Kỹ xảo trong các cảnh chiến đấu trên đoàn tàu trong phim Hai Phượng do Bad Clay Studio thực hiện - Video: STUDIO68
Tại bàn tròn "Tiềm năng ngành kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình giai đoạn 2020-2025", được Học viện Kỹ xảo điện ảnh & hoạt hình MAAC và Bad Clay Studio tổ chức ngày 3-10, nhiều ý kiến cho rằng nhờ tiến bộ công nghệ, ngành hoạt hình và kỹ xảo đang trở thành một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường truyền thông và giải trí trên thế giới và tại Việt Nam.
Hollywood quan tâm đến nhân lực Việt Nam
Mới đây, clip first-look của phim dã sử Quỳnh hoa nhất dạ gây chú ý khi với concept, VFX loang màu và cảnh khu vườn hoa quỳnh nở rộ trong đêm trăng tròn.
Năm 2018, phim hành động Hai Phượng của Ngô Thanh Vân gây ấn tượng với cảnh chiến đấu trên đoàn tàu hỏa đang chạy. Diễn viên thực hiện cảnh đánh đấm trên một toa xe thật trước phông xanh, sau đó được ghép hình ảnh tàu thật vào.
Cảnh cháy nổ trong Chị chị em em, cảnh võ thuật trong 798 Mười, nhiều cảnh trong Mắt biếc, Hồn papa da con gái, Siêu nhân X, Người bất tử, Vợ ba, Cô gái đến từ hôm qua... đều ứng dụng công nghệ để trở nên mãn nhãn hơn.
Cảnh đánh nhau trên nóc tàu hỏa trong Hai Phượng được thực hiện bằng kỹ xảo - Ảnh: CẮT TỪ VIDEO
Cảnh cháy nổ trong phim Chị chị em em của đạo diễn Kathy Uyên - Ảnh: CGV
Theo nghiên cứu của trang Research and Markets, 90% phim hoạt hình, chương trình truyền hình của Mỹ được sản xuất tại châu Á. Còn theo ông Thierry Nguyen - đồng sáng lập Bad Clay - hiện Ấn Độ và Trung Quốc có lợi thế lớn nhất ở châu Á.
Tiếp theo mới đến Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam...
Hiện nay, các công ty, nghệ sĩ tại Việt Nam có thể kết nối và hợp tác với nhà sản xuất từ Hollywood hoàn toàn qua mạng Internet.
Tại Việt Nam, "những năm gần đây, nhu cầu sản xuất nội dung giải trí tại Việt Nam đang trở nên bức bối hơn bao giờ hết", ông Đinh Trí Dũng - giám đốc MAAC - nhận định.
Phim Man of Steel (năm 2013) được cho là có đến 1.000 nghệ sĩ làm kỹ xảo - Ảnh: WARNER BROS.
Ông Thierry Nguyen cho biết khi tham gia làm kỹ xảo phim siêu nhân Man of Steel (năm 2013), có 1.000 nghệ sĩ kỹ xảo cùng thực hiện các công đoạn. Ở Việt Nam, nhu cầu nhân sự của ngành đang tăng cao.
"Hiện tại Việt Nam chưa nổi tiếng trong ngành hoạt hình và kỹ xảo quốc tế, nhưng tôi mong trong tương lai chúng ta sẽ nhận được nhiều dự án hơn" - ông Thierry Nguyen nói.
Khán giả ngày càng thích xem kỹ xảo hoành tráng
Kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng của thế giới, sẽ phát triển nhờ hai xu hướng nổi bật.
Một là, các hãng phim ngày càng đủ trình độ đáp ứng được những kịch bản tưởng chừng khó nhất. Biên kịch và đạo diễn được đưa thêm nhiều ý tưởng độc đáo vào phim ảnh.
Người bất tử của Victor Vũ, một phim có ý tưởng độc đáo và hình ảnh hoành tráng - Ảnh: CJ
Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển khi doanh thu năm 2019 tăng 24% so với năm 2018: đạt 4.148 tỉ đồng so với 2.253 tỉ đồng. Năm 2020, con số bị dự báo giảm khoảng một nửa so với năm 2019 do dịch COVID-19.
Nhưng trong điều kiện bình thường, khán giả sẽ ngày càng đi xem phim nhiều hơn. Dựa trên các dòng phim doanh thu cao những năm qua, có thể thấy khán giả có nhu cầu lớn thiên về phim có hình ảnh mãn nhãn, kỹ xảo hoành tráng.
Khán giả điện ảnh ngày nay có nhu cầu lớn về kỹ xảo và hình ảnh, thể hiện qua các phim ăn khách - Ảnh: GALAXY
Xu hướng thứ hai là sự tăng trưởng trong việc thuê nhân công về kỹ xảo và hoạt hình tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế của các nước.
Tại Việt Nam, có hơn 10 studio nổi bật trong ngành, bao gồm: Sparx* - A Virtuos Studio, BlueR Studio, Colory Animation, CYCLO, HETA, LuciDigital, Planion Animation, Rainstorm Film, SPARTA Visual Ef ects Studio, VEGA Animation Studio, Vinamation...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận