hệ thống sông suối của huyện Lạc Dương đều chảy về lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Các nơi như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương đều đang dùng nguồn nước được khơi nguồn từ Lạc Dương. Chính vì lẽ đó, về lâu dài chúng tôi vẫn tiếp tục chủ trương duy trì độ che phủ rừng hiện có. Đồng thời sẽ cố gắng phát triển theo hướng không sử dụng nhiều đất, không chuyển mục đích sử dụng đất rừng để phát triển các hoạt động về kinh tế".
Đồng hành cùng Lạc Dương để phát triển
Điều đáng mừng là hướng đi này của Lạc Dương được nhiều doanh nghiệp đồng cảm và ủng hộ. Bà Liêu Thị Phượng - Tổng giám đốc Charm Group - chia sẻ: "Chủ trương của huyện Lạc Dương là hoàn toàn đúng đắn. Bởi rừng là tài sản vô giá của quốc gia. Rừng như lá phổi tạo ra môi trường xanh, góp phần thúc đẩy trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội theo đúng với khái niệm bền vững. Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển của thế giới trong giai đoạn hiện nay".
Cũng theo Tổng giám đốc của Charm Group, hiện nay nhiều địa phương phát triển ồ ạt và quá nhanh về du lịch nhưng không tính đến phương án phát triển bền vững, gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường. Chính điều này đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Bà Liêu Thị Phượng - Tổng giám đốc Charm Group - Ảnh: V.B
"Là một doanh nghiệp đến với vùng đất Lạc Dương tươi đẹp và đầy tiềm năng để tìm kiếm cơ hội, Charm Group luôn ủng hộ tuyệt đối định hướng bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương", bà Phượng nhấn mạnh.
Bà Phượng cũng hiến kế bên cạnh phát động bảo vệ rừng, trồng rừng để cải thiện môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho người dân nghèo, chính quyền nên tập huấn kỹ năng sống, kiến thức môi trường xanh tại các công sở, trường học; Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có thiện chí, cũng như các đề án thiên về du lịch sinh thái và phát triển mảng xanh.
"Chúng tôi cam kết với chính quyền địa phương và người dân nơi doanh nghiệp đóng chân, bằng tất cả sự nỗ lực và điều kiện tốt nhất có thể luôn đồng hành với các chủ trương, chính sách đúng đắn của huyện trong từng giai đoạn phát triển. Qua đó, đóng góp một phần công sức để Lạc Dương thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong tương lai", bà Liêu Thị Phương – Tổng giám đốc Charm Group - nhấn mạnh.
Công khai minh bạch để giữ rừng
Hiện tại ở Lạc Dương, với tất cả những nhà đầu tư, chính quyền có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ. Với từng diện tích được thuê, từng khu vực, từng loại cây đều được kiểm kê, được xác định bằng tọa độ. Sau mỗi hợp phần của dự án được triển khai, ngành chức năng của huyện đều triển khai công tác hậu kiểm, nếu doanh nghiệp nào vi phạm đều phải trồng lại rừng và chịu mức bồi thường từ 3 đến 5 lần giá trị của rừng đã thiệt hại.
Việc cho phép đầu tư nhưng hạn chế khai thác đất lâm nghiệp của Lạc Dương đã khiến cho tâm lý của các nhà đầu tư ít nhiều e ngại, bởi không được phép khai thác thêm diện tích đồng nghĩa với việc quy mô của các công trình bị bó hẹp, hệ thống giao thông nội bộ, nơi lưu trú không được mở rộng.
Theo ông Sử Thanh Hoài, để tìm lời giải cho bài toán này, địa phương sẽ dựa vào lợi thế của rừng để có nhiều mô hình phát triển. Ví dụ như cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, điều này không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng, ngược lại sẽ phát huy lợi thế từ rừng để phát triển kinh tế.
Làng Cù Lần vẫn bảo tồn những yếu tố nguyên sơ nhất - Ảnh: L.C.L
Là nhà đầu tư thành công ở Lạc Dương, ông Văn Tuấn Anh - người sáng lập khu du lịch Làng Cù Lần - vẫn luôn tự hào về hướng phát triển kinh tế theo đúng với quan điểm của địa phương. Với diện tích hơn 200ha rừng chuyên khai thác du lịch, dù có rất nhiều sản phẩm thu hút khách nhưng Làng Cù Lần vẫn bảo tồn những yếu tố nguyên sơ nhất.
Những công trình với kiến trúc cổ của người K'Ho, đậm đặc không gian bản địa gần như được bảo vệ nguyên vẹn. Sự nhẫn nại, tôn trọng và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống đã giúp cho khu du lịch này có được những thành công ngoài mong đợi. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, Làng Cù Lần chỉ đón khoảng 60.000 khách/năm, nhưng đến năm 2019 đều có hơn 500.000 khách ghé thăm khu du lịch nổi tiếng của Lạc Dương này.
"Lượng khách của chúng tôi luôn tăng, năm sau tăng gấp đôi năm trước. Một không gian của người K'Ho nằm giữa rừng nguyên sinh chính là lực hút để du khách tìm đến, đó cũng chính là giá trị lớn nhất mà chúng tôi mong muốn mang lại cho mọi người", ông Văn Tuấn Anh thông tin.
Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ rừng là chính sách xuyên suốt của huyện Lạc Dương - Video: V.B - N.H
Thành công từ việc biết phát huy lợi thế của địa phương tại Lạc Dương là điều không thể phủ nhận. Con số 68 dự án trên địa bàn với tổng số vốn đăng kí là 6.400 tỉ đồng, tổng diện tích thực hiện 6.327ha là một minh chứng rõ nét nhất. Dù tất cả các dự án đều được đảm bảo các yếu tố hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ rừng, tuy nhiên lãnh đạo huyện không kêu gọi đầu tư một cách ồ ạt.
"Không phá rừng để đầu tư các dự án tại Lạc Dương, đó là thông điệp duy nhất. Phần còn lại huyện sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm được tiếng nói chung, hài hòa để cùng nhau bảo vệ rừng, giữ từng diện tích rừng", ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - cam kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận