Những bản nhạc không lời nghe để thư giãn trên Spotify có lượt người theo dõi lớn. Các dịch vụ, ứng dụng như Soundcloud, Songkick tạo nhiều thuận lợi cho người dùng nên rất phổ biến, đã sử dụng được tại Việt Nam, riêng Spotify sắp có mặt tại Việt Nam. |
1. Thuyền to sóng lớn, với lượng người sử dụng lên đến 100 triệu mỗi ngày, Spotify đứng trước rất nhiều săm soi của giới truyền thông về việc chi trả cho nghệ sĩ, về việc tạo danh sách bài hát (playlist)...
Lời kết tội gần nhất là Spotify thông đồng với các nhà sản xuất để tạo ra những nghệ sĩ ảo và qua đó số tiền phải chi trả thật sự sẽ thấp hơn cho nghệ sĩ thật.
Cụ thể, các nhà sản xuất sẽ được Spotify thuê với khoản thù lao cố định, cộng thêm chi phí phòng thu và nhạc công để tạo ra các bản nhạc đứng dưới những cái tên giả.
Hầu hết các bài này đều là nhạc không lời. Spotify sẽ giữ quyền tác giả và đương nhiên không phải chi trả các khoản này.
Các bản nhạc của nghệ sĩ ảo này được cho là có lượt nghe lên đến 500 triệu và theo chi trả bản quyền của Spotify, số tiền lên đến khoảng 3 triệu USD.
Spotify lên tiếng phủ nhận cáo buộc này và khẳng định họ không hề sở hữu bất cứ bài nào mà luôn chi trả sòng phẳng cho nghệ sĩ và hãng đĩa, lên đến 70% doanh thu của Spotify.
Truyền thông tiếp tục vào cuộc và tờ New York Times đã tìm được một trong những nghệ sĩ như trên, Peter Sandberg, một nhạc sĩ 27 tuổi ở Thụy Điển, đã thực hiện các bản nhạc cho Spotify dưới rất nhiều nghệ danh.
Nhưng Peter cho rằng “ảo” hay “giả” là từ dùng không công bằng vì “tôi là một người viết nhạc tìm cách phát triển sự nghiệp và phổ biến các tác phẩm của mình.
Bị gọi là “giả” không phải là điều mà tôi thấy hay ho gì”.
Nhiều nghệ sĩ giống như Peter được đại diện bởi Công ty Epidemic Sound, một công ty thực hiện nhạc nền cho truyền hình, phim ảnh cũng như các clip trên YouTube và Facebook.
Cả Spotify và Epidemic Sound đều có chung một nhà đầu tư là Công ty Creandum.
Phía Spotify trả lời rằng họ cần kho nhạc của Epidemic vì nhu cầu đột biến từ phía người dùng dành cho các playlist dựa trên tâm trạng, giống như Peaceful Piano (nhạc hòa tấu dương cầm nhẹ nhàng, nghe lúc đọc sách, thư giãn), đang có lượt người theo dõi lên đến 2,9 triệu.
2. Trong khi đó, Soundcloud - một dịch vụ được khá nhiều người Việt Nam sử dụng, đang đứng trước nguy cơ phá sản khi cắt giảm đến 40% nhân sự và đóng cửa hai văn phòng ở San Francisco và London.
Soundcloud cho phép người dùng tải các bản ghi âm của mình lên và chia sẻ những nội dung đó.
Sự phát triển của Soundcloud thuận lợi bước đầu cho đến khi đối mặt với câu chuyện bản quyền.
Người dùng Soundcloud đôi khi không sở hữu các bản ghi âm mà họ tải lên nên “bị vịn”, giống như các clip trên YouTube. Soundcloud tìm cách thỏa thuận với các công ty âm nhạc lớn nhiều lần nhưng đều không thành.
3. Songkick, một start-up nổi danh trong ngành công nghiệp âm nhạc, có tương lai tươi sáng hơn nhưng bị chẻ làm hai. Trong một thỏa thuận vừa công bố, tập đoàn Warner đã mua lại cái tên Songkick và phần giới thiệu các buổi diễn nhạc của dịch vụ này.
Songkick có một ứng dụng rất phổ biến, giới thiệu đến người dùng các buổi diễn nhạc ở gần nơi họ sinh sống kết hợp luôn bán vé cho các buổi diễn.
Tuy nhiên, phần bán vé không được Warner quan tâm và sẽ tự thân vận động dưới cái tên khác chưa được công bố.
Những biến động trên càng cho thấy bản quyền nhạc số đang là một nguồn thu quan trọng của làng nhạc khi lượng người nghe nhạc số ngày càng tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận