TTCT - Nạn đói năm 1945 còn hơn cả một thảm họa kép giáng xuống một nửa đất nước Việt Nam khi đấy... Nghĩa địa Gò Lâu, Tây Lương, nơi đã từng chôn hàng trăm người chết đói năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh1. Sử liệu chính thống về nạn đói năm 1945 ghi nhận đầy đủ nhất có thể những sự kiện, nhân chứng, số liệu của thảm họa khủng khiếp năm Ất Dậu có lẽ là công trình nghiên cứu của nhà sử học, giáo sư Văn Tạo (nguyên viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) và giáo sư Furuta Motoo (Trường đại học Tokyo) cùng các cộng sự người Nhật: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử. Công trình nghiên cứu - khảo sát thực địa ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc từ năm 1992-1995, được công bố vào đầu những năm 2000.Ngoài những số liệu điều tra thực địa, công trình này còn trích dẫn những tư liệu báo chí đương thời và những luận cứ của người Nhật khác - hậu duệ của những người được chỉ đích danh là thủ phạm chính gây ra tai họa khủng khiếp nhất thế kỷ 20 cho đất nước Việt Nam.Nạn đói năm 1945 còn hơn cả một thảm họa kép giáng xuống một nửa đất nước Việt Nam khi đấy. Người Nhật áp đặt chính sách thu gom hầu hết thóc lúa dự trữ của nông dân miền Bắc để phục vụ cho nhu cầu quân sự của họ tại Đông Nam Á. Khoảng xấp xỉ 1 triệu tấn một năm - tương đương 1/3 sản lượng lương thực của toàn miền Bắc lúc đấy. Thóc lúa có đầy trong các kho đụn của quân đội Nhật, trong khi không nhà dân nào ở miền Bắc được phép dự trữ quá 1 tấn gạo, và tư nhân không được chuyên chở qua tỉnh khác quá 50kg.Vụ mùa 1944-1945, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mất mùa, lũ lụt, vỡ đê ở Nghệ - Tĩnh. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp vì chính sách cưỡng bức trồng đay và cây công nghiệp của người Nhật. Dịch rầy hoành hành ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thêm nạn dịch tả lây lan ở Bắc Giang, Bắc Ninh… cùng sự chậm chạp và bất lực của chính quyền đương thời trong việc điều chuyển lương thực cứu đói từ Nam ra Bắc, hệ thống giao thông tê liệt vì hỏa lực của phe Đồng Minh - ngăn quân Nhật vận chuyển quân nhu. Tất cả những thiên tai, địch họa, ôn dịch… ập đến cùng lúc đã làm cho nguồn dự trữ sinh tồn của người nông dân miền Bắc vốn đã suy kiệt dần khi chịu cảnh một cổ hai tròng từ năm 1941, chạm đến giới hạn cuối cùng.Nạn đói bùng phát, cuối năm 1944, trên quy mô 32 tỉnh miền Bắc (từ Quảng Trị trở ra). Riêng ở Thái Bình, Nam Định, số người chết đói đã xấp xỉ 500.000 người, tức khoảng 25% dân số, trong đó riêng điểm Tây Lương (tỉnh Thái Bình) tỉ lệ chết đói trên tổng số dân số là 66,66% (tức 2/3). Chết vì không còn lúa gạo để ăn, chết trên đường đi xin, chết vì bục dạ dày do ăn cám trộn mùn cưa, chết khi vừa cầm được nắm cơm cứu tế, chết hàng loạt, và chết cả vì bội thực vì được ăn no sau quá nhiều ngày lay lắt vì đói. Hàng triệu người chết trong cảnh da bọc xương, không có cả manh chiếu lẫn một hố đất để chôn riêng. Không có một cơ hội nào để giữ gìn phẩm giá.Nhưng kể cả như thế, lịch sử vẫn không ghi nhận một cuộc cướp bóc nào của người dân sắp chết đói đối với tài sản, thóc gạo của những nhà khá giả cả ở nông thôn hay thành thị. Nghĩa là trong hoàn cảnh bi thảm nhất, người nông dân Việt Nam vẫn giữ được lòng tự trọng của mình. Và qua nhiều chứng nhân nay vẫn còn sống, ta biết tới rất nhiều câu chuyện cảm động về tình nhân quần ở vùng Nghệ - Tĩnh, khi những làng người Việt kéo nhau qua bên kia biên giới Việt Lào xin ăn, những làng người Lào ở tỉnh Khăm Muộn sau khi đã chia sẻ hết lương thực của mình cho đoàn người đói khổ kia thì cả hai làng lại cùng dắt díu nhau đi tìm đến một ngôi làng khác để nương tựa.Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, không có thời khắc nào có thể so sánh với 6 tháng kinh hoàng từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945. Gần 2 triệu người chết. Con số thống kê đối chiếu để thấy sự khủng khiếp của nạn đói năm 1945: số hi sinh, thương vong của miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam từ 1955-1975 cũng khoảng 2 triệu. Tức là số người thiệt mạng vì thiếu cái ăn - trong vòng 6 tháng đó tương đương số người ngã xuống do đạn bom - chinh chiến suốt 20 năm. Nó để lại cho cả miền Bắc một di chứng nặng nề. Nhiều gia đình, dòng họ bị suy kiệt, một thế hệ trẻ em không thể trưởng thành, những giá trị văn hóa vô hình và hữu hình bị tàn phá, và cả những ảnh hưởng lâu dài khó thể thay đổi về tâm lý phải có được một thửa ruộng riêng - điều mà giáo sư Futura Motoo đúc kết sau khi xử lý kết quả điều tra về nạn đói: "Có thể nói một cách chính xác rằng, có hơn một mẫu tư điền là đã như có một hệ thống an toàn trong suốt thời gian xảy ra nạn đói""!Những nấm mồ "tập thể" chôn người chết đói ở xã Thổ Ngọa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Võ An Ninh Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn hai triệu người. Một kỳ nữa thế nào chúng ta cũng không thể để đồng bào ta chết đói mãi".(Hồ Chí Minh, bài viết "Hô hào nhân dân chống nạn đói" đăng trên Báo Cứu quốc, số 86, ngày 8-11-1945)2. Kiếp nạn lớn nhất của dân tộc năm 1945 được tái hiện trong nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: Sao tháng Tám (sản xuất năm 1976), Chị Dậu (1980), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)… với xu hướng chủ đạo là tố cáo tội ác của đế quốc Nhật, thực dân Pháp và tầng lớp địa chủ cường hào ác bá ở nông thôn miền Bắc. Tất cả đều phản ánh một phần sự thật và đem lại cảm giác căm thù những kẻ đã gây ra thảm họa tầm mức quốc gia, và lý giải một phần động lực đấu tranh của người nông dân miền Bắc trong Cách mạng Tháng Tám.Nhưng như thế là không đủ. Sự thật gần 2 triệu người chết đói - dù con số đấy có chưa thật sự chính xác, và vì với bất cứ lý do gì thì, khi được phơi bày ra cho hậu thế, trước hết thảm cảnh bi thương và con số kinh hoàng đấy phải đem đến một cảm giác đau đớn, xót thương, đem lại sự thấu cảm, sẻ chia và nhu cầu tự vấn… những giá trị nhân bản mà xã hội và trường học đang cố gắng hướng đến và mang lại cho những người trẻ.Một sự thật khác đang hiện hữu, là sau những tác phẩm ấy, cùng những bức hình ám ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh về nạn đói này, chúng ta rất ít thấy những sự kiện, những tác phẩm nghệ thuật, tổ hợp tạo hình… hay cả những nghi lễ thực hành thường xuyên trong các cộng đồng làng xã hướng đến sự tưởng nhớ hàng triệu nạn nhân năm ấy. Bia tưởng nhớ và mồ chôn tập thể nạn nhân nạn đói ở nghĩa trang Hợp Thiện (nay trên phố Kim Ngưu, Hà Nội), bài điếu tế của cụ Vũ Khiêu, và cứ mỗi mười năm mới ghi nhận được một đại lễ cầu siêu do nhà chùa tổ chức cho những nạn nhân năm đói... là những gì ít ỏi chúng ta đang có để tưởng nhớ về sự kiện khủng khiếp này trong chừng ấy năm. Ở các tỉnh mà nạn đói diễn ra dữ dội nhất như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, dấu tích của thảm họa này giờ chỉ còn là một vài khu vực với tên gọi chung chung như Mả Đói, Gò Lâu, Mả Ma, dốc Âm Hồn... Những ý tưởng manh nha về một biểu tượng về nạn đói năm Ất Dậu ở Thái Bình, Nam Định… được khơi lên từ lâu, được hứa sẽ làm từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chưa có hi vọng gì trở thành hiện thực.Tại bãi chợ Hàng Da, Hà Nội, đồng bào chờ phát cơm, trong lúc đó cũng đã có người lăn ra chết. Ảnh: Võ An Ninh "Nhắc lại nạn đói không phải khơi gợi nỗi đau quá khứ mà để người sống ứng xử nhân văn, tử tế với đồng bào đã chết".(GS Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, VnExpress 16-1-2015).Một quá khứ đau thương cần được lưu giữ trong ký ức và thực tế, bằng nhiều cách khác nhau, hơn là bị lãng quên. Chúng ta không đòi hỏi có được những công trình lớn như khu tưởng niệm người Do Thái ở Berlin, hay khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nhưng chúng ta cũng không thể tự nhủ rằng quá khứ đau buồn và là trang đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của dân tộc cần phải được lãng quên. Người Nhật, những thế hệ sinh trước năm 1970 khi đến Việt Nam, đa số đều biết khi được nhắc đến sự kiện bi thảm này và thường nói lời xin lỗi với người Việt đối diện, trong khi người Nhật thế hệ trẻ hơn, ít người biết, cũng có thể vì đến cả người Việt trẻ cũng không mấy ai còn nhớ.Lòng trắc ẩn, tình yêu thương vẫn mạnh hơn sự căm thù. Hàng triệu đồng bào nằm xuống vì đói năm Ất Dậu là những người đã lãnh nhận tai ương khủng khiếp của dân tộc, để cho những người còn sống có động lực và lựa chọn con đường đi tiếp. Khi những căm hờn đã lắng xuống sau chừng ấy biến thiên dâu bể thì sự thấu cảm, cùng lòng xót thương sâu sắc để người chết được tưởng nhớ, được tôn trọng phải được duy trì, như bản chất hướng thiện tự nhiên của con người ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này.Một ngày thắp hương chung cho đồng bào nạn nhân của năm đói Ất Dậu, việc có nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật, những không gian nghe nhìn có tính biểu đạt và gợi nhớ sâu sắc, tinh tế về thời khắc bi thảm của dân tộc để mỗi cá nhân khi đứng trước không gian đấy có thể cảm nhận sự đau thương mất mát, có thể tự vấn lương tâm, có thể hiểu được một phần lịch sử của đất nước có những trang đen tối như thế nào… là rất cần thiết. Đó vừa là cách tưởng nhớ nhân văn những người đã nằm xuống, cũng là cách để thể hiện phẩm giá cho người còn sống, phẩm giá của dân tộc. ■Bìa sách Tags: Nạn đóiBiểu tượng về nạn đói năm Ất DậuGiáo sư Futura MotooNạn đói năm 1945Giáo sư Văn Tạo
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.