Phóng to |
Tên lửa đánh chặn SM-3 được phóng từ tàu chiến Mỹ - Ảnh: US Navy |
Nga phản ứng ra sao?
Ông Rasmussen tiết lộ tháng trước NATO đã tổ chức cuộc diễn tập đầu tiên của lá chắn tên lửa châu Âu. Một tàu chiến Mỹ, hệ thống rađa và vệ tinh cùng dàn tên lửa đánh chặn của Mỹ và Hà Lan đã cùng thực hiện hàng loạt tình huống giả định chống lại các vụ tấn công tên lửa. “Cuộc thử nghiệm đã thành công” - tổng thư ký NATO khẳng định.
Ngày 10-5, như Reuters cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện thành công vụ bắn thử tên lửa đánh chặn SM-3 tại Haiwaii. Cơ quan Phòng vệ tên lửa của Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu giả định là một tên lửa của đối phương đang bay trên Thái Bình Dương. Tàu chiến Mỹ USS Lake Erie phát hiện và bắn tên lửa SM-3 để tiêu diệt ngay trên không trung. SM-3 là loại tên lửa đánh chặn mà Mỹ trang bị cho lá chắn tên lửa NATO ở châu Âu.
NATO dự kiến chính thức đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa với “năng lực tạm thời” tại hội nghị ở Chicago (Mỹ) ngày 20 và 21-5.
Lá chắn đầu tiên
Tổng thư ký NATO giải thích “năng lực tạm thời” có nghĩa là lá chắn tên lửa NATO hoạt động từ tháng này chỉ có quy mô giới hạn, nhưng đủ sức chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Và như ông nhấn mạnh: “Đây chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, dân số và lực lượng của NATO ở châu Âu”.
Tên lửa SM-3 trên tàu USS Monterrey chỉ có thể chặn được tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phải đến năm 2020, lá chắn NATO mới có thể chặn được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng ông Rasmussen cho biết ngay sau hội nghị NATO ở Chicago, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống này.
Theo tạp chí Wired, lá chắn ban đầu của NATO là tên lửa đánh chặn SM-3 trên tàu chiến Mỹ USS Monterrey đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Hỗ trợ cho nó là hệ thống rađa cảnh báo sớm do 50 lính Mỹ điều khiển, được đặt tại căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Kurecik ở thành phố Malatay, cách thủ đô Ankara khoảng 643km về phía đông nam. Còn trung tâm điều khiển lá chắn tên lửa được đặt ở Bộ chỉ huy không quân liên minh Ramstein tại Đức, theo quyết định của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tháng 2-2012.
Theo ông Rasmussen, Mỹ đã triển khai vệ tinh, thiết bị cảm biến, tàu chiến mang tên lửa đánh chặn tại châu Âu. Trong thời gian tới hải quân Mỹ sẽ điều thêm nhiều tàu chiến như USS Monterrey đến Địa Trung Hải.
Tạp chí Wired cho biết Romania trước đó đã đồng ý để Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 trên đất liền từ năm 2015. Các bộ phận khác của lá chắn tên lửa NATO sẽ được xây dựng ở Bồ Đào Nha, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha. Theo trang Security & Defence Agenda, Bộ Quốc phòng Đức đã thông báo sẽ tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Đức vào lá chắn tên lửa NATO. Tương tự, Hà Lan cho biết đã có kế hoạch nâng cấp bốn tàu khu trục phòng không với hệ thống rađa phòng thủ tên lửa. Pháp sẽ phát triển hệ thống rađa cảnh báo tên lửa từ xa.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh cả Mỹ và châu Âu cùng đóng góp để xây dựng lá chắn tên lửa châu Âu. Báo The Hindu đưa tin NATO đã mời Ấn Độ làm đối tác tham gia lá chắn tên lửa và phía New Delhi đang xem xét khả năng này.
Chờ phản ứng từ Nga
Đến nay, Nga vẫn chưa có phản ứng về bài xã luận của ông Rasmussen. Tạp chí Wired bình luận thông điệp của tổng thư ký NATO là: “Lá chắn tên lửa châu Âu là một thực tế không thể đảo ngược và các đối thủ sẽ phải thích nghi với nó”. Thế nhưng trước đó, theo RIA Novosti, hôm 11-5 Ngoại trưởng Nga Anatoly Serdyukov đã cảnh báo Matxcơva “sẵn sàng hủy diệt lá chắn tên lửa châu Âu” nếu cảm thấy bị đe dọa.
Ông Serdyukov cho biết tên lửa Iskander đủ sức tiêu diệt các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ và châu Âu. Nga đã triển khai tên lửa Iskander ở vùng Kaliningrad cạnh Ba Lan. Trang Missilethreat.com dẫn lời cố vấn an ninh Nga Vladimir Kosin khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu không nhằm ngăn chặn tên lửa Iran như các quan chức Mỹ và NATO nhiều lần nhấn mạnh. “Nếu muốn chặn mối đe dọa Iran, Mỹ cần dựng lá chắn tên lửa ở vịnh Ba Tư” - ông Kosin cho biết.
Báo Kommersant cho rằng vấn đề là hãy chờ xem Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có phản ứng như thế nào. Trước đó, ông Putin đã nhiều lần bày tỏ lo ngại lá chắn tên lửa NATO sẽ đe dọa sức mạnh tên lửa hạt nhân của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Alexander Golz cho rằng thực tế hệ thống của NATO sẽ chẳng có tác dụng gì nếu như có ngày Matxcơva tấn công Tây Âu. Lá chắn tên lửa châu Âu giỏi lắm chỉ chặn được vài tên lửa Nga, trong khi Matxcơva có hơn 1.500 đầu đạn hạt nhân có thể lắp vào tên lửa. Do đó, theo ông Golz, xung đột giữa Nga và NATO sẽ chỉ diễn ra trên bàn đàm phán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận