Ký ức thời diệt chủng của Khmer Đỏ qua mắt trẻ thơ

LÂM LÊ 26/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT - Với bộ phim thứ 4 trong vai trò đạo diễn (ba trong bốn bộ phim có đề tài chiến tranh và sự chịu đựng của con người trong hoàn cảnh địa ngục trần gian), Angelina Jolie đã phần nào chứng minh được tài năng của một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, khi tái hiện những trải nghiệm thống khổ của người dân Campuchia trong thời diệt chủng của Khmer Đỏ qua con mắt của một đứa trẻ 5 tuổi.

Một cảnh phim.-Ảnh: Netflix
Một cảnh phim.-Ảnh: Netflix

 

Khác với chiến tranh Việt Nam luôn là đề tài được yêu thích của điện ảnh Mỹ và từng đóng vai trò chủ lực trong suốt thập niên 1970, 1980 với nhiều bộ phim đoạt Oscar, Cành cọ vàng...; cuộc nội chiến của người dân Campuchia dưới thời thống trị của Khmer Đỏ với những đau thương tang tóc lại ít được lên phim hơn.

Ngoại trừ bộ phim xuất sắc là The Killing Fields (Cánh đồng chết) của đạo diễn người Anh Roland Joffé từng đoạt ba giải Oscar năm 1985 (trong đó có một giải Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc cho diễn viên người Campuchia là Haing S. Ngor) và bộ phim tài liệu The Missing Picture (Bức ảnh đã mất) của đạo diễn Pháp gốc Campuchia Rithy Panh (đoạt giải tại Cannes và được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2014), đề tài này vẫn còn khá khiêm tốn trên màn ảnh.

Một bộ phim Campuchia được kể lại bởi người Campuchia

Angelina Jolie, nữ đạo diễn, diễn viên từng hoạt động với vai trò thiện nguyện của Liên Hiệp Quốc tại nhiều điểm nóng trên thế giới, luôn dành tình cảm đặc biệt cho Campuchia, đất nước cô từng đến để nhận đứa con nuôi đầu tiên (Maddox), đóng hai tập của bộ phim bom tấn Lara Croft: Tom Raider tại đây, thậm chí còn nhận cả quốc tịch Campuchia.

Đó là những lý do khiến cô muốn thực hiện một bộ phim tại đất nước mà cô nhận là quê hương thứ hai của mình.

First they killed my father là những hồi ức của Loung Ung, một nạn nhân sống sót của chế độ diệt chủng Pol Pot và được cô kể lại trong cuốn hồi ký ra mắt năm 2000.

Angelina Jolie quyết định chuyển thể cuốn hồi ký này thành tác phẩm điện ảnh khi nhận được nguồn đầu tư từ kênh phim trực tuyến Netflix.

Với sự trợ giúp của đạo diễn, nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm với đề tài Khmer Đỏ - Rithy Panh, đồng biên kịch, tác giả Loung Ung và cậu con trai nuôi gốc Campuchia Maddox, Angelina Jolie quyết định kể bộ phim này dưới góc nhìn của người dân Campuchia trong bốn năm họ chịu đựng nỗi thống khổ của địa ngục trần gian, đặc biệt là qua cái nhìn của một cô bé mới 5 tuổi.

Với ngôn ngữ, diễn viên và bối cảnh hoàn toàn tại Campuchia, First they killed my father là một bộ phim Campuchia toàn phần, giúp Angelina Jolie thoát được cái bẫy “góc nhìn của người anh hùng da trắng” trong bộ phim Cánh đồng chết mà đạo diễn Roland Joffé đã thể hiện quá thành công.

Không những thế, bộ phim này hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để đại diện điện ảnh Campuchia tranh giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất đầu năm 2018.

Sareum Srey Moch, nữ diễn viên nhí nghiệp dư, là một phát hiện tuyệt vời của Angelina Jolie trong bộ phim First they killed my father. -Ảnh: Netflix
Sareum Srey Moch, nữ diễn viên nhí nghiệp dư, là một phát hiện tuyệt vời của Angelina Jolie trong bộ phim First they killed my father. -Ảnh: Netflix

 

Sự tàn bạo và chất thơ trong một bộ phim về diệt chủng 

Angelina Jolie mở đầu bộ phim rất thông minh bằng những hình ảnh tư liệu của tổng thống Richard Nixon phát biểu trên truyền hình nói về sự “trung lập” của Mỹ và việc ném bom của quân đội Mỹ tràn qua biên giới Campuchia trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam.

“Đây không phải là cuộc xâm lăng Campuchia”, ông Nixon nói với những hình ảnh minh họa là các khu rừng bị đốt cháy và những xác người nằm la liệt trên đường phố Phnom Penh trên nền nhạc ca khúc Sympathy for the devil của ban nhạc Rolling Stones - một hình ảnh mang tính giễu nhại tư liệu gợi nhớ đến phong cách của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Ken Burns.

Đoạn tư liệu mở đầu đó dường như quá đủ để nói về bối cảnh và xuất phát điểm của bộ phim.

Angelina Jolie hướng dẫn diễn viên nhí người Campuchia Sareum Srey Moch trong một cảnh phim.-Ảnh: Netflix
Angelina Jolie hướng dẫn diễn viên nhí người Campuchia Sareum Srey Moch trong một cảnh phim.-Ảnh: Netflix

 

Angelina Jolie không cố lý giải diễn biến chính trị, nguồn gốc xuất xứ của Khmer Đỏ, cô bám sát nguyên tắc tái hiện giai đoạn đẫm máu này trong lịch sử hiện đại của người dân Campuchia qua đôi mắt của một đứa trẻ.

Loung Ung (do diễn viên nhí Campuchia Sareum Srey Moch đóng, một phát hiện tuyệt vời của Angelina Jolie) là một cô bé hồn nhiên và có cuộc sống khá đầy đủ với sáu anh chị em khác trong một gia đình trung lưu có người cha là nhân viên cao cấp của nhà nước ở Phnom Penh.

Nhưng khi quân đội Mỹ rút khỏi Campuchia năm 1975 và đội quân nổi loạn của Khmer Đỏ lật đổ chính quyền đương nhiệm, một đám mây đen xuất hiện và báo hiệu những năm tháng thảm khốc của người dân nước này bắt đầu.

Quân đội Khmer Đỏ tràn ngập trên đường phố và kêu gọi tất cả người dân phải rời bỏ nhà cửa để di tản về vùng quê “tránh một đợt ném bom mới của Mỹ” và sẽ trở lại sau ba ngày.

Nhưng “ba ngày trở lại” đó không bao giờ diễn ra. Cả gia đình chín thành viên của Loung Ung dắt díu nhau về quê và dọc đường họ tiếp tục bị quân Khmer Đỏ lột sạch những tài sản có giá trị.

Gia đình người cậu ở quê không dám chứa chấp họ vì sợ liên lụy. Cả gia đình Loung Ung tiếp tục bị đẩy vào các trại tập trung, phải lao động khổ sai, bị đánh đập dã man và ăn uống đói khổ.

Những ngày tháng địa ngục trần gian bắt đầu với gia đình cô bé Loung Ung khi các anh chị em bị phân tán nhiều nơi.

Người cha của Loung bị quân Khmer Đỏ xử tử đầu tiên vì bị phát hiện làm việc cho chính quyền cũ, chị gái bị chết do bệnh tật đói kém, sau đó là mẹ và em gái cũng bỏ mạng.

Loung và chị gái kế cận phải dạt đến một trại tập trung khác, tự nhận là trẻ mồ côi và được Khmer Đỏ đào tạo thành những người lính trẻ con, từ tập bắn súng cho đến đặt mìn trong rừng để chống lại quân đội Việt Nam.

Chỉ trong bốn năm dưới thời đại đẫm máu Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, gần 2 triệu người dân Campuchia, chiếm hơn 1/4 dân số của nước này lúc bấy giờ đã bỏ mạng.

Phần lớn những người trí thức, những người từng làm việc cho chế độ cũ bị Khmer Đỏ giết chết bằng cuốc chim và vùi thây trong các hố chôn tập thể, một số khác chết vì đói, bệnh tật...

Lịch sử đau thương đó qua con mắt và trải nghiệm của một đứa trẻ 5 tuổi sẽ khác biệt như thế nào?

Ống kính của Jolie và nhà quay phim Anthony Dod Mantle (từng quay Triệu phú khu ổ chuột) không diễn tả quá nhiều những cái chết thảm khốc của người dân Campuchia như trong bộ phim Cánh đồng chết trước đây.

Ngay cả hình ảnh cái chết của người cha Loung Ung cũng chỉ được tái hiện qua tưởng tượng của cô bé 5 tuổi này.

Thay vào đó, Jolie đặc biệt chú trọng những biểu đạt trên gương mặt của cô bé 5 tuổi, nhất là qua đôi mắt khi chứng kiến những nỗi thống khổ và sự chia lìa của gia đình cô bé.

Bộ phim cũng tạo sự tương phản rõ nét giữa sự tàn bạo của hiện thực và vẻ đẹp đầy chất thơ của đất nước Campuchia qua sự tưởng tượng của cô bé Loung Ung.

Xuyên suốt bộ phim, Angelina Jolie sử dụng nhiều góc máy từ trên cao để miêu tả những cuộc di tản của người dân, cảnh hỗn loạn trong chiến tranh hay cảnh một nhóm lính trẻ con mang súng AK47 để tập dượt trong mưa.

Dù có nhiều điểm sáng về nghệ thuật kể chuyện, sự dũng cảm khước từ “góc nhìn của người da trắng” và nhiều sáng tạo về hình ảnh, First they killed my father vẫn mắc một số nhược điểm về sự dài dòng nhưng thiếu kết nối cảm xúc.

Hiếm cảnh nào trong bộ phim này đẩy cảm xúc lên đến cao trào hay “tra tấn” thị giác của người xem như Cánh đồng chết từng làm được. Nhưng với bộ phim này, Angelina Jolie đã có thể tự hào với vai trò biên kịch và đạo diễn của mình.■

tt
 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận