07/08/2017 07:55 GMT+7

Lá thư Tiếp sức đến trường từ Láng Dài...

NGUYỄN THỊ XUÂN
NGUYỄN THỊ XUÂN

TTO - Lá thư gửi cho Tuổi Trẻ từ một cô giáo ở một xã vùng xa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà như cô nói, có nhiều em học rất giỏi nhưng vì gia cảnh nên đành ngậm ngùi chia tay thầy cô, bạn bè, trường lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân hỏi thăm, động viên học trò Võ Minh Hiếu - Ảnh: ANH THƯ
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân hỏi thăm, động viên học trò Võ Minh Hiếu - Ảnh: ANH THƯ
“Tôi viết thư này mong báo Tuổi Trẻ quan tâm, giúp đỡ các em tân sinh viên xã Láng Dài và nhiều học sinh khác ở mọi miền Tổ quốc, tiếp thêm động lực để các em được tiếp tục trên con đường học vấn, trở thành những người tốt, có ích cho gia đình, cho xã hội mai sau.
 

Láng Dài, cuối tháng 7-2017

Kính gửi: Tòa soạn báo Tuổi Trẻ TP.HCM

Tôi được biết chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ qua học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi rất vui vì chương trình đã cho tôi hi vọng gỡ rối phần nào sự băn khoăn của mình trước hoàn cảnh của một số em học sinh trước mùa tựu trường. Do đó tôi quyết định gửi thư đến tòa soạn.

Tôi là cô giáo dạy học tại một xã vùng xa của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (xã Láng Dài) và hiểu rất rõ về hoàn cảnh các em. Có nhiều em học rất giỏi nhưng vì gia đình khó khăn nên đành ngậm ngùi chia tay thầy cô, bạn bè, trường lớp.

Tuy không phải là giáo viên chủ nhiệm nhưng chuyện của em học sinh lớp 9/1 Trường THCS Láng Dài năm học 2015-2016 làm tôi ray rứt mãi. Chuyện của em trở thành động lực để tôi theo đuổi công việc tìm kiếm các nhà hảo tâm giúp đỡ cho học sinh nghèo hiếu học.

Xin cho tôi được giấu tên em vì sợ mình sẽ chạm vào nỗi đau đã lành ấy. Đó là một cô bé mà nỗi khắc khổ như đã hằn sâu trên nét mặt, nhưng bù lại em học rất giỏi. Cuối năm học đó, khi bạn bè xôn xao tìm trường để đăng ký thi lớp 10 thì cô bé không có động tĩnh gì.

Qua các bạn trong lớp, tôi phần nào hiểu hoàn cảnh của em. Em kể trong nước mắt: nhà em rất nghèo, em và mẹ sống tạm trong căn nhà nhỏ của một người bà con. Mẹ không có nghề ổn định nên em không dám mơ sẽ đi học tiếp.

Biết tin đó, tôi đã nài nỉ em về thuyết phục mẹ rằng: hãy cho con đi học. Vì chỉ có đi học mới thay đổi số phận của cả hai mẹ con. Nếu có khó khăn gì thì nhà trường hỗ trợ.

Hôm sau trong làn nước mắt ngắn dài, em thuật lại lời mẹ: Học lên cao nữa tốn kém lắm, mẹ không nuôi nổi đâu. Thương mẹ, dù rất thích học nhưng em vẫn nghe lời. Nhìn em buồn, tôi cũng “lực bất tòng tâm”.

Gần đây hỏi thăm tin tức về em, tôi được biết em đã đi Đài Loan. Cuộc đời em sẽ đi về đâu nơi xứ lạ quê người khi em mới 16 tuổi? Giá như tôi biết sớm thông tin này của báo Tuổi Trẻ, có lẽ cuộc đời của em và nhiều em nữa sẽ rẽ sang ngã khác.

Ray rứt về em nhưng tôi nghĩ vẫn chưa muộn, bởi hiện tại còn nhiều học sinh, tân sinh viên nghèo cần được giúp đỡ. Đặc biệt là hoàn cảnh của em Võ Minh Hiếu, Hồ Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Văn Trí và Nguyễn Ngọc Kim Thanh, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Minh Hiếu vừa trúng tuyển nguyện vọng 1 Trường CĐ Cao Thắng với số điểm 20,75. Em tâm sự: “Điểm thi đại học của con cũng có cơ hội nhưng con không chờ nữa mà quyết chọn trường cao đẳng, vì thời gian học chỉ có ba năm. Ba con khổ nhiều rồi. Con không muốn ba khổ thêm nữa!”.

Hiếu là học sinh cũ của tôi, mồ côi mẹ. Mẹ em qua đời trong một vụ tai nạn giao thông khi em tròn 6 tuổi. Người cha tội nghiệp của em vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi con ăn học. Nhà chỉ có 2 sào rẫy nên anh mướn thêm đất để làm.

Hình ảnh người cha cao lênh khênh cùng hai con nhỏ bỏ phân khoai mì trên rẫy là hình ảnh người dân nơi đây thường thấy về ba cha con anh Đức (cha của Hiếu). Anh tâm sự: Ba năm nay không thu được gì cả vì đất mướn cao giá, khoai mì lại ế ẩm nên không biết có thể cho con đi học tiếp nữa không. Cái ăn, cái mặc còn khó thì lấy đâu nuôi cả hai con đi học.

Về phần Hiếu, em vừa đi học vừa phụ cha làm rẫy, rồi lo cơm nước cho ba cha con. Tuy không phải là học sinh xuất sắc nhưng Hiếu đã vượt lên nghịch cảnh với ước mơ giản dị, muốn có cái nghề để kiếm tiền đỡ đần cho cha.

Mỹ Duyên cũng vậy. Em mồ côi cha từ khi 4 tuổi. Người mẹ gầy yếu, khắc khổ của em không quản bất kỳ khó khăn nào, từ việc phun thuốc, trồng cây đến kéo cày, cắt cỏ, sửa điện... trong nhà, chị đều làm tất với mong ước miễn sao có tiền cho con ăn học.

Duyên từng kể trong tiếng nấc: “Con đã làm tất cả những gì có thể để đỡ đần mẹ. Con chỉ mong được học tiếp, có một nghề ổn định, kiếm tiền giúp mẹ sau này”.

Điểm thi vào ĐH của em là 23,5, đậu nguyện vọng 1 của ĐH Ngân hàng.

Ước mơ của Hiếu, của Duyên cũng là mơ ước của em Nguyễn Ngọc Kim Thanh hay em Nguyễn Văn Trí và nhiều em khác nữa. Vừa qua điểm thi của Thanh khá tốt: cả khối A và khối B đều đạt 24,65.

Nguyện vọng 1 vào Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyện vọng 2: ĐH Kinh tế TP.HCM. Hoàn cảnh của Trí cũng chẳng khá hơn gì. Cha mẹ làm mướn, lại thêm cha bị tai nạn thập tử nhất sinh, nhà không có tiền, hàng xóm đã gom góp giúp anh qua cơn hoạn nạn.

Theo lời cha Trí thì mấy năm gần đây mất mùa, anh bị tai nạn yếu người, lại cao tuổi nên chẳng ai thuê. Sau những ngày học vất vả, hè về Trí cùng cha mẹ lăn lộn làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Điểm thi của Trí vào Trường ĐH Giao thông vận tải được 21,55 điểm.

Mỗi em mỗi hoàn cảnh khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Bởi các em đã vượt qua tất cả để trở thành những người con ngoan, hiếu thảo.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về .

 

Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ

NGUYỄN THỊ XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên