27/03/2011 07:05 GMT+7

Ký ức "ba sẵn sàng" - Kỳ 2: Những con người của thời đại

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
MY LĂNG - ĐỨC BÌNH

TT - Anh hùng quân đội - thiếu tướng Lê Mã Lương, một trong những nhân vật nổi tiếng trưởng thành từ phong trào Ba sẵn sàng, kể: “Năm 1964-1965, khi ấy tôi đang học cấp II, không khí ra trận len lỏi đến tận ngõ ngách làng quê. Nhiều học sinh muốn gia nhập quân đội vào chiến trường. Có người ở quê tôi (Nông Cống, Thanh Hóa) tự nhiên mất tích. Về sau cả làng mới biết anh ấy đã lẳng lặng đi B”.

3ObJfaH7.jpgPhóng to
Ông Trịnh Ngọc Trình, nguyên bí thư Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hào hứng kể câu chuyện thời Ba sẵn sàng - Ảnh: Đ.Bình

Xẻ dọc Trường Sơn

“Bất cứ thanh niên nào ngày ấy cũng chỉ khao khát được tham gia Ba sẵn sàng: sẵn sàng làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc yêu cầu và sẵn sàng lên đường đi chiến đấu” - ông Trịnh Ngọc Trình nói bằng chất giọng bừng lửa của thời trai trẻ.

Trong ký ức của mình, ông Trình vẫn còn nhớ rõ không khí hào hùng của những buổi tối “truyền hịch” lên đường xuất quân tại quảng trường Ngân hàng Trung ương, quảng trường nhà hát lúc nửa đêm. Lớp lớp người rừng rực trong không khí sôi sục như hào khí Đông A thời Trần của thế kỷ 13, 14.

Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bùng lên mạnh mẽ như lửa gặp gió.

Sau cuộc phát động tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng ngày 9-8-1964, phong trào Ba sẵn sàng ào ạt lan rộng đến nhiều đơn vị khác như lũ tràn thác đổ: ĐH Bách khoa, ĐH Y, Nhà máy cơ khí Chung Quy Mô Hà Nội, HTX Việt Trung... Chỉ sau một tuần đã có 240.000 người ghi tên tham gia, trong đó 80.000 người xin được vào miền Nam chiến đấu.

Ông Phạm Quốc Anh (nguyên phó bí thư Đoàn ĐH Bách khoa) nhớ lại: “Sinh viên thành lập các tiểu đoàn và phát động phong trào hành quân vượt Trường Sơn đánh Mỹ cứu nước. Tối thứ tư, thứ bảy, chủ nhật, tất cả nam nữ sinh viên và nhiều cán bộ giảng dạy trẻ nườm nượp tham gia phong trào hành quân từ Hà Nội lên Sơn Tây, Đa Phúc (Bắc Ninh)... Mỗi đoàn viên đeo balô gạch 20kg và mang theo một chiếc gậy. Rồi nửa đêm báo động tập họp đội ngũ như trong quân đội rầm rập suốt đêm. Những ngày đó không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài vì thấy lạc lõng và thật sự muốn được góp sức mình cho đất nước”.

Gia nhập đoàn quân lúc ấy còn có rất nhiều công nhân của các nhà máy, xí nghiệp. Ngày đó, Hoàng Đức Chính (trung đoàn Bình Giã) mới 25 tuổi, là công nhân một công ty may, đã lẳng lặng rời xa tình yêu của mình để toàn tâm lên đường ra chiến trường. Anh giấu người yêu chuyện nhập ngũ.

“Tôi chủ động chia tay vì đã xác định: đi không biết ngày về. Con gái có thì, mình không nên để cô ấy phải bị ràng buộc. Tôi không dám gặp cô ấy lần cuối vì sợ không đủ can đảm mà đi...” - ông Chính kể.

Đặc biệt, trong danh sách đăng ký ra trận có rất nhiều cán bộ Thành đoàn. Như anh Đặng Quang Ngọc, cán bộ Thành đoàn Hà Nội đầu tiên, được gọi đi nhập ngũ dù sức khỏe chỉ đạt loại A2 (gầy), anh Đỗ Nguyên Phương (bí thư Đoàn ĐH Y), sau này là bộ trưởng Bộ Y tế, chị Tô Thị Tĩnh (bí thư chi đoàn khoa hóa), đi chiến đấu bị địch bắt và tra tấn chết đi sống lại nhưng kiên quyết không khai một lời...

Hàng ngàn sinh viên, học sinh đã viết thư bằng máu xin được ra trận. Những bức huyết thư ấy vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. Nhiều người đang du học ở Liên Xô tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận cầm súng chiến đấu...

Giữa hào khí ấy, ông Phạm Quốc Anh (nguyên phó bí thư Đoàn ĐH Bách khoa) kể: “Tất cả đoàn viên của bách khoa đều viết quyết tâm thư gửi đảng ủy xin tình nguyện làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần. Rất nhiều người viết huyết thư xin được ra chiến trường”. Chính ông Anh - khi đó là giảng viên - đã gặp hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy tha thiết xin được ra chiến trường. Theo dự kiến, phó bí thư Đoàn ĐH Bách khoa thuộc diện cán bộ nguồn, sẽ đi nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ, lại bị cận. Bị từ chối, ông trích máu viết thư.

“Số lượng tình nguyện rất đông nên phải có sự bình chọn. Ai có sức khỏe tốt, học lực tiên tiến mới được nhập ngũ” - ông Quốc Anh kể.

Trong ký ức của mình, ông vẫn nhớ rất rõ hình ảnh buổi lễ tiễn quân ở công viên Trường ĐH Bách khoa và nội dung lời thề tối hôm ấy: “Chúng tôi ra đi không một chút tính toán, không một yêu cầu nào. Chỉ có một mong muốn là được tổ chức và quân đội phân công. Xin thề không bao giờ có ý nghĩ quay trở lại dù có phải hi sinh...”.

Tôi đã kêu gọi, tôi phải lên đường...

Trong lớp lớp những chàng trai Hà Nội ra chiến trường ngày ấy có phó bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Đặng Xuân Rương. Trong ký ức về người bạn thân của mình, ông Trịnh Ngọc Trình không thể nào quên hình ảnh chàng sinh viên cao to, đẹp trai, mắt sáng, học rất giỏi và giọng nói hùng biện.

Ngày anh Rương nhận được giấy gọi nhập ngũ cũng là lúc có quyết định đưa sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Không đắn đo suy nghĩ, anh lựa chọn được nhập ngũ ngay.

Ông Trình kể: “Chính tôi cũng khuyên Rương đi Liên Xô để làm nguồn lực sau này về xây dựng đất nước. Nhưng Rương có vẻ nổi giận, trả lời: “Tôi vừa phát động phong trào Ba sẵn sàng xong, hàng ngàn thanh niên, sinh viên đã được đáp ứng nguyện vọng của mình lên đường đi chiến đấu. Vậy tại sao tôi lại không được làm những gì mình thích?”.

Cả hai hướng đều là yêu cầu của Đảng, vì quá rối nên ông Trình bảo Rương nên hỏi ý kiến anh trai của bạn: ông Trường Chinh, lúc đó là chủ tịch Quốc hội.

Vì muốn làm “sức ép” buộc gia đình đồng ý, anh Rương đã dẫn người bạn thân đến gặp anh trai mình.

Ông Trình nhớ lại: “Khi chủ tịch Quốc hội Trường Chinh hỏi ý kiến của Đoàn thanh niên, tôi trả lời: Ý của Đoàn thanh niên là cứ để anh Rương đi miền Nam chiến đấu trước rồi về đi Nga cũng không muộn. Ông Trường Chinh khen: Chú Trình nghĩ được như thế là rất tốt. Bây giờ nhiệm vụ hàng đầu là chiến đấu”.

Lúc Rương đi (năm 1964) anh khoảng 28, 29 tuổi. Cuối năm 1970 anh hi sinh tại Khe Sanh (Quảng Trị). Khi đó Đặng Xuân Rương đã là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn huấn luyện của sư đoàn 308. Anh chưa kịp về làm đám cưới với người yêu.

“Lúc được tin Rương hi sinh tôi ngất đi... Rương có quyền từ chối gian khổ, hi sinh để được sung sướng và một tương lai rạng ngời... Hơn nữa, anh trai làm chủ tịch Quốc hội, gia đình đã có người đang chiến đấu ngoài chiến trường lại được cử đi Liên Xô học. Nhưng Rương là người luôn chịu hi sinh, luôn xung phong nên đã không làm như thế” - ông Trình kể sau những giây trầm ngâm và rưng rưng xúc động.

Ông Trình đã gặp được người trực tiếp chứng kiến những ngày, những giây phút cuối cùng của người bạn thân. Theo lời kể, sau một loạt bom từ máy bay chiến đấu của đối phương, người chỉ huy Đặng Xuân Rương bị một mảnh bom rơi trúng đỉnh đầu và ngất đi. Sau ba ngày sốt, thấy anh tỉnh lại ai cũng mừng. Đến ngày thứ tư anh lên cơn sốt dữ dội và đã không qua được cơn sốt ác nghiệt ấy. Đặng Xuân Rương ra đi trong sự ngỡ ngàng và đau xót của các y bác sĩ. “Cậu ấy biết mình sắp mất nhưng vẫn nở nụ cười bình thản...”.

_______________

Câu chuyện từ một làng quê bên bờ sông Đáy, nơi đã sản sinh ra “chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại...

Kỳ tới: Chiếc gậy Trường Sơn

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên