Theo lời kể của luật sư Dương Ánh Nga, bé gái sinh ra trong bối cảnh mẹ đã có chồng hợp pháp, còn cha của bé là một người đàn ông khác chưa đăng ký kết hôn. Khi ra phường làm giấy khai sinh cho bé, chính quyền yêu cầu phải ghi tên chồng hợp pháp của người mẹ nhưng bà và cha ruột cháu bé không đồng ý.
Bất chấp để có giấy khai sinh?!
Chính vì phát sinh mâu thuẫn trong quá trình nhận cha mẹ con nên chính quyền từ chối làm thủ tục khai sinh cho bé. Sự việc cứ thế trôi qua, và cháu bé đến tận 12 tuổi nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh và không thể đến trường.
Đến khi luật sư Dương Ánh Nga nhận được vụ việc, cô lập tức khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền và tiến hành xác minh, yêu cầu xét nghiệm ADN. Cuối cùng, tòa tuyên bố cha ruột của cháu bé. Với bản án này, người cha có thể đến UBND để làm giấy khai sinh cho con.
Tuy nhiên bé gái 12 tuổi ấy vẫn trễ năm năm so với bạn bè cùng trang lứa. Như vậy đến năm 12 tuổi, cháu bé ấy mới được bước vào lớp 1.
Nữ luật sư chia sẻ: “Hoàn cảnh của gia đình của bé cũng không phải khá giả và tội nhất là đứa bé. Giá như người mẹ nghĩ cho con mình thì từ 12 năm trước bất chấp mọi thứ làm khai sinh để bé được đi học rồi về sau cải chính tên cha ruột cũng được”.
Ly hôn, không phải lúc nào cũng nên ra tòa
Luật sư Dương Ánh Nga cùng với cộng sự Công ty Luật Best Trust đã giúp đỡ, gỡ rối nhiều trường hợp “hóc búa” nhằm bảo vệ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, nữ luật sư từng giúp một thân chủ giành quyền nuôi cả 4 người con.
Đây là một trường hợp rất hiếm vì nếu gia đình đông con thì tòa buộc phải chia con cho cả ba và mẹ. Nhưng nhờ lập luận của luật sư Dương Ánh Nga và những chứng cứ xác đáng, cuối cùng cô đã giúp thân chủ của mình giành quyền nuôi con trọn vẹn.
Luật sư Dương Ánh Nga cho biết: “Mọi người cứ nghĩ ly hôn đơn giản nhưng thật sự không hề đơn giản. Nó có rất nhiều vấn đề cần bóc tách trong một vụ ly hôn như con cái, tài sản,… Do đó có những vụ ly hôn kéo dài đến 5 - 7 năm, thậm chí là hơn cả 10 năm. Chưa kể đến đoạn thi hành án nhưng đối phương không giao con thì lại phát sinh thêm tình huống mới”.
Vì vậy, không phải lúc nào luật sư Dương Ánh Nga cũng khuyên thân chủ ra tòa hay phức tạp hóa các tranh chấp. Thay vào đó, cô luôn khuyên thân chủ nên thỏa thuận để tiết kiệm chi phí tố tụng và thời gian cho các bên. Khi nào tranh chấp đến mức không thể thỏa thuận hay thương lượng đàm phán thì mới kiện ra tòa.
Nữ luật sư sẵn sàng không lấy thù lao
Ngoài án dân sự, luật sư Dương Ánh Nga cũng bào chữa thành công cho nhiều vụ án hình sự khác. Trong suốt quá trình bảo vệ lẽ phải ấy, nữ luật sư không ít lần sẵn sàng tham gia trợ giúp, bào chữa miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Một trong những vụ án ấn tượng nhất mà luật sư Dương Ánh Nga từng theo đuổi nhưng không nhận thù lao, kể cả chi phí đi lại là vụ bào chữa cho một thanh niên vận chuyển trái phép 15kg chất cấm qua biên giới. Đây là vụ án đầu tiên mà cô thực hiện sau khi có thẻ luật sư.
Luật sư Dương Ánh Nga kể trong phiên xét xử sơ thẩm, tòa tuyên án tử hình. Chỉ vì thù lao vận chuyển 50 triệu cho 15kg ma túy mà thanh niên ấy đánh đổi bằng cả sinh mạng, trong khi tuổi đời còn quá trẻ và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến cả luật sư Dương Ánh Nga cũng không khỏi xót xa.
Trong vòng 15 ngày kháng cáo sau phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo dường như buông xuôi, không muốn kháng cáo. Cũng trong thời gian đó, luật sư Dương Ánh Nga được vào trại giam hai lần để động viên thân chủ kháng cáo.
Đến ngày cuối cùng, thân chủ của luật sư Dương Ánh Nga mới quyết định gọi quản giáo để viết kháng cáo. Điều này càng tiếp thêm niềm tin cho nữ luật sư theo đuổi vụ việc. Luật sư Dương Ánh Nga chia sẻ: “Thân chủ đặt niềm tin cho tôi thì tôi cũng đặt niềm tin cho mình”.
Bằng nghiệp vụ chuyên môn, luật sư Dương Ánh Nga tìm ra được một tình tiết mới trong phiên tòa phúc thẩm nên được hội đồng phúc thẩm xem xét và cân nhắc. Sau 48 giờ nghị án, tòa quyết định giảm án từ tử hình về chung thân cho thân chủ của luật sư Dương Ánh Nga.
Có thể thấy vụ án này không chỉ thử thách luật sư Dương Ánh Nga về mặt chuyên môn, mà còn thử thách tinh thần thép của nữ luật sư khi phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình làm việc cũng như phải di chuyển xa xôi. Đáp lại những nỗ lực của luật sư Dương Ánh Nga, cuối cùng, cô cũng bào chữa giảm nhẹ tội thành công cho thân chủ của mình.
Luật sư Dương Ánh Nga kể lại: “Đây là vụ đầu tiên khi tôi có thẻ luật sư mà hồ sơ và tâm lý quá nặng nề. Vì bị cáo trong đường dây không phải là chủ mưu nhưng lại là “mắt xích” quan trọng để tìm được những người liên quan trong đường dây vận chuyển.
Tôi băng rừng lội suối đi lại rất cực vì từ chỗ sân bay phải đi xe khoảng 100km để vào trại và đi thêm 2km mới đến buồng giam của thân chủ. Lúc xét xử, bị cáo còn rất trẻ, người nhỏ gầy, không ai nghĩ sẽ liên quan đến một đường dây ma túy mà trông như một sinh viên hay thanh niên bình thường”.
Theo đuổi một vụ án không bao giờ là điều dễ dàng và việc nản. Luật sư Dương Ánh Nga tâm sự: “Những lúc chán nản thì tôi lại nghĩ tại sao lại chọn mảng hình sự này. Khi nhận vụ án tôi có thể từ chối, nhưng có những hoàn cảnh rất khó khăn.
Đa số những người phạm tội mà tôi làm có hoàn cảnh gia đình rất nghèo nên mới dẫn đến hành vi phạm tội. Tôi nghĩ dù họ không có tiền, không có vị trí xã hội thì cũng nên được bào chữa theo đúng quy định của pháp luật và tôi cũng phải làm hết sức của mình”.
Có thể thấy động lực lớn nhất trong nghề của luật sư Dương Ánh Nga đến từ sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn của các bị can, bị cáo. Do đó, có những vụ án hình sự mà luật sư Dương Ánh Nga sẵn sàng không lấy thù lao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận