23/07/2016 00:04 GMT+7

Kỳ vọng một tuyên bố chung

QUỲNH TRUNG 
(Từ VIENTIANE, LàO)
QUỲNH TRUNG 
(Từ VIENTIANE, LàO)

TTO - Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) khai mạc hôm nay (23-7) tại thủ đô Vientiane, Lào. Liệu ASEAN có ra được tuyên bố chung về phán quyết ngày 12-7 của Tòa trọng tài? 

Cuộc họp các trưởng SOM ASEAN tại Vientiane, Lào ngày 22-7 - Ảnh: KHAMPHAN LASSMOUTH
Cuộc họp các trưởng SOM ASEAN tại Vientiane, Lào ngày 22-7 - Ảnh: KHAMPHAN LASSMOUTH

Liệu ASEAN có ra được tuyên bố chung về phán quyết ngày 12-7 của Tòa trọng tài? Câu hỏi vẫn còn quá sớm để trả lời.

Đây là hội nghị khu vực ASEAN đầu tiên diễn ra kể từ khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” và yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng trên thực địa khi Trung Quốc tuyên bố có thể lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Không cùng tiếng nói

Dù ASEAN đã không thể đưa ra một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài nhưng theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại AMM-49, một số nước ASEAN vẫn kỳ vọng khối sẽ đưa ra một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Karim Kaslan - chuyên gia nghiên cứu về ASEAN, đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - nhận định: “Tôi cho rằng ASEAN nhiều khả năng sẽ tìm kiếm an toàn, tránh công kích nhau.

Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là ASEAN không cùng chung tiếng nói về vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài. Điều này cũng dễ hiểu khi một số nước như Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong khi Philippines và Việt Nam thì không”.

Ông Karim không cho rằng Trung Quốc muốn bàn về vấn đề này. Do đó, sẽ có rất ít cơ hội để AMM-49 phá vỡ sự bế tắc vốn có.

“Nếu có bất kỳ tuyên bố chung nào được đưa ra ở AMM-49 thì như thường lệ nó cũng là những tuyên bố không mang tính ràng buộc cũng như tránh gây mất đoàn kết. Lào cũng đang được nhận thấy là nghiêng về phía Trung Quốc, do vậy có rất ít khả năng Lào muốn đưa ra một điều gì đó có thể làm mất mặt ông bạn Trung Quốc” - ông Karim nhận định.

ASEAN tăng cường đoàn kết

Trao đổi với báo chí tại Vientiane, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) Việt Nam, cho biết trong hai ngày 21 và 22-7, quan chức cao cấp của các nước ASEAN đã trao đổi về chương trình nghị sự, chuẩn bị nội dung cho những cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra từ ngày 23 đến 26-7.

Theo ông Lê Hoài Trung, tại cuộc họp SOM ASEAN, các nước đã đánh giá lại việc xây dựng cộng đồng chính trị an ninh, thảo luận vấn đề phát triển đối tác với các nước bên ngoài, một số vấn đề liên quan đến quá trình hoạt động của những cơ chế khác nhau của ASEAN, tình hình quốc tế và khu vực.

Theo đó, các nước đều nhất trí việc đi vào triển khai ngay các kế hoạch tổng thể của tầm nhìn 2025, tăng cường hiệu quả hoạt động các cơ quan ASEAN, khẳng định tầm quan trọng hơn bao giờ hết của việc củng cố đoàn kết, thống nhất, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp và cộng đồng ASEAN mới chính thức đi vào hoạt động.

Trưởng SOM ASEAN các nước cùng đưa ra đề xuất, kiến nghị về một số vấn đề quan trọng để báo cáo các ngoại trưởng ASEAN xem xét, quyết định như gắn kết triển khai tầm nhìn ASEAN 2025 với chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững, thúc đẩy quan hệ thực chất với các đối tác, khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN theo yêu cầu của Philippines.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh Việt Nam tham gia AMM-49 lần này với mục tiêu đóng góp nâng cao hiệu quả và vai trò trung tâm của ASEAN, tính đoàn kết của ASEAN. Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng tiết lộ các bên có trao đổi về tình hình Biển Đông, tiếp tục bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp trên biển.

Thông qua nhiều văn kiện

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, dự kiến các bộ trưởng sẽ thông qua một số văn kiện quan trọng như thông cáo chung của Hội nghị AMM-49, tuyên bố kỷ niệm 40 năm ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các tuyên bố Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) như về tăng cường quản lý biên giới chống sự dịch chuyển của tội phạm, về các vụ tấn công khủng bố gần đây, hợp tác chống đánh bắt cá trái phép...

TS LÊ HỒNG HIỆP (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore):

Thử thách đối với Lào và ASEAN

Trong khi nhiều nước trong khu vực sẽ đề cao phán quyết và cố gắng để ASEAN có thể ra một tuyên bố chung ủng hộ nó, thì bản thân Trung Quốc sẽ tìm cách vô hiệu hóa nỗ lực này bằng cách gây ảnh hưởng trực tiếp lên một vài nước thành viên ASEAN.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp của Campuchia, Lào có thể cố gắng có một lập trường thỏa hiệp hơn và không làm cho hội nghị thất bại, nhưng sức ép từ Trung Quốc là rất lớn khi nước này đang là đối tác kinh tế quan trọng và có nhiều ảnh hưởng chính trị đối với Lào.

Vì vậy, đây tiếp tục sẽ là một thử thách lớn đối với Lào cũng như sự đoàn kết của ASEAN.

Theo tôi, nhiều khả năng ASEAN sẽ vẫn ra một tuyên bố chung nhưng tránh đề cập một cách chi tiết tới phán quyết cũng như tình hình Biển Đông. Đồng thời, một vài quốc gia trong khu vực có thể đưa ra một số tuyên bố riêng lẻ song song bên lề hội nghị để thể hiện lập trường của mình về các vấn đề này.

QUỲNH TRUNG 
(Từ VIENTIANE, LàO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên