Báo cáo mới nhất của BOM mang tên "Dao động phía Nam của El Nino" công bố ngày 21-11 cho rằng nhiều khả năng La Nina sẽ "đổ bộ" vào khu vực này trong tháng 12. Tuy nhiên, đợt La Nina này sẽ "ngắn và khá yếu" và không gây mưa nhiều như các đợt La Nina thông thường.
Blair Trewin, chuyên gia khí hậu cấp cao của BOM, cho biết thay vì mưa, nhiều khả năng khu vực này sẽ phải hứng chịu các đợt sóng nhiệt. Nguyên nhân là do nhiệt độ tại các vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới đã giảm, các khu vực như Trung và Trung - Đông Thái Bình Dương hiện có nhiệt độ bề mặt thấp hơn mức trung bình từ 0,5-0,6 độ C.
Nước biển mát hơn đồng nghĩa với việc sẽ có ít nước bốc hơi hơn và La Nina sẽ khó có thể mang nhiều mưa tới Australia. Do đó, Australia sẽ có một mùa hè khô nóng bất chấp La Nina năm nay sẽ "hỏi thăm" Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chuyên gia Trewin cũng cảnh báo đây chỉ là trường hợp của Australia. Tại các khu vực của thế giới vẫn sẽ phải "đón" những tác động thường thấy của hiện tượng thời tiết cực đoan này.
Trong giai đoạn 2008-2009, Australia cũng từng gặp trường hợp tương tự khi miền Đông Nam Australia trải qua một đợt sóng nhiệt kỷ lục vào đúng thời điểm La Nina đang hoành hành. Trong vòng 16 ngày (từ 25-1 đến 9-2-2009), có 50 địa điểm đã phá kỷ lục về mức nhiệt cao nhất trong đêm hoặc ngày. Cả Melbourne và Adelaide đều lập kỷ lục về chuỗi ngày duy trì mức nhiệt trên 40 độ C và thậm chí có thời điểm lên tới 46,4 độ C. Hơn 370 người đã tử vong do nhiệt độ quá cao và hơn 2.000 người phải tiếp nhận điều trị do gặp vấn đề sức khỏe liên quan tới thời tiết nóng bức. Nắng nóng bất thường kéo theo các đợt cháy rừng và đã thiêu hủy hơn 3.500 tòa nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận