TTCT - Sài Gòn xưa mà tôi được biết chưa lễ lạt "rộng rãi" như bây giờ. Cơ bản, Giáng sinh vẫn là một lễ chung, cho dù nói riêng thì là lễ lớn của những tôn giáo cùng chia sẻ niềm tin huyền nhiệm "xuống thế làm người". Bán đèn trang trí lễ Giáng sinh phía trước Trường Hòa Bình, năm 1969. Ảnh: George LaneTrong cái nhìn đó, đèn ngôi sao là vật trang trí không thể thiếu, thể hiện hình ảnh ngôi sao đã dẫn đường cho ba nhà thông thái - gọi là Ba Vua - đến Bêlem (Bethlehem), một ngôi làng nằm ở Bờ Tây, cách Jerusalem 10km, nơi hài nhi Jesus ra đời.Ở Sài Gòn mà tôi sinh ra và lớn lên từ rue Paul Blanchy (sau là đường Hai Bà Trưng), đèn ngôi sao màu xanh, đỏ, trắng... không chỉ được treo dài dài từ nóc nhà thờ, mà còn ở phía trước nhà giáo dân, tỉ như nhà một người cô ruột của tôi, xéo trước nhà thờ Tân Định.Quà Giáng sinhCứ thế, đèn ngôi sao dẫn tới các hang đá bằng giấy (khi còn nhỏ, tôi cũng có tham gia làm, từ vật liệu chính là vỏ bao xi măng, trét hồ mầu), tái hiện "máng cỏ hang lừa", giăng đèn màu và dây kim tuyến, như màu sắc lung linh của đêm Noel. "Trong hang Bêlem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng", như cố nhạc sĩ Hải Linh đã mô tả trong bài Hang Bêlem 78 mùa đông trước. Các nhóm trang trí nhà thờ thi nhau khoe tài với các hang đá, không chỉ về độ lớn, các hòn đá cứ như thiệt, mà còn là tính cân đối của toàn khối và độ tinh tế của "máng cỏ hang lừa" và các bức tượng. (Sau này, mỗi lần đi Vũng Tàu, qua xứ Tân Vĩnh, mới biết dân xứ này chuyên sản xuất tượng nhà thờ).Trong các gia đình cũng chưng hang đá nho nhỏ mua từ vỉa hè bên hông Trường Thiên Phước hoặc bên nhà thờ dòng Chúa Cứu thế đường Kỳ Đồng. Song, đỉnh của đỉnh là các bộ tượng, trái châu, dây kim tuyến và những quyển lịch và thiệp Noel ngoại quốc bày bán ở các nhà sách Xuân Thu và Hòa Bình bên hông nhà thờ Đức Bà.Thời thế lúc thế này lúc thế khác, song tựu chung cái không khí hân hoan của lễ Giáng sinh vẫn được chia sẻ trong xã hội. Thương xá Tax cùng đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi hai bên chính là chợ Giáng sinh. Giờ đây, mỗi năm đến tháng 12, coi thời sự trên ti vi, thường thấy chiếu hình ảnh các chợ Giáng sinh ở Đức, ở Pháp. Coi thì coi, khó lòng cảm nhận được chợ Giáng sinh là thế nào. Hàng hóa là hàng hóa, dù nhiều tới đâu, dù có chất như núi cũng không tạo thành cái chợ, nếu không có sự trao đổi giữa người với người, ý nghĩa của chợ Giáng sinh là như vậy.Hàng hóa nhập cảng chen nhau trong thương xá Tax, ra tới vỉa hè Nguyễn Huệ, Lê Lợi với hàng "Hong Kong bên hông Chợ Lớn", ông đi qua bà đi lại, ngắm nghía, hỏi giá, mua sắm trong cái hân hoan, nôn nao trước những ông già Noel, cây thông, trái châu, quần áo, những tấm thiệp muôn màu... mới thành chợ Giáng sinh. Nhất là hai con đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Tạ Thu Thâu (nay là Lưu Văn Lang) dập dìu tài tử giai nhân, "lên quần lên áo", tay trong tay lượn qua lượn lại trước những tiệm bán giày, bán vải, bán đồ "mốt", thử cho "đào" (người yêu) đôi giày này, cái xắc nọ, cái khăn kia...Mùa Giáng sinh là mùa của quà cho trẻ con và quà của các đôi lứa, tất nhiên thời đó thì với số ít thôi. Còn nhớ khi học tiểu học, ngày ngày tôi đi qua chợ Tân Định, tới tháng 12 đều ngó các tủ kính của tiệm tạp hóa "hai căn" ở bên kia đường, để coi năm nay có bán đồ chơi gì mới. Thiệt ra, đồ chơi như máy bay phản lực, tàu thủy, con khỉ đánh trống, con búp bê "biết mở nhắm mắt" và cả bộ bài cào... thì phải ra đường Lê Lợi hay vô thương xá Tax.Thương xá Tax cuối thập niên 1970.Đi "bát phố" và shoppingNgày xưa đó vẫn còn cái thú đi "bát phố" (flâneur), dung dăng dung dẻ - điều mà ngày nay du khách tới Paris hay Barcelona nhất định phải làm cho bằng được trên đại lộ Champs Elysées diễm lệ hay La Rambla cây dài bóng mát! Ngay cả khi đã có làn sóng xe Honda và xe hơi bốn bánh tràn ngập, người ta vẫn mê dắt nhau đi "bát phố", bởi mỗi con đường, con phố nổi tiếng đều gắn với những ngôi nhà "điểm nhấn", những thương xá không quá lớn như các trung tâm thương mại sau này, xinh xắn và được điểm tô bằng những chi tiết quý giá như cái cầu thang kiểu tân cổ điển trong thương xá Tax.Lớn vừa đủ để còn thấy người ra vô, tức thấy cái sinh khí, chớ lớn quá như mấy cái trung tâm thương mại hiện nay thành ra "bít bùng", không lan tỏa được niềm hân hoan hội hè, lễ lạt. Những Season's Greetings - lời chúc mùa Giáng sinh - là trong nghĩa đó. Dẫu sao thời đó, giáo chức cũng dễ thở hơn chút: tốt nghiệp đại học sư phạm, ra trường lương công chức hạng A, chỉ số 470, cao hơn một bậc so với lương công chức tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, chỉ số 430. Ở đời, lâu lâu cũng cần có những "lô an ủi" cho xã hội thêm vui tươi!Mùa Giáng sinh còn được cảm nhận bằng khứu giác và thị giác với những cành thông tươi, xanh mơn mởn từ Đà Lạt chở về, xuống tới đường Nguyễn Huệ thì đóng chân đế gỗ để bày bán. Trong chút mát (song vẫn gọi là lạnh) cuối năm, thoang thoảng mùi lá thông, tràn ngập màu xanh diệp lục tố, đường Nguyễn Huệ là con đường duy nhất ở Sài Gòn được sắm vai chợ Giáng sinh và chợ hoa xuân.Các con đường ăn thông với nhau, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do, Tạ Thu Thâu, Lê Thánh Tôn tạo thành khu trung tâm thành phố. Không nhất thiết phải có tiền hay giàu có để đưa nhau ra đó, ra "ngắm đồ" cũng là vui, là hạnh phúc rồi, nhất là sau này "thời buổi kiệm ước" lương lậu không còn "ra chi", đúng như ý nghĩa từ ngữ "window shopping"!Nhà thờ Đức Bà năm 1969. Ảnh: George LaneMỗi thành phố đều có một khu như vậy, nếu lớn quá thì nhiều khu, thường lấy một công trường (giờ gọi quảng trường) làm hồng tâm. Sài Gòn cũng thế với cái hồ nước phun từ thời Tây giữa đường Nguyễn Huệ hay quảng trường Quách Thị Trang kéo ra tới tượng đài An Dương Vương ở ngã sáu. Đây là một trong chuỗi tượng đài các danh tướng trong lịch sử được xây lên vội vã năm 1967, nên các bức tượng không lấy gì làm đẹp, bị chê từ thời đó. Cái ý tưởng xây tượng đài cùng khắp thì hay, song thực hiện thì không tới. Dẫu sao, các tượng đài cũng là những tô điểm không thể thiếu được của một thành phố. Mỗi đất nước, cho dù mấy trăm hay mấy ngàn năm lịch sử, đều có những tượng đài để tóm tắt toàn bộ lịch sử của mình và bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ và tỏ rõ trình độ thẩm mỹ, từ trong tư duy đến trong thụ hưởng.Âm nhạcGiáng sinh là âm nhạc, là hợp xướng, là ca đoàn, là các ca khúc Giáng sinh. Cao cung lên, Venite Adoremus, Gloria in exelcis Deo, Đêm thánh vô cùng, Bài thánh ca buồn, Feliz Navidad, Jingle Bells... vang vọng từ trong nhà thờ ra tới phố phường, vô tới trong nhà. Phải thừa nhận rằng các ca đoàn Hội thánh Tin Lành, như ca đoàn quốc tế ở Trần Cao Vân, năng luyện tập và trình bày các hợp xướng kinh điển hơn, tỉ như bản Messiah của Handel.Sự cộng sinh giữa nhạc thánh ca và nhạc đời trong mùa Giáng sinh phản ánh kết nối của mùa lễ tôn giáo với năm mới dương lịch, cũng như sự cộng sinh giữa cái thiêng liêng và cái trần tục, bởi thế trên radio và ti vi mới vang lên bài "Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu"! Cộng sinh, không loại trừ nhau là một trong những yếu tính của tinh thần Giáng sinh.Thời đó ở Sài Gòn, Xmas, vâng Xmas, vang lên từ đài FM của AFRS, khai trương từ năm 1962 trong một phòng thu ở khách sạn Rex bởi một toán nhân viên Mỹ gồm năm người, phát sóng từ "nhà dây thép gió" (đầu tiên là bưu điện, rồi sau này là trung tâm radio với ăng ten thu phát sóng) khu vực Phú Thọ. Ban đầu phát trên sóng AM, hai năm sau phát trên sóng FM. Những Jingles Bells, White Chritmas, All I Want For Christmas Is You... tràn ngập tháng 12 cho tới Tết Tây là từ đó.Philippines là nước Đông Nam Á mà nhạc Xmas đầy rẫy và quyến rũ nhất, cũng từ đó làn sóng ban nhạc "đánh" các club Mỹ tràn vô. Có một giai thoại mà anh Tuấn Ngọc chắc còn nhớ: ở một đại hội nhạc trẻ sân Hoa Lư, năm 1972 thì phải, nghe nam ca sĩ người Philippines Ernie Tangle hát ca khúc Delilah của Tom Jones, anh trầm trồ: "Tay này hát nức nở quá"! Các ca khúc Xmas vang xa cùng khắp bắt đầu là từ đài FM này. Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Hơn nửa thế kỷ, lại đang mùa Xmas - mùa của "bình an cho người thiện tâm" vui tươi, cũng đáng để nhìn lại chút góp phần cảm nhận văn hóa của thời buổi đó. ■ Ăn "réveillon"Hai tuần này, trên Facebook đăng đầy quảng cáo tiệc Giáng sinh…, khơi lại tập quán ăn réveillon ngày trước. Ít mấy, nơi một số gia đình có điều kiện cũng một con gà nhà tự quay, một ổ bánh "khúc củi" tự làm từ các nguyên liệu bán ở hai "alimentation générale" (cửa hàng thực phẩm tổng hợp) Thái Thạch và Khinh Ký, nơi bán hàng nhập khẩu từ Pháp là chánh, và từ các sạp ở chợ trời Nguyễn Thông chủ yếu là đồ Mỹ.Không ít gia đình đi lễ nhà thờ Đức Bà xong băng qua đường ghé hai ki ốt Hương Lan và Bưu Điện mua đồ nguội cùng bánh kem về thưởng thức. Trong các trường chương trình Pháp, học trò vẫn tiếp tục, thế hệ này sang thế hệ khác, đọc "Ba ván lễ đọc thầm" (Les trois messes basses) của Alphonse Daudet, tưởng tượng ra một tu sĩ, đêm đó phải làm ba ván lễ, đêm càng khuya, dạ dày càng sôi sục, mà cái cánh cửa nhà nguyện tai quái lại thỉnh thoảng mở hé ra, vài anh phụ bếp hé đầu vào chốc lát, hương thơm các món của bữa tiệc đêm len vào theo, nức mũi, vị tu sĩ bèn tụng "hết tốc độ"! Alphonse Daudet tấu hài: "Họ (giáo dân) không nghe thấy một lời nào, người này đứng khi người khác quỳ, người này ngồi khi người khác đứng; và tất cả các giai đoạn của ván lễ văn đặc biệt này hợp nhất trên các băng ghế trong một đám đông nháo nhào". Tags: Giáng sinhLễ Giáng sinhNhà thờ Đức BàMùa Giáng sinhThập niên 1970
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.