Hàng loạt bất cập, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đất đai, thị trường bất động sản, nhà ở kỳ vọng sẽ sớm được giải quyết, tháo gỡ, khơi thông kể từ đây.
TP.HCM mới lấy ý kiến bảng giá đất dự kiến điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024 và nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân đều "sốc" trước việc giá mới tăng từ 5 đến hàng chục lần so với bảng giá đất cũ.
Sự quan tâm của dư luận cho thấy việc thực thi các luật về bất động sản tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp.
Và rõ ràng với sự gấp rút "đưa luật vào cuộc sống", sự chuẩn bị cấp bách của các cơ quan chức năng, kèm với đó khoảng thời gian truyền thông về các luật hạn chế đã và sẽ là rào cản khiến các chính sách, cơ chế mới khó khăn hơn khi thực thi.
Nhưng điều quan trọng hơn, việc dư luận quan tâm cho thấy sự kỳ vọng, chờ đợi rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về hiệu quả khi thực thi ba luật.
Bối cảnh hiện nay thị trường bất động sản "đóng băng", nhiều dự án vướng mắc "đắp chiếu", giao dịch ngưng trệ... khiến kỳ vọng càng cao.
Các luật về bất động sản đã thể chế hóa nghị quyết 18 của trung ương năm 2022 về quản lý, sử dụng đất. Nghị quyết này đã liệt kê hàng loạt bất cập, hạn chế về quản lý, khai thác, sử dụng đất đai.
Trong đó nêu rõ thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn khó khăn. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...
Bất cập lớn nhất là đất đai hiện chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều.
Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân và tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Mục tiêu tối quan trọng của các luật khi đưa vào thực thi lần này nhằm khắc phục những yếu kém và hạn chế, khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Chấn chỉnh thị trường bất động sản, có cơ chế để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững và kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai. Cùng với đó là khơi thông các điểm nghẽn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho các dự án sớm được thực hiện.
Giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp mới đây (tháng 5-2024), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tất cả các nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực đất đai đã được Quốc hội giải quyết cơ bản trong luật, chỉ có một phần giao cho Chính phủ làm rõ thêm bằng nghị định, thông tư.
Thực tế hiệu quả của luật đến đâu phải chờ và phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị, năng lực thực thi của cơ quan chức năng cả trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, việc Chính phủ, các bộ và địa phương đến nay chưa ban hành đủ các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư, quyết định) thi hành các luật sẽ gây khó khăn cho việc thực thi luật. Việc này cần sự đốc thúc, đẩy mạnh quyết liệt, nhanh chóng hơn.
Quốc hội dù lo lắng tính khả thi nhưng cũng đã bấm nút thông qua để các luật có hiệu lực trước 5 tháng (so với thời gian thông qua trước đây). Sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ làm "lãng phí" khoảng thời gian quý đó.
Trong khi tại hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (ngày 30-7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt sớm "đưa luật vào cuộc sống". Đây cũng là kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận