Ngư tinh ở vùng biển Quảng Ninh trong truyền thuyết về Lạc Long Quân do họa sĩ Thành Phong vẽ
Tính đến ngày 13-11, sau 10 ngày đăng tải thì bộ tranh này đã có gần 10.000 lượt yêu thích và 14.000 lượt chia sẻ. Hàng nghìn bình luận đều dành lời ngợi khen cho bộ tranh đẹp, nhiều bình luận bày tỏ mong muốn bộ tranh được xuất bản thành sách.
Các bình luận cho thấy công chúng thích bộ tranh vì chúng được vẽ rất đẹp chứ không khiến ghê sợ, rùng rợn như cái tên gọi của bộ tranh.
Sấu Năm Chèo là loài quái cá sấu năm chân (chèo) mũi đỏ khổng lồ ở An Giang. Công trình Hồ cá sấu Năm Chèo đã được khởi công xây dựng để ghi nhớ về loài quái này
9X và bộ tranh yêu, ma, quỷ, quái công phu đầu tiên
Đó là bộ tranh tái hiện hơn 50 loài yêu, ma, quỷ, quái được rút ra từ văn học, truyền thuyết dân gian hoặc các con vật được khắc ở đình, chùa của hơn 50 tỉnh thành trên cả nước, có tên Yêu ma quỷ quái, do họa sĩ đồ họa 9X Vương Quang Vinh khởi xướng và tập hợp hơn 50 họa sĩ trong cả nước cùng thực hiện.
Trong đó có những họa sĩ nổi tiếng của giới đồ họa Việt như Tạ Huy Long, Thành Phong, Kim Duẩn, Phan Vũ Linh, Can Tiểu Hy…
Đây là lẽ là bộ tranh đầu tiên công phu vẽ yêu, ma, quỷ, quái ở khắp 63 tỉnh, thành từ những tìm hiểu, nghiên cứu có hệ thống.
Những yêu, ma, quỷ, quái này được các họa sĩ đồ họa vẽ trên máy tính, mỗi họa sĩ vẽ một loài ở một tỉnh thành, chỉ riêng họa sĩ Tạ Huy Long vẽ rùa hồ Gươm với 3 phiên bản, và được gọi là thần thú, thay vì gọi là yêu, ma, quỷ, quái như các tranh khác.
Mỗi nhân vật là một câu chuyện về văn hóa, lịch sử của từng tỉnh, thành trên cả nước.
Cá Bông là cặp cá được tin là cá thần sống ở khu vực quanh miếu Phù Châu hay còn gọi là miếu Nổi ở Sài Gòn
Chủ nhân của dự án này - Vương Quang Vinh - sinh năm 1991, hiện là giám đốc sáng tạo một công ty quà lưu niệm, nhưng công việc chính của anh lại là lên ý tưởng các dự án để khuấy động cộng đồng đồ họa liên tục.
Là nghệ sĩ yêu thích khai thác văn hóa dân gian trong sáng tạo, nên 2 năm trước, trong khi đi thực hiện dự án Miền Trung (mỗi tỉnh vẽ 1-2 biển hiệu món ăn nổi tiếng của các tỉnh miền Trung), Vinh bắt đầu hành trình đi tới tỉnh nào là tìm hiểu các truyền thuyết dân gian hay văn chương về loài yêu, ma, quỷ, quái của tỉnh đó.
Vậy là, tất cả các giờ nghỉ trưa trong hành trình đi qua các tỉnh miền Trung ấy, Vinh đều vùi đầu trong thư viện các tỉnh, các đền, chùa, miếu để tìm hiểu về loài yêu, ma, quỷ, quái được truyền tụng ở địa phương.
Khi tích lũy được kha khá những câu chuyện về yêu, ma, quỷ, quái trong dân gian, Vinh bắt đầu có ý tưởng vẽ bộ tranh Yêu ma quỷ quái ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tiếp đó là mời 63 họa sĩ đồ họa tham gia dự án, mỗi người vẽ một nhân vật.
Sở dĩ đến nay mới có hơn 50 loài ở hơn 50 tỉnh, thành trong bộ tranh này là bởi đến phút cuối một vài họa sĩ không thể tham gia. Vinh đang mời thêm một số họa sĩ để có thể hoàn thành trọn vẹn bộ tranh ở cả 63 tỉnh, thành trong tháng 12 tới.
Các loài yêu, ma, quỷ, quái được chọn ra từ sách vở, một số tỉnh quá khó tìm thì Vinh dựa vào câu chuyện dân gian truyền khẩu hay tìm trong các chạm khắc trên kiến trúc cổ nhất của tỉnh, thành đó để dựng hình.
Thần thú Rùa Vàng hồ Gươm do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ
Gây cảm hứng từ di sản văn hóa dân gian
Dự án không chỉ được giới trẻ, cộng đồng mạng đón nhận rầm rộ mà còn được các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu rất hoan nghênh.
Xuân Lam - một nghệ sĩ 9X nổi tiếng với các dự án vẽ lại tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, từng được mời tham gia dự án này nhưng bận không thể tham dự - cho biết anh rất ấn tượng với tính chất quy mô của dự án này, đặc biệt là ở việc tập hợp được đội ngũ nghệ sĩ đông đảo trên cả nước.
Họa sĩ trẻ Thành Phong nổi tiếng với nhiều dự án nghệ thuật mà gần đây nhất là cuốn sách tranh Thương nhớ thời bao cấp, cũng tham gia dự án bởi ý tưởng rất hay, khai thác đề tài văn hóa dân gian, có giá trị văn hóa.
Ở dự án này, Thành Phong vẽ Ngư tinh ở vùng biển Quảng Ninh trong truyền thuyết về Lạc Long Quân.
Yêu Hồ Tinh do họa sĩ Can Tiểu Hy vẽ
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho biết trong văn hóa dân gian nước ta có một hệ thống các nhân vật yêu ma nhưng lại ít được nghiên cứu. Trước đây có phó giáo sư Du Chi bước đầu nghiên cứu, nhưng ông mất đã lâu và từ bấy không có người trở lại hướng nghiên cứu này.
Nay một bạn trẻ 9X như Vinh làm dự án công phu này thì nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho là một điều rất đáng khích lệ.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) cũng nhận định dự án "khá thú vị, công phu". Nghệ sĩ này đánh giá cao việc tác giả trẻ có ý thức tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua nhiều nguồn, từ cổ tích, giai thoại đến chuyện truyền miệng...
Tuy đánh giá không cao giá trị thẩm mỹ của bộ tranh "mới dừng ở mức trung bình, phù hợp với đại đa số các bạn trẻ với đời sống mạng nở rộ", nhưng nghệ sĩ Thế Sơn cũng khẳng định "giới trẻ có nhu cầu riêng", dự án này đáp ứng được nhu cầu của họ, và quan trọng là "có ý thức tìm hiểu và gây cảm hứng từ di sản văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống nên rất đáng khích lệ".
Mộc tinh ở Phú Thọ do Kim Duẩn vẽ
Vương Quang Vinh cho biết bộ tranh Yêu ma quỷ quái hiện đang được một số nhà xuất bản liên hệ hợp tác xuất bản sách. Vinh có kế hoạch sẽ tiếp tục với bộ tranh Yêu ma quỷ quái của 54 dân tộc.
Sau bộ tranh này, sắp tới Vinh còn trình làng bộ Trăm năm Dạ cổ nhân kỷ niệm 100 năm bài Dạ cổ hoài lang.
Trước đó, Vinh cũng là người lên ý tưởng và giúp dựng hình cho sinh viên Nguyễn Hoàng Tấn vẽ bộ tranh minh họa dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, được cồng đồng mạng rất yêu thích.
Một số hình ảnh trong bộ tranh Yêu ma quỷ quái:
Long Mã Cao Bằng là một trong ba hình tượng Long Mã Việt Nam
Long Mã thường được khảm sành trên các bình phong xứ Huế
Ngọc Tỳ Bà và Kim Chung là hai nữ yêu bị giam trong lòng đất hai trăm năm ở Hà Nội. Hai nữ yêu vốn là nhạc cụ từ thời vua Lý, bị kẻ gian trộm khỏi hoàng cung đem chôn, bên trên trồng một cây anh đào. Về sau Ngọc Tỳ Bà, Kim Chung được vua Lê Thánh Tông đào lên.
Cáo Núi là loài yêu được nhắc đến trong quá trình khẩn hoang Đà Nẵng của người dân vùng Hòa Khánh. Cáo từ trên núi cao nhìn thấy lưu dân cực nhọc đã cùng bạn mình hóa thành hai cô gái đến giúp con người rồi biến mất từ đấy.
Rùa vàng thần thú do Tạ Huy Long vẽ
Bò Nandi là vật cưỡi của thần Shiva trong văn hóa người Chăm ở Bình Thuận. Bò Nandi là loài được thờ tại tháp Po Sah Inu tỉnh này
Tại Bạc Liêu, Vinh chọn Neak Ananta, loài rồng năm đầu được điêu khắc khá nhiều trong chùa Xiêm Cán
Quái Reahu ở Vĩnh Long
Cọp Bình Thủy là tích về con cọp đưa bà mụ đến hộ sinh cho thai phụ. Đây là mô thức rất phổ biến và có tích trên khắp cả nước, nhưng Vinh chọn tích này, loài này đại diện cho Cần Thơ
Yêu Cá là con gái vua Thủy Tề trong truyền thuyết ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Giao Long có nhiều truyền thuyết ở nước ta, đối với Bắc Kạn, Vinh chọn Giao Long gắn với tích về hồ Ba Bể để đại diện.
Voi Đá là truyền thuyết về đàn voi cưỡi của chư tiên bị hóa đá tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập ngày nay. Voi Đá được Vinh chọn là loài quái của tỉnh Bình Phước
Mẹ ranh càn sát là câu chuyện về ma vú dài của miền Bắc, theo Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án
Quái Vịt là truyền thuyết về loài vịt của trời có công ăn hết tám mặt trời và tám mặt trăng, giúp cho thế gian tránh được họa tự nhiên. Vịt từ đó bị cháy phần mỏ.
Yêu Xương là hài cốt một nữ nhân bị đánh ghen hóa thành, là loài yêu ở tỉnh Bắc Giang, theo Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ
Ma mẹ ma con là truyền thuyết ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Tích này kể về một hồn ma nữ có thai với con người rồi hạ sinh ra con cũng là ma. Cả hai về sau bị một luồng sét đánh đến tan biến
Rắn Hàm Luông là quái rắn khổng lồ ở sông Hàm Luông Bến tre. Loài này từng hiện thân cứu trợ thuyền bè người dân khi gặp nạn. Bến Tre có một ngôi đình cổ có tên Đình Rắn ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận