Ở trận chung kết play-off Championship tranh suất thăng hạng cuối cùng vào hôm 27-5, Luton Town đã có chiến thắng nghẹt thở trước Coventry trên loạt sút luân lưu để cùng Burnley và Sheffield United lên chơi ở Giải ngoại hạng Anh (Premier League) mùa tới.
Sân nhà kỳ lạ
Trận chung kết play-off nói trên diễn ra trên sân Wembley với sự có mặt của khoảng 36.500 CĐV Luton Town trên khán đài.
Đó là dịp hiếm hoi người ta được thấy nhiều CĐV Luton Town đến vậy. Lý do bởi sân nhà Kenilworth Road của họ có sức chứa chỉ hơn 10.000 chỗ ngồi. Đây cũng là sân vận động nhỏ nhất tại Premier League mùa tới.
Sân Kenilworth Road chỉ có một mặt tiền giáp với đường lớn. Ba mặt còn lại bị bao phủ bởi những khu dân cư. Nhiều CĐV đội khách khi đến sân này đã có những trải nghiệm khó quên. Để vào sân, họ phải đi qua những con hẻm nhỏ xíu nằm giữa dãy nhà dài dằng dặc.
Sau đó để lên khán đài, họ phải bước lên một bậc cầu thang. Không ít người chia sẻ họ từng vô tình nhìn thấy những cảnh sinh hoạt riêng tư của chủ nhà khi đến sân Kenilworth Road.
Kenilworth Road là sân nhà của CLB Luton Town từ năm 1905. Theo thời gian, việc các căn nhà thay nhau mọc lên và biến Kenilworth Road thành một chiếc hộp chật chội nằm ở giữa.
Ghế ngồi trong sân không thoải mái, phòng thay đồ, băng ghế dự bị cho cầu thủ và HLV bị chê là thiếu không gian. Cách đây vài năm, ban lãnh đạo Luton Town đã có phương án dời sang một sân đấu với sức chứa 23.000 chỗ ngồi.
Dịch COVID-19 khiến kế hoạch đổi sân của Luton Town bị dời lại đến năm 2026. Trước mắt, ban lãnh đạo sẽ phải chi khoảng 10 triệu bảng Anh để nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục của sân đấu này để đạt đủ tiêu chuẩn của Premier League.
Và các ngôi sao như Erling Haaland, Mohamed Salah hay những HLV tài ba như Pep Guardiola, Jurgen Klopp cũng phải chấp nhận đặt chân đến sân bóng nhỏ bé nhưng là niềm tự hào của các CĐV Luton Town.
Sức sống mãnh liệt
CLB nhỏ bé Luton Town đã tồn tại... 138 năm. Nhưng từ năm 1992, họ bắt đầu rơi vào khó khăn khi xuống hạng. Luton Town đã trải qua quãng thời gian dài đen tối khi thi đấu ở các giải hạng dưới cùng khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Từ năm 2007, họ liên tục rớt hạng và đến năm 2009 thì tạm biệt bóng đá chuyên nghiệp để xuống chơi ở National League - một giải đấu bán chuyên.
Dù vậy, Luton Town vẫn giữ được sức sống mãnh liệt. Sau 5 năm, họ trở lại sân chơi chuyên nghiệp khi giành vé thăng hạng lên Giải hạng 3 (League 2) vào năm 2014.
Bốn năm sau, họ được lên chơi ở Giải hạng 2 (League One) và cũng chỉ mất một mùa giải để có vé lên dự EFL Championship vào năm 2019. Và giờ đây, Luton Town đã có mặt ở Premier League.
Rob Edwards, HLV trưởng của Luton Town, chia sẻ: "Premier League sẽ là thử thách lớn nhất với CLB. Các CĐV Luton Town đã trải qua những thời điểm đen tối. Thật tuyệt vời khi cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở Premier League và mang đến cho các CĐV những nụ cười".
Trong số 24 đội tham dự EFL Championship mùa rồi, giá trị đội hình của Luton Town chỉ đứng thứ 18 trên 24 đội. Cụ thể, tổng giá trị cầu thủ của họ theo Transfermarkt chỉ có 35,85 triệu euro.
Con số này thấp hơn so với một số đội về đích ở nửa cuối bảng xếp hạng như Norwich City (104,6 triệu euro), Stoke City (52,25 triệu euro), Queens Park Rangers (51,6 triệu euro),...
Việc lên hạng giúp Luton Town nhận được hơn 195 triệu euro từ nhiều nguồn khác nhau trong vòng ba năm tới. Số tiền này có thể giúp đội bóng đầu tư vào việc xây dựng đội hình cũng như hoàn thiện sân vận động mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận