Cái kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xoay quanh nội dung cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) vừa được công bố cho thấy, “Năm 2011 ở TP.HCM mức tiền hối lộ dẫn tới việc người dân tố cáo hành vi đòi hối lộ trung bình là 5,8 triệu đồng, thì năm 2015 người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng”.
Đại khái Là mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân hiện tại đang tăng lên rất cao. Mỗ tui thấy sự thiệt không phải như vậy đâu.
1- Mỗ tui biết là nhiều người dân không có thiện cảm lắm với cán bộ lãnh đạo, họ hay nghĩ cán bộ lãnh đạo là phải thế này hay thế kia. Kiểu như làm cán bộ lãnh đạo chỉ biết đến kiếm tiền kiếm bất động sản chứ không có biết vì dân phục vụ. Nhưng như vậy là hết sức nguy hiểm, hết sức tiêu cực.
Nói gì thì nói chứ làm cán bộ lãnh đạo cực lắm, lương thì ba cọc ba đồng trong khi vật giá thì leo thang không ngừng nghỉ.
Chẳng hạn như xưa bỏ một hai trăm ngàn vào túi thì có thể tự tin hẹn bạn gái đi uống cà phê chém gió, chứ giờ bỏ một hai trăm ngàn vào túi thì nhắm mắt mở mắt cái hết ngay, nhiều lúc còn chưa kịp nhận ra mình đã xài gì nữa.
Mà Mỗ tui tin một điều ai cũng thấy, đó chính là sống trên đời có nhiều nỗi đắng cay, nhưng đắng cay nhất chính là không có tiền. Không phải ông bà mình xưa có câu: “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm. Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”.
Là vậy đó, không có tiền thì đừng nói bạn hữu huynh đệ, mà đến con chó phèn mình nuôi từ bé nó nhìn thấy mình từ đằng xa nó còn sủa loạn lên nữa à.
Người không chức không tước không danh không vọng không có tiền nói không có người nghe thì cũng đặng đi, lời nói mình có giá trị hay chút sức nặng gì đâu mà phải suy tính. Nhưng cán bộ lãnh đạo lại là chuyện khác.
2- Cán bộ lãnh đạo tức là quan nhân, quan nhân có cái phong thái uy vũ của quan nhân, tu mấy đời mấy kiếp mới được làm quan, mòn gối mòn lưng mới được làm quan, chứ đâu phải muốn làm quan là làm đâu.
Cái giải xổ số Vietlott mới mở ra có đến mười mấy người trúng, thử hỏi trong vòng vài tháng ít ỏi đó có người dân nào tự dưng được làm quan hay không? Vậy mới thấy rằng muốn làm quan còn khó hơn trúng Vietlott, mà ai cũng biết trúng Vietlott còn khó hơn bị sét đánh nữa.
Vậy mà nếu quan không có tiền, quan nói không ai nghe thì còn gì là quốc gia vương pháp nữa, có đúng không? Quan nói dân nghe là vì quan có tiền, hệt ông mà mình đúc kết luôn. Chứ quan mà ngày ngày chạy xe ôm kiếm thêm, đêm đêm bán hủ tíu gõ mưu sinh thì lời nói còn gì là linh nghiệm nữa.
Vì vậy, nhất định, gì thì gì chứ quan phải da trắng như bông bưởi, mặt đỏ hồng hào như bông bụt, vòng bụng căng tròn như bông hồng thì mới có cái khí chất của quan, cái phong thái của người lãnh đạo. Ngoài diện mạo nổi bật hơn người, thì hầu bao của nhà quan cũng phải đầy đặn hơn nhân dân.
Không phải bắt quan nghèo hơn nhân dân là điều vô cùng quá đáng hay sao?
3- Thế cho nên bảo mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân nước mình ngày càng tăng, cả số tiền chấp nhận chi cho tham nhũng cũng tăng là điều hoàn toàn không chính xác.
Thứ nhất, đây không phải là chịu đựng tham nhũng mà thấm nhuần tư duy giúp đỡ quan nhân có cuộc sống vinh hoa hơn. Thứ hai, không phải số tiền chấp nhận chi cho tham nhũng tăng mà đó chính là tiền bù vào mức độ trượt giá với cả lạm phát phi mã.
Mỗ nói thiệt, ai ghét Mỗ thì Mỗ xin tha thứ, chứ làm nhân dân mà không thương quan, không cúng tiền cho quan thì biết thương ai, biết cúng tiền cho ai đúng không ạ?
Cúng như cúng hôm Mười Sáu Âm lịch ấy mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận