09/09/2024 10:41 GMT+7

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ đảo xanh để phần cho con cháu mai sau

Trong tình thế đất đai ít ỏi, dân số đông, Cù Lao Chàm đã chọn bảo tồn gắn với du lịch để phát triển.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ đảo xanh để phần cho con cháu mai sau - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sự ra thăm Cù Lao Chàm tháng 3-2018 - Ảnh: B.D.

Thực tế cho thấy nếu biết tôn trọng tự nhiên và lựa chọn đường đi hợp lý thì sẽ phát triển lâu dài, bền vững. Nhưng nhiều giai đoạn trong quá khứ, Cù Lao Chàm cũng đã đối diện với lựa chọn khó khăn khi đứng giữa hai quan điểm vốn mâu thuẫn: bảo tồn hay phát triển?

Những cái lắc đầu định mệnh

Ông Nguyễn Sự là người gắn bó xuyên suốt với quá trình phát triển của Cù Lao Chàm, cũng là gương mặt thân quen được bà con xã đảo gửi gắm nhiều suy nghĩ từ lúc đói khổ tới khi đủ đầy như hiện nay.

Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Sự thường xuyên một mình theo tàu ra thăm thú đảo Cù Lao Chàm.

Trong nhiều câu chuyện nói với lãnh đạo Hội An và các chuyên gia bảo tồn, ông Sự thỉnh thoảng đề cập tới việc đảo Cù Lao Chàm từng nhiều lần đứng trước các quyết định khó khăn khi làm sao thu hút được đầu tư, làm sao để phát triển được thật nhanh để cho dân có thu nhập, thoát khỏi cái đói.

Nhưng theo ông, điều mà may mắn cho Cù Lao Chàm là chưa có dự án nào thực sự quy mô, hủy hoại tự nhiên để phục vụ phát triển trên đảo được các thế hệ lãnh đạo từ tỉnh tới địa phương đồng thuận.

Nếu có, dự án ấy cũng đủ trắc trở, không có người này thì cũng có người kia phản đối và không dễ để làm.

Sau sự kiện thành công vang dội của Ngày hội văn hóa thể thao làng biển dịp 1-4-1999, ông Sự nói rằng đợi du lịch thì lâu quá nên ông đích thân ngồi lên tàu mời đoàn doanh nhân khắp nơi ra thăm và gợi mở hướng đầu tư Cù Lao Chàm. Chuyến đi này được mời thêm các nhà báo. Tất cả đều một mục đích duy nhất là có ai đó đầu tư vào Cù Lao Chàm để tạo đòn bẩy, làm sao cho bộ mặt đảo nhanh thay đổi, dân đỡ đói.

Nhưng chuyến đi đó lại đem lại một kết cục không như mong đợi. Tất cả các nhà đầu tư khi thấy cảnh "lôm côm" ở đảo thì đều lắc đầu.

Theo ông Sự, cái từ chối làm chạnh lòng lãnh đạo lúc đó đôi khi tới nay lại là may mắn. Nhờ doanh nghiệp lắc đầu mà Hội An quyết tâm tự mình làm, tự tổ chức sự kiện để "làm mồi lửa" cho ngành du lịch bùng lên.

Khi các doanh nghiệp khước từ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An được lệnh đưa anh em ra đảo tổ chức các sự kiện hằng đêm. Dù không có khách thì vẫn cứ phải làm. Diễn viên, nghệ sĩ cứ bền bỉ diễn, hát rồi dần dần khách tới. Không ngờ hoạt động này sau đó lại được đánh giá như là "tiền hiền" của du lịch Cù Lao Chàm.

Khách rỉ tai nhau rồi kéo đến đông dần. Khách đến thì họ chi tiêu, lưu trú, nhờ bà con đảo bơi ghe đi coi biển. Khách bày cho dân cách phục vụ, dân đảo lại bày cho khách chỗ hay, chỗ đẹp. Hai bên "cộng sinh" rồi tạo ra cái gọi là du lịch nghe quen tai dần ở dân đảo.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ đảo xanh để phần cho con cháu mai sau - Ảnh 2.

Bãi biển đẹp ở Cù Lao Chàm hiện nay làm phân khu bảo tồn, nơi làm bãi đẻ cho rùa biển - Ảnh: B.D.

Phát triển ở Cù Lao Chàm là... để yên đấy, đừng làm gì

Trong một cuộc trò chuyện với các chuyên gia và du khách quan tâm đến bảo tồn biển, ông Nguyễn Sự được đặt câu hỏi rằng mô hình nào là lý tưởng cho Cù Lao Chàm? Không chút do dự, ông cầm micro và nói một câu ngắn gọn làm mọi người đều bật cười. Nhưng câu nói của ông cũng được nhiều người đồng tình và cho rằng không hẳn là cách nói tếu táo.

Ông Sự nói: "Muốn Cù Lao Chàm phát triển thì cứ để yên đấy và đừng có làm gì". Ý này được ông diễn giải rằng Cù Lao Chàm quá nhỏ bé, quá mong manh. Thiên nhiên sinh ra vốn đã có quy luật rồi. Con người chỉ đến ở và nên coi mình là một phần ở trong chuỗi tự nhiên đó.

Vì không thể trồng tỉa, không thể dựa vào "săn bắt hái lượm" thì cách tốt nhất phát triển Cù Lao Chàm là đừng xây dựng, đừng can thiệp nhiều mà chỉ giữ yên môi trường sinh thái.

Trong bối cảnh khắp nơi bạt núi lấp biển làm du lịch, Cù Lao Chàm sẽ là nơi đứng yên, giữ lại sự nguyên vẹn của tự nhiên. Khách tìm đến đây vì muốn thấy thiên nhiên được tôn trọng, khó tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Và điều đương nhiên, Cù Lao Chàm sẽ có giá trị cao, khách phải chi tiền nhiều. Lúc đó, dân đảo chứ không ai khác sẽ được hưởng thành quả, một thành quả bền vững.

Quan điểm này như ông Sự cũng thừa nhận là cần cả quá trình trải nghiệm để đúc rút ra. Dù không muốn, nhưng có những giai đoạn các dự án đã ít nhiều đe dọa và tới nay vẫn còn gây tranh cãi.

Đó là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô trên đảo. Dự án này được bắt nguồn nhiều năm trước, qua nhiều lần chỉnh sửa nhưng tới nay vẫn chưa xong.

Dự án thứ hai là đường bê tông ôm quanh đảo. Ở góc độ bảo tồn và hiệu quả sử dụng, bà Trần Thị Hồng Thúy - nguyên giám đốc khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - nói rằng "rất đáng tiếc vì các mục tiêu của dự án đều chưa đạt mục đích".

Sau khi hoàn thành con đường liên tục sạt lở. Tuyến đường cũng cắt mạch di chuyển của nhiều loài động vật, khiến hệ sinh thái bị tổn thương.

Một dự án khác cũng từng lên kế hoạch đầu tư nằm ở hướng bắc Cù Lao Chàm. Ông Nguyễn Sự cho biết sau khi tham vấn trực tiếp ý kiến ông, chủ đầu tư đã lắng nghe và không làm nữa.

"Không bàn về những khuất tất, nhưng có những giai đoạn lịch sử chúng ta vì quá nôn nóng, vì muốn thay đổi nhanh mà chọn xây dựng, chọn dự án. Đúng sai thuộc về lịch sử, nhưng giờ nghĩ lại tôi cho rằng nếu thấy dự án có hiệu quả thì cứ cố gắng theo đuổi, miễn là đừng can thiệp vào tự nhiên. Vấn đề là không làm bây giờ.

Chúng ta cứ để dành đó, sau này thế hệ con cháu mình có đủ điều kiện, thấy hội tụ tất cả những cơ hội thì lúc đó làm cũng không muộn. Đó chính là quy luật "ăn hôm nay để phần ngày mai" như cách bà con Cù Lao Chàm khai thác tự nhiên kết hợp bảo tồn lâu nay", ông Nguyễn Sự chia sẻ.

Bài học lớn từ Cù Lao Chàm

Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng chỉ trong chừng 15 năm nhưng sự phát triển của Cù Lao Chàm đã gây kinh ngạc. Tới nay đảo mỗi ngày đón 2.000-5.000 khách. Cù Lao Chàm không chỉ là một cụm đảo mà giá trị hơn, đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO.

Những thành công của Cù Lao Chàm là kỳ tích. Tất cả đến từ một nỗ lực xuyên suốt đúng, có tầm vóc và cũng là bài học lớn cho nhiều nơi: đó là làm tốt bảo tồn, vừa khai thác du lịch để nâng cao sinh kế.

Khi dân thấy có sinh kế tốt từ du lịch thì họ lại quay lại bảo tồn. Hiểu một nguyên lý hết sức đơn giản rằng cứ càng giữ biển và rừng thì lại càng có thu nhập cao.

"Cù Lao Chàm là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng và là tài sản quý báu của ông cha để lại cho con cháu, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, lưu truyền lại cho thế hệ mai sau", ông Hùng nói.

Còn ông Nguyễn Sự cho rằng bài học lớn nhất rút ra từ Cù Lao Chàm đó là sự đồng thuận của dân. Từ chỗ phản đối, dân Cù Lao Chàm sau khi được giải thích, thông suy nghĩ thì lại quay qua ủng hộ bảo tồn và tới nay mỗi người dân là một chuyên gia bảo tồn.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ cuối: Giữ đảo xanh để phần cho con cháu mai sau - Ảnh 3.Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 5: Từ xã nghèo đói tới thu nhập cao nhất tỉnh

Tất cả nhờ một định hướng nhất quán, tầm nhìn chiến lược của chính quyền khi nhận định chỉ có bảo tồn mới đem lại sinh kế lâu dài, giữ Cù Lao Chàm phát triển bền vững.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên