Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cùng phái đoàn Quốc hội Mỹ thăm và trao tặng xe lăn, các thiết bị trợ thính tại Đà Nẵng vào ngày 19-4-2014 - Ảnh (tư liệu): USAID/Vietnam
Tôi còn nhớ rất rõ vào thời điểm đó, khi chúng tôi bỏ phiếu ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi là thành viên trẻ nhất của Ủy ban Dịch vụ vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ.
Cuộc bỏ phiếu đã không được nhiều người tại bang Vermont nơi tôi sống ủng hộ. Trên thực tế, tờ báo lớn nhất tại Vermont đã dự đoán việc bỏ phiếu sẽ khiến tôi phải kết thúc sự nghiệp chính trị và chỉ được phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất.
Lá phiếu tự hào nhất
Tuy nhiên, lịch sử lại diễn ra theo một cách khác. Và trong số hơn 17.000 lá phiếu đã bầu trong suốt tám nhiệm kỳ tại thượng viện của mình, lá phiếu vào năm 1975 là lá phiếu khiến tôi tự hào nhất.
Như tôi đã chia sẻ ở những lần trước, chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng chúng ta có thể lựa chọn một tương lai khác - cho chính chúng ta và cho thế hệ tương lai.
Ngày hôm nay, hai quốc gia từng là thù địch có thể tự hào về hơn 33 năm hòa giải, bình thường hóa và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Năm tới sẽ là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - được ký kết vào năm 2013 giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tôi nghĩ không còn cách nào tốt hơn để kỷ niệm dịp đặc biệt này ngoài việc nâng cao quan hệ đối tác giữa hai nước lên tầm chiến lược.
Làm thế nào mà chúng ta có thể đạt được những thành tựu như ngày nay sau một cuộc chiến đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho cả hai đất nước?
Những gì chúng ta đã đạt được không tự nhiên mà có. Chính các cựu binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến đó - John McCain, John Kerry, Bobby Muller và những người khác - đã đi đầu trong chiến dịch hòa giải và bình thường hóa quan hệ đối tác giữa hai nước.
Việt Nam cũng có những nỗ lực của mình khi luôn hướng về phía trước và không để quá khứ kìm hãm.
Dù chiến tranh đã kết thúc được hơn một nửa thế kỷ, hậu quả thảm khốc do nó gây ra vẫn hiện hữu quanh chúng ta. Ở Hoa Kỳ, tôi luôn nhớ về điều đó vào mỗi buổi sáng khi lái xe ngang qua Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam trên đường đến tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Và ở Việt Nam, quốc gia tôi đã có cơ hội đến thăm ba lần, tôi luôn nhớ về những mất mát to lớn mà người dân Việt Nam phải trải qua. Không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Hoa Kỳ, không có gia đình nào không phải chịu tổn thương, và nhiều gia đình cũng đã trải qua nỗi đau mất người thân.
Đó là những gì xảy ra trong chiến tranh. Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng những ký ức đau thương và mất mát vẫn còn hiện hữu.
Cùng hướng đến tương lai
Trong hơn 33 năm, tôi và những đồng nghiệp khác ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã nỗ lực để khắc phục những hậu quả của cuộc chiến, có thể kể đến việc tìm và xác minh hài cốt của những người Hoa Kỳ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh, rà soát và cải tạo các khu vực bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, các khu vực có bom mìn và vật liệu chưa nổ, cũng như hỗ trợ người khuyết tật.
Thông qua đó, chúng ta đã vượt qua những khác biệt giữa hai quốc gia để gắn kết hai dân tộc lại với nhau và phát triển mối quan hệ đối tác mở rộng sang nhiều lĩnh vực hợp tác khác, trong đó có giáo dục đại học, y tế công, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.
Khi chúng ta cùng nhìn lại mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay, 27 năm kể từ khi tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, những gì hai nước đã đạt được thật tuyệt vời.
Hai nước sẽ không thể đạt được những thành tựu như hiện tại nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt của tù nhân và quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh trong hơn bốn thập niên qua. Không từ ngữ nào có thể mô tả được tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tôi rất vui khi chúng ta chuẩn bị tiến tới một quan hệ đối tác mới giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hàng trăm nghìn hài cốt liệt sĩ. Đây có thể sẽ là việc làm có ý nghĩa nhất trong tất cả những nỗ lực được thực hiện để xóa bỏ những đau thương từ chiến tranh, không chỉ đối với những gia đình có người thân mất tích mà còn đối với chính phủ hai nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng nghìn người khuyết tật tại Việt Nam là nạn nhân của bom mìn và vật liệu chưa nổ thông qua Quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Leahy - được lập ra cách đây 33 năm nhằm mục đích hỗ trợ xe lăn và chân tay giả cho các nạn nhân.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ những người Việt Nam bị khuyết tật nặng về nhận thức và thể chất, cũng như rà soát và cải tạo các địa điểm bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa là dự án có quy mô và độ phức tạp cao nhất từ trước đến nay mà chúng tôi từng thực hiện. Dự án cho thấy sự tin tưởng của hai chính phủ vào những thành công mà cả hai có thể đạt được cùng nhau.
Trong thời điểm thế giới còn nhiều bất ổn, chúng ta vô cùng may mắn khi có thể cùng nhau giải quyết di sản chiến tranh trong suốt những năm qua. Việc này không phải lúc nào cũng có thể đạt được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt giữa hai nước, nhờ những nỗ lực chung giữa hai nước mà Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những đối tác thân thiết nhất của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Á.
Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam và Hoa Kỳ còn quá trẻ để có thể hiểu rõ về cuộc chiến. 27 năm tới của thế hệ trẻ sẽ diễn ra như thế nào? Liệu thế hệ trẻ có tiếp tục phát huy những gì chúng ta đã xây dựng, không chỉ để giải quyết di sản chiến tranh mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục đại học và năng lượng sạch, chuẩn bị cho các đợt đại dịch trong tương lai và gìn giữ hòa bình khu vực?
Tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Việt Nam khi gặp một số bạn trẻ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Thế hệ trẻ Việt Nam thông minh, nhiệt tình, ham học hỏi và quyết tâm đạt được thành công trong một thế giới công nghệ kết nối như hiện nay giống như những người trẻ ở bất cứ nơi nào khác. Họ tự hào là người Việt Nam, họ mong muốn Việt Nam đóng một vai trò chủ động và tích cực tại khu vực Đông Á và trên thế giới.
Tự hào vì góp phần vun đắp quan hệ hai nước
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (trái) tặng thượng nghị sĩ Patrick Leahy món quà là hộp đất đã được làm sạch chất dioxin lấy từ sân bay Đà Nẵng sau dự án tẩy độc dioxin - Ảnh: SONG MINH
Nhiệm kỳ của tôi sẽ kết thúc trong hai tháng tới. Tôi và vợ tôi, Marcelle, sẽ trở về căn nhà của chúng tôi tại Vermont. Nhưng những đồng nghiệp của tôi trong Quốc hội sẽ là những người tiếp tục công việc chúng tôi đã làm để đưa hai quốc gia sát lại gần nhau cũng như tiếp tục nỗ lực để đương đầu với những thách thức phía trước.
Đối với tôi, giúp tạo dựng quan hệ đối tác với Việt Nam dựa trên sự tin cậy, hữu nghị và hợp tác là một trong những điều đáng giá nhất mà tôi từng đảm nhiệm với tư cách là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Điều này đã góp thêm ý nghĩa cho lá phiếu năm xưa, vào 47 năm trước, nhằm ủng hộ chấm dứt chiến tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận