Post Malone đoạt 9 giải tại Giải thưởng âm nhạc Billboard, gồm giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất - Ảnh: GETTY IMAGES
1 Năm 21 tuổi, anh phá kỷ lục trên bảng xếp hạng Billboard của Michael Jackson với Thriller huyền thoại.
Điều đó sẽ không kỳ lạ nếu như anh không đạt được nó chỉ bằng Stoney - một album đầu tay "xôi thịt" về tình yêu và tiền bạc với những hình ảnh lấp-lánh-lộ-liễu như "làm tình trong xe Lexus".
Vừa mới đây, anh một lúc ẵm 9 giải tại Giải thưởng âm nhạc Billboard với album thứ ba, Hollywood’s bleeding (Hollywood đang chảy máu). Và điều đó cũng sẽ chẳng có gì kỳ lạ nếu như album này không giống Stoney đến thế.
5 năm ra 3 album, nhưng điều duy nhất có sự thay đổi trong âm nhạc của Post Malone dường như chỉ là tên các hãng xe hơi: album thứ hai anh đưa cả Bentley vào tựa đề Beerbongs and Bentleys.
Còn album mới nhất, người ta thoạt nhiên tưởng anh đã khác khi nghe ca khúc mở đầu Hollywood’s bleeding tối tăm và mờ sương, kể về những kẻ nuôi mộng ở kinh đô điện ảnh, chịu làm mồi cho những con ma cà rồng rệu rã sống về đêm và tự hỏi "ai sẽ đến đám ma tôi?".
Nhưng đến gần cuối bài hát, hình ảnh chiếc xe Lamborghini hiện lên. Và 16 bài hát theo sau lại quay về phong cách như Stoney.
Nói tóm lại, ngoài vòng lặp hợp âm, Post Malone còn có một vòng lặp mà chính anh đã công thức hóa trong tiêu đề một bài hát: Rich and Sad - Giàu và buồn.
2 Có một "niềm tin" cổ xưa rằng để thành công, một nghệ sĩ phải tự làm mới mình. Nhìn một loạt những biểu tượng mà xem: Michael Jackson, Prince, Madonna - họ đều biến hóa nhanh chóng mặt và khó lường.
Kể cả những ngôi sao đương thời như Beyoncé, Lady Gaga dường như cũng theo đuổi con đường đó.
Và bỗng nhiên có một Post Malone, dường như không có tham vọng thay đổi gì hết, những ca khúc của anh nghe na ná nhau về nhịp điệu, giai điệu, chủ đề, cấu trúc và không có sự tiến triển, nhưng anh vẫn siêu nổi tiếng.
Có lẽ Post Malone là một hiện tượng đặc biệt? Cũng có thể là không. Trước Post Malone, đã có một Rihanna nổi tiếng theo cách y như vậy. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy những trường hợp như vậy ở thị trường Việt, mà Mỹ Tâm là một điển hình. Vậy thì tại sao?
Điều tưởng vô lý ấy hóa ra vô cùng hợp lý. Lặp lại là một phần ma thuật của âm nhạc. Hãy bắt đầu từ những sản phẩm đơn lẻ, không phải đợi đến Post Malone mới là người tận dụng cấu trúc lặp lại liên tục một vài nốt nhạc, Canon in D của Pachelbel hay Bản giao hưởng số 5 của Beethoven là đỉnh cao về sự lặp lại.
Post Malone hay Rihanna chỉ là mở rộng ý niệm về sự lặp lại, không chỉ trong khuôn khổ một ca khúc, một album, mà là toàn bộ sự nghiệp cho đến thời điểm này. Có lẽ họ cũng tự hỏi, tại sao phải thay đổi?
Ngay cả những huyền thoại như Aerosmith hay Fleetwood Mac còn từng thất bại trong nỗ lực thay đổi bản thân. Ai cần Aerosmith hát rap metal? Ai cần Post Malone hát những ca khúc sâu sắc và phức tạp?
Lặp lại "là một dạng thức thôi miên", Murakami - một ngôi sao pop của thế giới văn chương - từng viết. Không thể bảo những nghệ sĩ như Post Malone ngừng thôi miên khán giả, chỉ có cách duy nhất là khán giả tự tỉnh cơn mộng của mình.
Kỹ thuật lặp lại
Nhà âm nhạc dân tộc học Bruno Nettl từng khám phá ra rằng kỹ thuật lặp lại là một đặc trưng hiếm hoi có tính phổ quát trong âm nhạc mọi nền văn hóa. Và nói rộng hơn như trong cuốn On Repeat: How music plays the mind (Về sự lặp lại: Âm nhạc chơi đùa với tâm trí ra sao) của nhà tâm lý học Elizabeth Margulis, con người không thích "mạo hiểm" với đôi tai của mình, họ thích nghe đi nghe lại những mẫu thức có sẵn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận