Sơn Đoòng - cảnh đẹp gây sửng sốt khán giả khi Đài truyền hình ABC phát trực tiếp giới thiệu di sản này với nước Mỹ mới đây - Ảnh: Thuận Thắng |
Năm 2035, ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển tột bậc. Trong con mắt của du khách nước ngoài, Việt Nam không còn là đất nước của chiến tranh, của mất mát, đau thương mà thay vào đó là hình ảnh một đất nước phát triển, con người thân thiện và là nơi cung cấp cho họ những dịch vụ giải trí hàng đầu châu Á và thế giới.
40 - 50 triệu lượt khách quốc tế
Việt Nam rồi đây khi nhắc đến tên, du khách sẽ nhớ ngay đến cung cách phục vụ chuyên nghiệp, một quốc gia với hình ảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ và là nơi có môi trường trong lành, tươi mát đi đôi với cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại không kém gì Singapore, Thái Lan, Malaysia...
Ngành du lịch sau 20 năm nữa sẽ tự hào thông báo đến người dân rằng đất nước ta đã đón 40 - 50 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20 - 30% so với cùng kỳ hoặc hơn thế.
Quan trọng hơn, du lịch sẽ đóng góp ngày một nhiều hơn vào ngân sách và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng những gì mà Đảng và Nhà nước ta đã định hướng.
Chúng ta, mỗi người dân Việt Nam, khi đi du lịch nước ngoài sẽ nghe thấy những lời ca ngợi, những dòng nhận xét tốt và niềm yêu mến của các bạn nước ngoài dành cho đất nước mình.
Thêm vào đó, du lịch nước ta sẽ phát triển thật sự bền vững, không còn những mối lo về môi trường, về văn hóa ngoại lai.
Ngành du lịch của 20 năm tới sẽ thật sự mang lại lợi ích cho chính người dân. Khi đó, sẽ không còn cảnh khai thác một cách “tàn bạo” cảnh quan thiên nhiên để kiếm lời mà thay vào đó sẽ là ý thức bảo vệ môi trường để ngành công nghiệp không khói của nước ta đi lên nhưng không làm tổn hại đến những bản sắc riêng vốn có của dân tộc.
Những việc làm cấp thiết
Nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu khi muốn phát triển một ngành nào đó, du lịch cũng không nằm ngoài cuộc. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh đẹp tuyệt trần như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng... Việt Nam là đất nước của di sản, của những bản sắc dân tộc hòa quyện với nhau tạo nên một vẻ đẹp riêng.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vẻ đẹp đó không được hiểu rõ và được giới thiệu một cách chính xác đến du khách?
Chính vì vậy mà công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng một vai trò quan trọng. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần đẩy mạnh việc huấn luyện đội ngũ hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên khách sạn, bảo tàng... có trình độ chuyên môn cao, biết nhiều thứ tiếng.
Giáo dục ý thức con người gìn giữ môi trường cũng là một vấn đề hết sức cấp bách. Bộ Giáo dục - đào tạo phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền để thế hệ trẻ nhận ra được không xả rác bừa bãi đóng một vai trò sống còn đến tương lai của đất nước, trong đó có du lịch.
Các sở ban ngành địa phương cần tích cực ra quân, phạt nặng những kẻ gây ô nhiễm môi trường dưới mọi hình thức, kể cả vứt một bao nilông xuống hè phố, để không còn những thảm cảnh du khách chật vật bước qua một vỉa hè đầy rác hay vô tư “giải quyết sự đời” ngay trước mắt du khách.
Xây một kilômet cao tốc mất cả chục triệu USD chúng ta vẫn chấp nhận, nhưng bỏ tiền để mua thùng rác đặt trên các tuyến phố không lẽ lại quá khó?
Nếu như Nhà nước không có kinh phí để thực hiện được điều đó thì có thể vận động người dân, không những mang lại được sự sạch sẽ cho chính sân nhà mà còn tạo được một hình ảnh đẹp trong mắt du khách.
Bước xuống sân bay Việt Nam, không phương hướng, không chỉ dẫn nào về du lịch có lẽ sẽ làm hầu hết du khách đến Việt Nam phát hoảng. Công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến tay du khách của nước ta còn quá sơ sài, chỉ dừng lại ở những kiôt hướng dẫn nhỏ bé tại một số sân bay.
Việc chúng ta cần làm là phải xây dựng được một hệ thống cung cấp thông tin du lịch chuyên nghiệp bắt đầu bằng các tờ bản đồ, sách du lịch nhỏ đặt sẵn và miễn phí ở sân bay để du khách bớt bỡ ngỡ.
Việc soạn những cuốn hướng dẫn này có thể nhân rộng ra khắp các điểm du lịch từ Bắc vào Nam, đặt ở những nơi công cộng như cảng biển, cửa khẩu... và cần cập nhật 2 - 3 tháng một lần.
Giao thông luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với khách nước ngoài khi đến nước ta. Vì vậy, hạn chế được sự khủng khiếp đó sẽ là một thành công lớn cho du lịch Việt Nam.
Tất nhiên thay đổi được văn hóa giao thông là chuyện không thể thực hiện một sớm một chiều nhưng 20 năm nữa thì hoàn toàn có thể.
Chúng ta cần phải xây dựng được một hệ thống giao thông thuận tiện cho du khách, liên kết với các hãng chuyên chở để thiết lập một mức giá chung cho từng chặng, cấm tình trạng gian lận, ăn gian cước phí hay hướng dẫn cách để băng qua đường ở các thành phố lớn chẳng hạn.
Và còn rất nhiều điều phải thực hiện để đưa nước ta trở thành thiên đường du lịch của thế giới, nhưng những điều trên là vô cùng cần thiết để biến nước ta từ một nước chỉ đón chừng 8 triệu lượt khách quốc tế một năm trở thành cường quốc về du lịch.
Rồi mai đây, cái tên Việt Nam sẽ được bạn bè năm châu biết đến nhiều hơn để khi được hỏi “Bạn muốn du lịch nước nào nhất trên thế giới?” thì nhiều người sẽ trả lời: “Tôi muốn đến Việt Nam!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận