31/05/2020 18:40 GMT+7

Lá thư âm nhạc: Giờ chưa phải lúc để khóc

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - "Tôi biết rằng cái chết của Michael Brown sẽ không là cái chết cuối cùng", rapper Jay-Z nói về ca khúc Spiritual của mình khi được phát hành năm 2016, trùng thời điểm hai người Mỹ da màu bị cảnh sát da trắng sát hại.

Lá thư âm nhạc: Giờ chưa phải lúc để khóc - Ảnh 1.

Jay-Z viết trong ca khúc spiritual: “Tôi không phải độc dược... Chỉ là một chàng trai sống trong thành phố với hai tay giơ lên trời trong tuyệt vọng, xin đừng bắn” - Ảnh: BET

Mặc dù thế, Spiritual đã được Jay-Z viết từ hai năm trước đó và lấy cảm hứng từ vụ chàng trai da màu 18 tuổi Michael Brown bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết. Wilson sau đó được tuyên trắng án.

Jay-Z đã đúng. Michael Brown không phải cái chết oan ức cuối cùng. Sau Michael Brown này vẫn còn nhiều Michael Brown khác.

1. Khi video ghi lại cảnh một cảnh sát da trắng quỳ xuống kẹp cổ đến chết một người đàn ông da màu tên George Floyd được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua, một làn sóng phẫn nộ lan rộng ngay giữa tâm đại dịch.

Cơn phẫn nộ của hàng thế kỷ phân biệt chủng tộc chưa từng nguôi ngoai, song, học theo cách hành văn của Bob Dylan, ta phải phẫn nộ bao nhiêu lần cho đến khi công lý được thực thi?

Khi Jay-Z viết "Tôi không phải độc dược, không phải độc dược. Chỉ là một chàng trai sống trong thành phố với hai tay giơ lên trời trong tuyệt vọng, xin đừng bắn", nó cũng mang thứ tinh thần mà "ông hoàng nhạc soul" Sam Cooke dùng để viết trong A change is gonna come từ gần 60 năm về trước mô tả về cuộc sống một thanh niên da màu: "Sống quá khó nhưng tôi sợ chết (...) Tôi đi xem phim và tôi đi xuống phố. Ai đó nói tôi đừng tụ tập lang thang".

Ca khúc của Jay-Z có thể bùm chát dữ dội, trong khi bản nhạc của Sam Cooke sâu lắng và chậm rãi, nhưng ngôn ngữ âm nhạc có thể thay đổi theo thời đại, còn sự dồn nén trong tinh thần những người gốc Phi thì không.

Từ Sam Cooke đến Jay-Z, sau nửa thế kỷ họ vẫn phải tự bào chữa, vẫn phải cầu xin, vẫn gượng nhìn về phía trước dù dường như không có một đấng cứu thế nào chìa tay cho họ.

2. Khi huyền thoại người Pháp Johnny Hallyday tưởng niệm Brown qua câu hát: "Như thể một câu chuyện về sự trở lại của cái thời đáng nguyền rủa đó. Những trái cây lạ trên cành, màu đen". Những trái lạ trên cành, không nghi ngờ gì nữa, đó là Hallyday đang trích dẫn lại bản nhạc Strange fruit đã trở thành kinh điển qua giọng hát của Billie Holiday.

Có gì khác nhau giữa những người da đen thời Holiday bị treo cổ trên cây như chùm hoa quả thối rữa đợi bầy quạ đến rỉa với những Brown, những Floyd không vũ khí, không cách gì chống trả, bị giết như những con vật trên đường? Chúng ta đã vần vò công lý thế nào trong suốt gần một thế kỷ qua?

Năm 1963, vào ngày mà Martin Luther King đọc bài diễn văn "Tôi có một giấc mơ" từ đài tưởng niệm Lincoln, William Zantzinger bị tòa xử 6 tháng tù. Trước đó, Zantzinger say xỉn và man rợ giết một phụ nữ da màu tên Carroll.

Là một người trong đoàn diễu hành của King, Bob Dylan viết nên một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông: The lonesome death of Hattie Carroll (Cái chết cô độc của Hattie Carroll).

Bài hát chia thành bốn phần: diễn biến vụ án, gia thế và sự hống hách của Zantzinger, sự vô tội và khiêm nhường của nạn nhân, phán xét của quan tòa. Và ở cả ba phần đầu, Dylan luôn kết thúc bằng câu: "Và bạn, người tư biện về nỗi ô nhục và phê phán mọi cơn sợ hãi. Hãy bỏ khăn tay ra khỏi mặt, giờ không phải lúc để khóc".

Chỉ đến phần cuối cùng, khi tòa tuyên án, ông mới viết: "Hãy vùi mặt vào khăn tay, giờ là lúc để khóc".

3. Điều khiếp đảm nhất không phải là hành vi vô đạo, ngông cuồng của Wilson hay Zantzinger, cũng không phải là cái chết tức tưởi của Brown hay Carroll, điều khiếp đảm nhất chính là điều đó được công lý cho phép diễn ra và gần như không bị công lý luận tội.

Với George Floyd cũng thế, giờ chưa phải lúc để khóc. Nhưng hãy cứ chuẩn bị trước một chiếc khăn tay.

Lá thư âm nhạc: Bình mới rượu cũ trong những bản nhạc xưa Lá thư âm nhạc: Bình mới rượu cũ trong những bản nhạc xưa

TTO - "Gu nhạc xưa" được nhiều nhóm nhạc đương đại lựa chọn khi hát lại những ca khúc vang danh một thời, như ban nhạc Disturbed hát "The Sound of Silence", được vào Hot 100 của bảng xếp hạng Billboard.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên