06/06/2011 03:21 GMT+7

Lá chắn xanh ở Vàm Rầy

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Một tín hiệu vui trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam...

07Of5CJP.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Tấn Phong tại khu vực rừng ngập mặn đã được phục hồi, tái sinh sau ba năm áp dụng mô hình thử nghiệm dựng hàng rào làm từ cây tràm, mành tre giúp ngăn sóng và giữ bùn ở Vàm Rầy - Ảnh: Khổng Loan

Mô hình thí điểm trồng rừng ngập mặn nhằm phục hồi bờ biển bị xói mòn tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) vừa hoàn thành giai đoạn 1. Những kết quả khả quan ban đầu đang tiếp thêm sức cho người dân địa phương tại một trong những huyện nghèo nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng lở đê, xâm nhập mặn - có hi vọng về khả năng thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu - bài toán nan giải cho Việt Nam hiện nay.

Đẩy lùi nước biển

Bà Lâm Thị Nga, 46 tuổi, đã sống ở Vàm Rầy 25 năm. Năm 2006 vỡ đê, nước biển xâm nhập, vườn táo, hồ nuôi cá chẽm, tôm của bà chết cả. Bà kể: “Hồi đó, từ tháng 7 đến tháng 10 nước mặn tràn vào thường xuyên, mỗi tháng hai lần“. Nhưng nay thì trước căn nhà nho nhỏ của bà là một con đê mới chắn nước biển, bên ngoài đê còn có một “lá chắn xanh” đầy sức mạnh bảo vệ con đê: khu vực rừng ngập mặn được trồng mới và tái sinh tự nhiên với phương pháp dùng hàng rào chắn sóng và giữ bùn.

“Từ khi có đê và có rừng ngập mặn ngoài đê, nước không vào đất liền. Có cây con giúp phù sa bám trụ, đất không lở nữa. Tôi đã trồng mía được dù thời tiết không còn điều hòa, mát mẻ như ngày xưa. Năm 2010, tôi cũng bán được khoảng 70 tấn mía trên diện tích 1ha, thu về khoảng 71 triệu đồng - Người phụ nữ có dáng người dong dỏng, làn da đen sạm vì nắng gió mỉm cười chia sẻ - Tôi thấy tốt đó. Rừng giúp trồng cây được vì đê không vỡ”. Thời gian đầu tiên của dự án bắt đầu trồng cây năm 2008, bà thấy “mong manh quá, tưởng trồng không được, làm không xong”. Năm nay, bà đã bắt đầu nuôi ba ao cá có diện tích 5x72m/ao, với nguồn vốn vay bên hội phụ nữ mà không còn sợ sóng biển tràn vào cuốn đi tất cả.

Bà Nga là một trong 14 hộ dân ở ngay bờ biển Tây của Kiên Giang - một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL - đang tham gia mô hình chống xói lở bờ biển bằng phương pháp phục hồi rừng ngập mặn, sử dụng hàng rào chắn sóng và giữ bùn. Đây là một phần trong chương trình dự án có sự hỗ trợ của chính phủ Đức và Úc về kỹ thuật, giúp tìm ra giải pháp cho người dân địa phương thích nghi với biến đổi khí hậu, đang đe dọa cuộc sống của người dân ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với 205km bờ biển, Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực ĐBSCL, và cũng đang đối mặt với những nguy cơ lớn do tình trạng lở đê, dẫn tới xâm nhập mặn. Những con đê cứ được xây lên lại bị sóng lôi ra biển, chi phí xây những con đê ximăng hay bêtông vừa quá đắt với khả năng hiện tại của địa phương, vừa không còn là giải pháp duy nhất được quốc tế khuyến cáo do nghi ngờ tính bền vững và thân thiện với môi trường của nó về lâu dài.

Học từ nông dân

Điều đặc biệt ở mô hình Vàm Rầy chính là tính địa phương của nó. Các giải pháp chống biến đổi khí hậu “nhập khẩu” đều đắt, và có thể không phù hợp với địa hình, địa thế, nền tảng văn hóa đặc trưng của ĐBSCL.

Anh Nguyễn Tấn Phong, cán bộ kỹ thuật của dự án, chịu trách nhiệm triển khai mô hình, cho biết trước đây địa phương đã thử nghiệm nhiều mô hình bảo vệ đê, chống xói lở. “Nhưng chi phí làm đê bằng bêtông có thể lên tới 30 tỉ đồng/km, mà rồi vẫn bị vỡ hằng năm nếu không có rừng bảo vệ - Anh nói - Ba yêu cầu đặt ra cho mô hình mới mà đến nay đều đáp ứng được. Đó là sử dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng kiến thức của địa phương, có thể áp dụng ở địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác, tức chi phí phải rẻ”.

“Tôi vẫn gọi các bác nông dân là các nhà khoa học chân đất, vì họ mới có kiến thức thực tế tốt hơn cả. Các nhà khoa học như chúng tôi chỉ làm động tác hệ thống hóa các kiến thức chuyên môn thực tế của người nông dân”. Nhóm của anh Phong đã làm việc với những người dân địa phương, thấy cây tràm - vốn có rất nhiều ở địa phương với nhiều tác dụng khác nhau về mặt sinh thái học - có thể dùng đóng cọc, gắn kèm với các mành tre và lưới đánh cá giúp giảm sóng, giữ bùn.

Rừng ngập mặn được xem như một nhà máy lọc sinh học, hấp thụ và lưu trữ rất hiệu quả lượng khí cacbon do các hoạt động của con người thải ra, song song với đó lại sinh ra khí oxy giúp bầu không khí trong lành. Hiện khu vực thí nghiệm của dự án ở Vàm Rầy có diện tích 3,36ha, trên chiều dài con đê là 1,5km.

Khả năng chuyển giao

Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các mô hình giúp ứng phó, và chuyện ở Vàm Rầy đang được xem là một cách làm đáng suy nghĩ để nhân rộng.

Tiến sĩ Sharon Brown, thuộc ĐH Queensland (Úc), cố vấn trưởng về kỹ thuật cho mô hình, đã ở Kiên Giang ba năm qua, cho biết bà tin tưởng mô hình ở Vàm Rầy có tính ứng dụng cao. “Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nó sang các khu vực khác ở Việt Nam và các nước thuộc khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia - những nước gặp vấn đề tương tự như ở ĐBSCL. Tất nhiên phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng cho từng vùng” - tiến sĩ Sharon nói.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên