Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, bộ tiêu chí trường học hạnh phúc gồm 18 khoản, chia làm ba nhóm tiêu chuẩn: con người, môi trường, dạy học và hoạt động giáo dục.
Mong không còn bạo lực học đường
"Là một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh, tôi rất tâm đắc với tiêu chí 15 của trường học hạnh phúc. Đó là môi trường học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt kể cả bắt nạt trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã gợi ý các nhà trường giáo dục, định hướng cho giáo viên, học sinh về Internet an toàn; tổ chức các hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và giáo dục nhân cách cho học sinh...
Tôi mong những điều này sớm được các nhà trường thực hiện. Vì mối lo lớn nhất của phụ huynh chúng tôi chính là việc con mình bị bạo lực học đường" - cô Uyên, giáo viên môn văn ở quận Tân Phú, cho biết.
Theo cô Uyên, có những vụ bạo lực học đường bắt nguồn từ việc học sinh chê bai, bóc phốt nhau trên mạng. Vì vậy, việc dạy cho học sinh cách ứng xử trên mạng là cực kỳ cần thiết.
Tương tự, chị Thu Hằng, phụ huynh có hai con học THCS ở quận 1, nhận xét: "Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của giáo dục TP.HCM thì về cơ bản chúng tôi đã hài lòng rồi. Cái tôi quan tâm đó chính là sức khỏe tâm thần của học sinh.
Do vậy, tôi rất vui khi thấy tiêu chí 13 ghi rất cụ thể: quan tâm sức khỏe tâm thần học sinh; đưa nội dung giáo dục cảm xúc, xã hội, đạo đức, sự chú tâm, lòng biết ơn... vào giảng dạy".
"Nhiều học sinh ngày nay quản lý cảm xúc không tốt. Các con dễ nổi nóng rồi xô xát, đánh nhau, gây ra những hậu quả khó lường. Tôi cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã quan tâm đến vấn đề này là một bước tiến rất đáng ghi nhận.
Phần còn lại là các trường có làm hay không thôi" - chị Hằng nhấn mạnh.
Học sinh được phép sai
Trao đổi với Tuổi Trẻ về bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, thầy N.V.Q., giáo viên môn vật lý ở một quận trung tâm TP.HCM, kể: "Tôi đã từng trải qua thời kỳ học phổ thông đầy tự ti và cả sợ hãi khi mỗi lần bị kêu lên bảng làm bài hoặc phát biểu.
Điều này bắt nguồn từ việc cô giáo dạy môn lý chế giễu cách giải thích, cách làm bài của tôi trước lớp khiến các bạn cười ồ.
Cô nói: "Em là thiên tài môn lý nên em làm kiểu gì tôi không hiểu". Thế là tôi chết tên "thiên tài vật lý" suốt những năm học THCS.
Sau này, khi đã tốt nghiệp trường sư phạm và đi dạy, tôi luôn tự nhủ rằng giáo viên phải chấp nhận cái sai của học sinh. Bởi các em chưa biết mới đi học. Mà đã học và rèn thì không thể lúc nào cũng đúng".
Thầy Q. bộc bạch: "Từ kỷ niệm trên, tôi cảm thấy xúc động thực sự khi đọc đến tiêu chí 8 của bộ tiêu chí trường học hạnh phúc: Chấp nhận, xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy học để hướng dẫn học sinh ngày càng tiến bộ.
Trong dạy học, khuyến khích học sinh trao đổi, đặt câu hỏi và phản biện, tạo động lực để học sinh phát huy tính sáng tạo".
Phát biểu tại hội nghị triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc ở TP.HCM ngày 20-10, ông Nguyễn Văn Phúc, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá: "TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc.
Việc xây dựng trường học hạnh phúc là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới. Để mỗi ngày giáo viên, học sinh đến trường là một ngày hạnh phúc".
Tuy nhiên, ông Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục khi xây dựng trường học hạnh phúc cần làm thực chất, tránh hình thức.
Không được hành chính hóa việc xây dựng trường học hạnh phúc. Tôi biết khi triển khai việc này, nhiều thầy cô hiệu trưởng sẽ lo lắng. Nhà trường tự đánh giá các tiêu chí của trường học hạnh phúc. Nhưng nếu kết quả tự đánh giá quá thấp thì họ có bị xét thi đua không? Tôi đề nghị không đưa nội dung này vào thi đua" - Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.
Tiêu chí cụ thể để các trường tự đánh giá
Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của UNESCO và điều kiện thực tế ở TP.HCM.
Sau hơn một năm nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo, bộ tiêu chí đã chính thức ban hành vào ngày 16-10. Bộ tiêu chí gồm 18 khoản, chia làm ba nhóm tiêu chuẩn.
Dựa trên bộ tiêu chí, lãnh đạo các cơ sở giáo dục tự đánh giá mức độ đạt được của đơn vị mình. Từ đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để trường học hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận