29/03/2006 06:11 GMT+7

Lá sen chữa được nhiều bệnh

Theo Sức khỏe & đời sống
Theo Sức khỏe & đời sống

Lá sen tươi băm nhỏ nấu với hạt đậu xanh (để nguyên vỏ) làm canh ăn có thể phòng và chữa được rôm sẩy, ghẻ lở. Nước sắc lá sen để rửa chữa dị ứng do sơn. Dịch ép từ lá sen dùng chữa tiêu chảy...

goMupAz0.jpgPhóng to

Từ trước đến nay, người ta chỉ chú ý sử dụng hạt sen (liên nhục) để nấu chè, tâm sen (liên tâm) làm thuốc an thần, tua sen (liên tu) dùng ướp chè, ngó sen (liên ngẫu) làm thực phẩm. Còn lá sen thường chỉ được dùng để gói thức ăn, ít người nghĩ rằng lá sen lại có nhiều tác dụng quý để chữa bệnh.

Về hóa học, lá sen chứa 0,2 - 0,3% tanin, 0,77 - 0,84% alcaloid, trong đó có nuciferin (chủ yếu), nor - nuciferin, roemerin, pro - nuciferin, vitamin C, các acid citric, tartric, succinic. Ngoài ra, còn có quercetin, isoquercitrin, nelumbosid, leucocyanidin, leuco - delphinidin. Tỷ lệ hoạt chất có trong lá sen bánh tẻ cao hơn lá non và lá già.

Về dược lý, lá sen đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm sen. Nuciferin chiết từ lá sen có tác dụng kéo dài giấc ngủ. Thuốc senin chứa alcaloid lá sen được áp dụng trên 36 bệnh nhân ngoại tâm thu thất cơ năng với tim không có tổn thương thực thể, đạt hiệu quả tốt với tỷ lệ 75%, thuốc không gây tác dụng phụ. Thuốc leonuxin bào chế từ lá sen và ích mẫu cũng được điều trị cho các bệnh nhân ngoại tâm thu thất với kết quả tốt 64%, trung bình 21%, không kết quả 15%.

Lá sen được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là liên diệp hoặc hà diệp, được thu hái quanh năm, thường dùng lá non (hoặc lá còn cuộn lại chưa mở) và lá bánh tẻ, bỏ cuống. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô, đôi khi sao thơm. Dược liệu là nguyên lá to, khô, màu lục, không bị sâu, không có vết thủng, có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, không độc, vào 3 kinh can, tỳ, thận, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, tán ứ, an thần, lợi thấp.

Chữa háo khát: Lá sen non (loại lá còn cuộn lại chưa mở càng tốt) rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày. Hoặc thái nhỏ, trộn với các loại rau ghém, ăn sống hằng ngày. Người bị tiêu chảy vừa chữa khỏi, cơ thể đang bị thiếu nước dùng rất tốt.

Chữa máu hôi không ra hết sau khi sinh: Lá sen sao thơm 20-30g tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện (nước tiểu trẻ em) hoặc sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.

Chữa mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc hoặc hãm uống. Có thể dùng viên nén gồm cao mềm lá sen 0,03g, bột mịn lá sen 0,09g, tá dược vừa đủ cho một viên. Ngày uống 3-6 viên trước khi đi ngủ 3 giờ. Hoặc sirô lá sen gồm cao mềm lá sen 4g, cồn 45o 20ml, sirô đơn vừa đủ cho 1.000ml. Người lớn uống 15ml, trẻ em tùy tuổi 5ml.

Chữa sốt xuất huyết: Lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều, có thể tăng liều của lá và ngó sen lên 50-60g.

Chữa chảy máu não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp: Lá sen 15,5g, cam thảo 15,5g, đỗ trọng 12,5g, sinh địa, mạch môn, tang ký sinh, bạch thược mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa băng huyết, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu: Lá sen 40g để sống, rau má 12g sao vàng, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa ho ra máu, nôn ra máu: Lá sen, ngó sen, sinh địa mỗi vị 30g; trắc bá, ngải cứu mỗi vị 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.

Chữa mất ngủ: Dùng viên bao sen - vông gồm cao khô lá sen 0,05g tương đương với 1g lá sen khô, cao khô lá vông 0,06g, bằng 1g lá khô, l - tetrahydropalmatin (hoạt chất chiết từ củ bình vôi) 0,03g, tá dược vừa đủ cho 1 viên. Ngày uống 2-4 viên trước khi đi ngủ. Một đợt điều trị từ 10-15 ngày.

Khoa thần kinh - Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội đã dùng viên bao sen - vông cho 100 bệnh nhân uống thấy tác dụng an thần tốt, gây ngủ nhanh, giấc ngủ kéo dài, êm dịu. Khi tỉnh giấc, không thấy mệt mỏi so với dùng meprobamat. Viên sen - vông đã được sản xuất rộng rãi để dùng trong nước và xuất khẩu.

Chế phẩm Passerynum gồm lá sen, lạc tiên, vông nem, hạt tơ hồng, thảo quyết minh, lá dâu tằm, hạt keo giậu và sâm đại hành đã thể hiện tốt trên lâm sàng, làm người bệnh ngủ dễ dàng và ngon giấc, không gây trạng thái buồn ngủ và không làm thay đổi huyết áp.

Ngoài ra, lá sen, hoa hòe mỗi vị 10g; cúc hoa vàng 4g, sắc uống còn chữa cao huyết áp, đau mắt.

Dùng ngoài, núm cuống lá sen nấu nước đặc để rửa, rồi lấy lá sen rửa sạch, giã nát với cơm nếp, đắp làm tan mụn nhọt.

Theo tài liệu nước ngoài, lá sen hãm uống được dùng phổ biến như một loại nước trà trong những ngày hè oi bức để chống nóng, giải nhiệt, làm dịu mát, đỡ khát. Các nhà khoa học người Mỹ đã nghiên cứu thấy trong lá sen có hoạt chất làm dịu dục tính, chữa di tinh, mộng tinh.

Theo Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên