Hố sụt được phát hiện qua ảnh vệ tinh đã lâu, nhưng lần đầu tiên mới có người đặt chân đến, ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Băng rừng thám hiểm hố sụt chưa có dấu chân người giữa rừng đặc dụng
Lần đầu có dấu chân người dưới hố sụt
Hơn 2 năm trước, nhóm Quảng Trị Discovery (TP Đông Hà) phát hiện hố sụt này qua ảnh vệ tinh. Trên cơ sở đó, từ đề xuất của phóng viên báo Tuổi Trẻ Online, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp với kiểm lâm Hướng Hóa tổ chức chuyến thám hiểm hố sụt này trong hai ngày 29 và 30-6.
Từ điểm cuối cùng ở thôn Trỉa (xã Hướng Sơn), nhóm thám hiểm trải qua 1,5 tiếng đồng hồ đi bộ theo bờ suối để đến điểm cắm trại.
Từ đây, nhóm mất gần 5 tiếng đồng hồ băng dốc giữa rừng để đến hố sụt.
Ông Nguyễn Tân Hiếu - phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa - xác nhận đây là nhóm thám hiểm đầu tiên đặt chân đến hố sụt này. "Trước đó, khu bảo tồn chưa từng biết về sự tồn tại của hố sụt này. Kể cả kiểm lâm, người dân địa phương cũng chưa từng đặt chân đến đây", ông Hiếu cho hay.
Hố sụt nằm ở độ cao gần 800m so với mực nước biển. Đỉnh của hố sụt có hình chữ C, là một vách đá dựng đứng cao hơn 100m. Phía đỉnh của vách nhô ra bên ngoài tạo thành hàm ếch ở bên dưới. Trên vách có nhiều cây xanh nhỏ bám rễ, sinh sống.
Phía đối diện chữ C này là một phần bị đổ sập, dốc đứng. Nhóm thám hiểm men theo phần dốc đứng này để tiến vào lòng hố sụt. Trên đường vào hố sụt, nhóm phát hiện nhiều miệng hang, hố nhưng chưa có thời gian, phương tiện để thám hiểm.
Trong lòng hố sụt có nhiều cây xanh, nhiều cây có chu vi to hơn một người ôm. Các cây này cao vun vút, thẳng đứng. Ngoài ra, trong lòng hố sụt có dấu chân rất mới, rõ ràng của cầy, phân khỉ mặt đỏ, tổ chim.
Đặc biệt, trong lòng hố còn sót lại 5 quả bom MK81 của Mỹ từ thời chiến tranh.
Tiềm năng khai thác du lịch mạo hiểm
Tham gia đoàn thám hiểm, tiến sĩ Lê Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung - cho hay khu vực quanh hố sụt có độ đa dạng sinh học rất cao, chứa nhiều giá trị chưa phát hiện. Tiến sĩ Tuấn Anh đề nghị thời gian tới tập trung điều tra, khảo sát để ghi nhận loài mới, nâng cao giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn.
Chị Hoàng Thị Lan Phương - du khách đến từ Vũng Tàu - tham gia cùng đoàn thám hiểm cho biết chuyến đi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
"Tôi rất vui khi có mặt trong đoàn khám phá ra hố sụt ở giữa thiên nhiên núi rừng Quảng Trị. Tôi sẽ truyền tải cho mọi người hãy về Quảng Trị với khung cảnh rất đẹp, rất hùng vĩ, tuyệt vời", chị Phương cho hay.
Hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đang trình đề án phát triển du lịch sinh thái trong khu vực này.
Với việc phát hiện hố sụt này, cùng với hệ động thực vật phong phú, nguyên sinh, nhiều sông suối, hang động, vùng đất này có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm, trekking giữa rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận