Mùa báo cáo tài chính quý 3-2023 đang đến gần. Nếu dựa trên kỳ vọng lợi nhuận, nhiều nhóm cổ phiếu được nhận định sẽ đáng lưu ý.
Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khởi sắc hơn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết thị trường tuần qua biến động mạnh với nhiều nguyên nhân.
Trong đó có thông tin một công ty chứng khoán lớn tiếp tục cắt giảm margin. Một số nhà đầu tư khác lại lo ngại động thái hút ròng thông qua phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, khối ngoại vẫn xu hướng bán ròng trong bối cảnh áp lực về tỉ giá hiện hữu cũng khiến nhiều nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn.
Ngay hiện tại, ông Phương cho rằng không có quá nhiều thông tin hỗ trợ, tuy nhiên từ giờ đến cuối năm, kết quả kinh doanh quý 3 với nhiều khả năng tích cực hơn là yếu tố được quan tâm.
"Kết quả kinh doanh có thể khởi sắc hơn nhiều so với các quý liền trước đó", ông Phương đánh giá. Nền kinh tế dần phục hồi nhờ hưởng lợi từ chính sách Chính phủ cũng như các giải pháp về thị trường tiền tệ. Doanh nghiệp đã trải qua thời điểm xấu nhất.
Đón "sóng" kết quả kinh doanh quý 3, theo ông Phương, có thể kể tới một số nhóm ngành đáng chú ý như đầu tư công, năng lượng tái tạo, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản dân dụng, chứng khoán, dầu khí, thép, xuất khẩu…
Chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng lãi suất giảm sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường, đặc biệt từ quý 3-2023 trở đi.
Các nhóm ngành thường có hiệu suất tốt trong giai đoạn đầu lãi suất hạ nhiệt là tài chính, công nghệ, công nghiệp, vật liệu xây dựng và tiêu dùng thiết yếu, VNDirect dự báo.
Ngoài ra Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công năm 2023. Do vậy, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể ưu tiên nắm giữ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp.
Đồng thời có thể đưa vào theo dõi nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT như tiêu dùng, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống.
Dòng tiền dịch chuyển khỏi cổ phiếu đầu cơ, tìm câu chuyện kỳ vọng hồi phục
Trong báo cáo vừa ra, chuyên gia phân tích Fiintrade nhận định rằng "dòng tiền dịch chuyển khỏi cổ phiếu đầu cơ và tìm đến các ngành có câu chuyện kỳ vọng hồi phục đang trở nên rõ nét hơn".
Cụ thể, trong tuần qua, dòng tiền rút mạnh khỏi ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng, bán lẻ. Lực bán chủ động với khối lượng lớn xuất hiện thường xuyên khiến chỉ số giá của các ngành này giảm sâu hơn thị trường chung.
Thậm chí trạng thái mất cân bằng cung cầu đã xuất hiện ở một số cổ phiếu "hot" thuộc ngành bất động sản và chứng khoán trong phiên giao dịch ngày thứ sáu (22-9).
Đi ngược với diễn biến VNIndex, theo chuyên gia Fiintrade, là các ngành liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may, hóa chất, cảng biển, logistics, vận tải thủy, khai khoáng.
Tuy nhiên, chỉ có thủy sản và dệt may hút dòng tiền khi xu hướng hồi phục về xuất khẩu đang rõ nét hơn thời gian gần đây. Các ngành còn lại thanh khoản lại giảm.
Với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia Fiintrade cho rằng tâm lý chung vẫn là thận trọng khi hầu hết các cổ phiếu với thanh khoản tốt đã vượt đỉnh 6 tháng hay thậm chí 1 năm, dù sự cải thiện về nền tảng cơ bản của đa số các doanh nghiệp mới đang dừng ở mức "kỳ vọng".
Tuần này, trong nước có thông tin đáng chú ý: Tổng cục Thống kê sẽ công bố số liệu kinh tế quý 3-2023 vào ngày thứ sáu (29-9). Còn trên thế giới, tâm điểm sự kiện vĩ mô trong tuần này là Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố vào thứ sáu (29-9).
Thị trường cũng quan tâm đến một số sự kiện khác như giấy phép xây dựng Mỹ, doanh số bán nhà mới, dữ liệu dầu thô hằng tuần từ API, dữ liệu tồn kho dầu thô, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp, dữ liệu GDP Mỹ, GDP Anh, lạm phát Eurozone, chỉ số PMI sản xuất Mỹ & Trung Quốc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận