24/01/2018 12:15 GMT+7

Lạ lùng nghề đánh bắt cá mập ở Chile

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Trong số 500 loài cá mập còn tồn tại trên thế giới, biển Chile có tới hơn 50 loài. Bất chấp sự phản đối, ngành săn bắt cá mập lấy vây vẫn không bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này.

Lạ lùng nghề đánh bắt cá mập ở Chile - Ảnh 1.

Biểu tình phản đối đánh bắt cá mập lấy vây ở Hong Kong năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Trải dài trên nhiều vĩ tuyến với đường bờ biển dài hơn 6.400km, Chile là một trong những quốc gia có sản lượng đánh bắt hải sản cao nhất thế giới. Mọi con số đều cho thấy quốc gia này là nhà cung cấp hàng đầu cho các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu.

Nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ số liệu cụ thể nào về số lượng vây cá mập xuất khẩu từ Chile. Đánh bắt và buôn bán vây cá mập như một ngành kinh tế ngầm ở Chile, nơi người ta có thể mua chúng ở ngoài chợ nhưng quy mô và lợi nhuận của ngành công nghiệp này chỉ có trời mới biết.

Mập mờ số liệu

Mọi người đều biết đích đến chủ yếu của vây cá mập trên khắp thế giới là châu Á. Người ta dễ dàng hình dung quy mô của thị trường này, khi hàng chục ngàn vây cá mập bị phát hiện phơi khô công khai trên mái của một tòa nhà ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 2014.

Một báo cáo của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) năm 2015 cho thấy Chile nằm trong top 10 những quốc gia xuất khẩu thịt cá mập hàng đầu thế giới. Nhưng số liệu này cũng không đại diện cho năm ra báo cáo, mà được lấy từ... bốn năm trước đó, tức năm 2011.

Việc Chile không cung cấp số liệu cho FAO kể từ năm 2011 không quan trọng bằng câu hỏi những sản phẩm từ cá mập khác như vây đã đi đâu? Người ta chắc chắn không giết cá mập chỉ để lấy thịt, bởi ai cũng biết vây cá mập là "vàng từ biển".

Trong khi Chile xuất khẩu hơn 1.700 tấn thịt cá mập, đạt giá trị hơn 6,3 triệu USD năm 2011, theo báo cáo của FAO, không có bằng chứng nào cho thấy Chile là một trong những quốc gia xuất khẩu vây cá mập, ngoại trừ một báo cáo từ... năm 1999 của FAO khẳng định điều đó.

Không cam chịu sự mập mờ, năm 2011, Tổ chức Bảo vệ đại dương Oceana đã yêu cầu Cục Hải quan Chile công khai số liệu dựa trên đạo luật tự do thông tin. Kết quả cho thấy trong giai đoạn 2006-2009, Chile đã xuất khẩu tổng cộng 71 tấn vây khô của tám loài cá mập khác nhau.

Thực tế nếu suy luận từ số lượng thịt cá mập xuất khẩu, số lượng vây còn lớn hơn nhiều. Con số được Hải quan Chile công bố, tất nhiên, không bao gồm số vây bị tàu Chile cắt ngay trên biển rồi bán cho tàu nước ngoài.

Lạ lùng nghề đánh bắt cá mập ở Chile - Ảnh 2.

Tàu Trung Quốc đánh bắt cá mập trái phép bị Ecuador bắt tháng 8-2017 - Ảnh do Chính phủ Ecuador cung cấp

Xoa dịu

Sự mập mờ của ngành công nghiệp đánh bắt vây cá mập Chile khiến các tổ chức bảo vệ động vật và môi trường tức giận. Họ đòi hỏi quốc gia này phải cấm tuyệt đối các hành động dã man trên, nhấn mạnh tầm quan trọng của cá mập trong hệ sinh thái biển.

Một dự luật do Oceana thúc đẩy năm 2011 đã nhận được sự nhượng bộ của các nhà lập pháp Chile. Đồng ý với việc bảo tồn đa dạng sinh học, Quốc hội Chile ra luật cấm cắt vây cá mập tươi ngay trên biển.

Theo đó, việc đánh bắt cá mập vẫn không bị cấm ở Chile. Tuy nhiên, cá sau khi đánh bắt phải được đem vào bờ trong tình trạng còn nguyên vẹn trước khi đưa tới chợ tiêu thụ. Mọi hành vi cắt vây cá trên biển hay bán từ tàu này sang tàu khác đều bị cấm.

Điều này cho phép các cơ quan chức năng Chile xác định được chủng loại và số lượng cá mập bị đánh bắt qua từng năm, từ đó có biện pháp kiểm soát nếu việc đánh bắt trở nên quá mức.

Nhưng lưới rộng ắt có kẽ hở. Chile không đủ lực lượng để kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 3,6 triệu km2. Điều đó đồng nghĩa dù có các hoạt động đánh bắt cá mập cắt vây lén lút trên biển, họ vẫn không thể kịp thời ngăn chặn.

Việc truy xuất nguồn gốc cá mập, bao gồm cả thịt và vây, bán ngoài chợ cũng không phải là bài toán dễ giải ở Chile. Người mua có thể trả lời số vây cá mập có được mua từ chợ nào, nhưng để biết nó thuộc con cá nào, do tàu nào đánh bắt, thậm chí có phải vây bị cắt lén trên biển hay không thì vô phương.

Theo quy định của Chile, công dân Chile sở hữu vây cá mập, trong trường hợp được yêu cầu, phải xuất trình hóa đơn và giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm (bao gồm chủng loài cá mập, ngày đánh bắt, nơi đánh bắt...). Trường hợp là vây cá mập nhập khẩu phải xuất trình giấy phép của hải quan.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi trưa 23-1 cho biết số vây cá mập phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Chile là của thân nhân một cán bộ thuộc văn phòng này. Người này khai nhận đã mua số vây cá trên tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình.

Ngày 22-1, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Chile để phối hợp xác minh, làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm. (Q.TR.)

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên