18/03/2016 08:02 GMT+7

Lá chắn của cựu tổng thống Brazil

THU ANH
THU ANH

TT - Đang bị điều tra tham nhũng và nguy cơ bị bắt, cựu tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã có lối thoát an toàn sau khi được bổ nhiệm làm chánh văn phòng nội các. Người dân đã xuống đường thể hiện sự giận dữ.

Ông Lula da Silva - Ảnh: Reuters
Ông Lula da Silva - Ảnh: Reuters

“Brazil đang được vận hành như một trò cười

Josias de Souza (nhà bình luận chính trị)

Theo New York Times, cựu tổng thống Silva đang đứng trước nguy cơ trở thành nhân vật cỡ bự nhất bị bắt giữ trong cuộc điều tra tham nhũng Petrobras. Tuy nhiên, một nước cờ táo bạo đã cứu ông. Đương kim Tổng thống Dilma Rousseff đã bổ nhiệm ông làm chánh văn phòng nội các.

Điều đó đồng nghĩa với việc ông được hưởng quyền miễn trừ và được bảo vệ về mặt pháp lý.

Quyền miễn trừ

Các công tố viên đang tìm cách bắt ông Silva dựa trên quan hệ của ông với các tập đoàn xây dựng được cho là đã trúng thầu nhờ biết lại quả. Thế nhưng theo luật của Brazil, các thành viên nội các nằm trong số khoảng 700 quan chức cấp cao được hưởng quyền miễn trừ và chỉ có thể bị xét xử bởi Tòa án tối cao liên bang - tòa cấp cao nhất ở Brazil.

Nghiễm nhiên điều này ngăn việc những nhân vật này phải xộ khám, bởi các phiên xử tại Tòa án tối cao có thể kéo dài hàng năm trời.

Thế nhưng giới quan sát cũng nhận định rằng với việc ông Silva được bổ nhiệm làm chánh văn phòng, Chính phủ Brazil bước từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.

Bà Rousseff dù vậy cố giải thích cho quyết định táo bạo của mình: “Trong chính phủ của tôi, ông Silva sẽ có những quyền lực cần thiết để giúp chúng tôi, giúp Brazil. Nếu việc ông Silva gia nhập nội các làm củng cố chính phủ và có những người không muốn chính phủ vững mạnh thì tôi phải làm sao?”.

Bất chấp việc ông Silva đối diện với nhiều cuộc điều tra tham nhũng, ngay cả những người chỉ trích ông cũng phải công nhận ông là bậc thầy của việc thương lượng chính trị, ít ra là khi so sánh với bà Rousseff.

Ông Silva làm tổng thống Brazil từ năm 2003 đến 2010, sau đó đối mặt với cuộc điều tra về việc giàu lên nhanh chóng sau khi rời ghế.

Theo New York Times, ông Silva đã khẳng định sự trong sạch của mình trước các cáo buộc tham nhũng và chỉ trích các cuộc điều tra là âm mưu làm suy yếu chính phủ của bà Rousseff cũng như ngăn chặn ông quay lại ghế tổng thống.

Gần đây, ông tỏ ý sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2018. Theo Reuters, ông Silva trong thời gian tại vị đã giúp khoảng 40 triệu người Brazil thoát nghèo và hiện ông vẫn là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất nước này.

Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Brasilia, sau khi ông Silva được bổ nhiệm vào nội các - Ảnh: Reuters
Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Brasilia, sau khi ông Silva được bổ nhiệm vào nội các - Ảnh: Reuters

 

Chìm trong khủng hoảng

Cựu tổng thống Silva là người sáng lập và là bộ mặt của Đảng Công nhân cầm quyền (PT). Việc ông được bổ nhiệm làm thành viên nội các lập tức khiến bầu không khí chính trị vốn căng thẳng càng thêm nóng bỏng.

Brazil đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Vụ án tham nhũng lớn đang bủa vây Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Dịch Zika đang hoành hành tại đây, ngay trước thềm Thế vận hội mùa hè tại Brazil được kỳ vọng tạo cú hích kinh tế từ du lịch và thể thao.

Bà Rousseff đang chật vật để tại vị trong bối cảnh các nghị sĩ đang thúc đẩy việc luận tội bà. Các cuộc biểu tình kêu gọi bà từ chức đã nổ ra trong đêm 16-3 (giờ địa phương) ở nhiều thành phố, trong đó có cả thủ đô Brasilia và Sao Paulo.

Theo Reuters, cảnh sát chống bạo động ở Brasilia đã xịt hơi cay vào hơn 5.000 người biểu tình đổ tràn xuống phố bên ngoài dinh tổng thống và trụ sở Quốc hội. Họ vẫy những băngrôn kêu gọi bà Rousseff từ chức và bắt giữ ông Silva.

Còn tại Sao Paulo, thủ phủ tài chính của Brazil, hàng ngàn người biểu tình đứng chật kín đại lộ Paulista. Tại đại lộ này, hơn 1 triệu người đã tụ tập hồi cuối tuần qua cũng kêu gọi bà Rousseff từ chức.

Thế nhưng những người đang mong mỏi thay thế bà Rousseff cũng đang đứng trước các mối đe dọa. Lãnh đạo lưỡng viện đang bị điều tra về vai trò của họ trong vụ bê bối tham nhũng Petrobras.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội đối lập cũng đang bị chỉ trích sau khi bị lộ thông tin gia đình ông có các tài khoản ngân hàng bí mật ở Liechtenstein. Ngay cả phó tổng thống tính chuyện thay thế bà Rousseff trong trường hợp bà bị luận tội cũng bị dính cáo buộc tham nhũng trong một vụ khác.

Giới điều tra trả đũa

Nhằm đáp trả quyết định của tổng thống, hôm 16-3 (giờ địa phương) thẩm phán liên bang phụ trách vụ điều tra tham nhũng là ông Sergio Moro đã công bố băng ghi âm một cuộc điện thoại, trong đó cho thấy ông Silva và bà Rousseff được cho là tìm cách tác động đến các công tố viên và tòa án nhằm đem lại lợi thế cho ông Silva.

Tuy nhiên, thẩm phán này cũng thừa nhận không có bằng chứng cho thấy họ thật sự làm việc này.

Trong một đoạn băng khác được tòa công bố, bà Rousseff đề nghị gửi ông Silva bản sao việc bổ nhiệm ông để dùng “trong trường hợp cần thiết” - ý nói đến việc ông được hưởng quyền miễn trừ. Chính phủ Brazil chỉ trích việc tung ra băng ghi âm là động thái làm leo thang biểu tình.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên