Nhà văn Trang Thế Hy (phải) ký kết tác quyền với ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - Ảnh: L.Điền |
Lễ ký kết diễn ra tại nhà của ông Trang Thế Hy ở BếnTre vào sáng 20-7-2014.
Danh mục tác phẩm do nhà văn Trang Thế Hy trao quyền xuất bản, phát hành cho NXb Trẻ gồm 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết, chủ yếu được sáng tác từ trước năm 1975 đến năm 1983.
Nxb Trẻ trong năm 2011 đã in tập truyện Vết thương thứ 13 của Trang Thế Hy, dự kiến vào tháng 10 năm nay, nhân kỷ niệm nhà văn 90 tuổi, nxb Trẻ sẽ cho ra mắt loạt danh tác của ông.
Nhân dịp ký kết này, Công ty Ybook của nxb Trẻ cũng thực hiện và phát hành sáu tác phẩm của Trang Thế Hy (từng in tại các nxb khác) dưới hình thức eBook gồm: Mưa ấm, Người yêu mùa thu, Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác, Tiếng khóc và tiếng hát, Truyện ngắn Trang Thế Hy, Ðắng và ngọt (thơ song ngữ Anh - Việt).
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, quê quán ở Hữu Ðịnh, huyện Châu Thành (nay là TP Bến Tre). Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm cán bộ văn hóa thông tin, cán bộ văn nghệ, từng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam năm 1962. Sau ngày đất nước thống nhất , ông sống và làm việc tại TP.HCM hơn 15 năm. Ông về hưu năm 1992 và ẩn cư tại quê nhà Bến Tre.
Ở tuổi 90, nhà văn Trang Thế Hy vẫn theo dõi tình hình văn học nước nhà. Khi được hỏi có suy nghĩ về những cách thức làm phát lộ văn tài trong những thời kỳ của đất nước, ông bảo từ xưa đến nay chưa ai dám định nghĩa tài năng là gì.
Nhưng rồi ông nhớ ra: "Gần đây tôi có thấy nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gọi sợi tóc người ta là "những sợi máu khô". Tôi sống từng này tuổi nhưng chưa bao giờ gọi được như vậy. Cái gì làm cho Nguyễn Ngọc Tư gọi được như vậy? Tôi cho đó là biểu hiện của tài năng".
Khi ký hợp đồng giao quyền sử dụng tác phẩm cho NXB Trẻ, nhà văn Trang Thế Hy cho rằng đây là một sự kiện quan trọng đối với ông: "Một người viết văn mà có người đọc, mến mộ tác phẩm của mình thì hạnh phúc lắm".
Ðến nay, ông vẫn minh mẫn nhớ thời chiến tranh ông từng sử dụng sáu bút danh, có những bút danh chỉ dùng một lần để ký dưới một tác phẩm thơ, như Minh Phẩm (bài Ðắng và ngọt), Song Diệp (bài Thanh gươm tháng tám). Tần ngần khi trao gửi những đứa con tinh thần của mình cho nxb Trẻ, ông bảo mình ấn tượng nhất là truyện ngắn Thèm thơ, rồi đọc lại câu cuối truyện này như một tuyên ngôn sáng tác chia sẻ với thế hệ sau: "Loan ơi, chết đem theo sự thèm nghe thơ và sống mà thèm làm thơ chưa biết ai khổ hơn ai.
Bài thơ mà em thèm nghe và anh thèm làm cũng không đẹp gì cho lắm. Ðể thèm nó có thể ít buồn hơn là thưởng thức nó với sự đau xót trong lòng. Sẽ có một ngày kia, khi một cô gái ôm một chàng trai trong giấc ngủ yên lành, thì hơi ấm cô ta tạo ra không gợi đến một tứ thơ cay đắng như em nghĩ. Bài thơ về hơi ấm đó sẽ có người làm và làm hay hơn bây giờ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận