Homegrown - album ghi âm vào đúng thời kỳ đỉnh cao của Neil Young những năm 1970 vừa được phát hành - Ảnh: YOUTUBE
1. Năm 2018, khi bản ghi âm Both directions at once lưu giữ hàng chục năm trong ngôi nhà cũ của nghệ sĩ saxophone John Coltrane được đưa ra ánh sáng, nó tạo nên một cơn sốt trong giới jazz. Hơn 250.000 bản được tiêu thụ cho một album thất lạc, dấy lên một trào lưu săn lùng những ký ức đã bị chôn chặt.
Từ đó, năm nào người mê jazz cũng được "bóc" những món quà từ quá khứ: năm 2019 là Blue world của John Coltrane, Rubberband và Những bản tứ tấu bị mất của Miles Davis, Getz At The Gate của Stan Getz; năm 2020 là Những bản thất tấu bị mất của Miles Davis và Cherry Jam của Don Cherry.
Những nhạc phẩm này có thật là hay đến thế không? Hay chúng chỉ là một triệu chứng kiểu "Midnight in Paris" - nhìn vào quá khứ thì cái gì cũng lộng lẫy? Một cách công bằng thì phần lớn những album thất lạc không làm thay đổi nhiều suy nghĩ của chúng ta về những tên tuổi đã định danh trong lịch sử.
Both directions at once thiếu đi chút liều lĩnh của Coltrane trong Live at birdland, Rubberband chỉ là tàn dư trong buổi tà dương cuộc đời huy hoàng của Miles Davis. Còn Cherry Jam cũng khó mà sánh được với Complete Communion - album được Don Cherry thực hiện cùng năm, một cột mốc đáng nhớ trong phong trào free jazz khi đó.
Song, nói như nhà phê bình Richard Brody thì "Coltrane không có khả năng tạo nên thứ gì xấu xí" - một điều có lẽ cũng đúng với nhiều nghệ sĩ jazz đương thời. Được nghe những biên độ hòa âm mênh mông và những âm thanh tráng lệ xuyên không qua bấy nhiêu năm, mới thấy rằng ngay cả ở phiên bản thường nhất, họ cũng đang thổi hơi thở của cả một thời đại qua những cây kèn saxophone và trumpet.
2. Khác với tác phẩm của các nghệ sĩ jazz bị khai quật ngoài ý muốn của chủ nhân, Homegrown - album tưởng đã bị xóa sổ 45 năm qua, cuối cùng đã được huyền thoại rock dân ca Neil Young tự tay hồi sinh.
"Có những album nhạc pop vĩ đại bởi chúng bị mất. Một khi chúng được tìm ra và ai cũng tiếp cận được thì chúng thôi vĩ đại" - một cây bút âm nhạc từng hài hước viết về vụ The black album của Prince - một album được đồn thổi là xuất chúng trước khi người ta phát hành nó. Trong âm nhạc, khó tìm nổi một Kafka đòi đốt những tác phẩm vĩ đại của mình. Những gì hay nhất chúng ta hẳn đều biết cả rồi nhưng Homegrown là ngoại lệ.
Homegrown ghi âm vào đúng thời kỳ đỉnh cao của Neil Young những năm 1970. Và, như những album kinh điển của ông thời kỳ ấy, nó cũng đẹp đẽ, phiêu du như một giấc mơ đêm. Homegrown, nếu ra đời đúng thời điểm, có lẽ đã là một cặp với Harvest - album lớn nhất trong sự nghiệp của Young. Harvest là thế chơi vơi của người lữ hành vừa muốn tự do, vừa muốn kiếm tìm một tình yêu đích thực, đến Homegrown - vẫn người lữ khách ấy nhưng đã buông xuôi với tình yêu.
Liên hệ đến đời tư của Young, khoảng thời gian phôi thai Homegrown, không níu kéo được người vợ cũ, ông đã tặng cô cây guitar dùng để sáng tác Harvest như kỷ vật chia tay. Cây guitar cũ không còn, nét nhạc tươi sáng của Harvest cũng biến mất trong Homegrown, thế vào đó là một sự dứt khoát có phần sầu muộn.
Young tâm sự rằng 45 năm trước, ông cất đi album này bởi chúng quá riêng tư và khiến ông sợ hãi. Nhưng có lẽ cũng như câu hát trong ca khúc Mexico của album, một bản nhạc chỉ hơn một phút, ngắn ngủi tư lự tựa một cơn chợp mắt: "Ôi, những điều ta làm để sống và vượt qua nỗi sợ, để bước qua những năm tháng đó", 45 năm đã bay hơi mang theo nỗi sợ, chỉ còn những giai điệu lắng lại dưới đáy thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận