Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu trong ngày khai mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN
Sáng 7-10, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị và đã phát biểu tại phiên khai mạc.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; và một số vấn đề quan trọng khác...
"Đề ra được những chủ trương đúng đắn"
Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các tiểu ban quán triệt kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5-2019) xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.
"Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo" - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hội nghị nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo, tập trung vào các vấn đề lớn, như: đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2045; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...
Nhiều giải pháp để xây dựng Đảng
Tại hội nghị lần này, Trung ương cũng sẽ thảo luận về dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá "đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng".
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước: báo cáo tổng kết và tờ trình của Bộ Chính trị đưa ra Hội nghị Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ các nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hội nghị thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; những kiến nghị của các cấp ủy, tổ chức Đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
"Trong đó chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?..." - Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
Phân tích tình hình Biển Đông
Trong bài phát biểu của mình về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị hội nghị phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.
Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận