06/09/2024 10:34 GMT+7

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 3: Bảo tồn hay mãi đói nghèo?

Đảo chỉ 15km2 nhưng 99% diện tích núi đá, chưa bao giờ sinh kế hàng ngàn con người ở Cù Lao Chàm là dễ dàng. Trong những thời khắc khó khăn nhất, người dân đảo đã được định hướng để chuyển đổi làm du lịch. Nhưng quá trình ấy cũng không dễ dàng.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 3: Bảo tồn hay mãi đói nghèo? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Giang với con cá nặng hàng chục ký bắt được ở ngoài khu bảo tồn Cù Lao Chàm - Ảnh: QUANG SÁNG

Mỗi đêm lặn biển bằng một tháng quần quật ở bờ

Buổi sáng có mặt ở cầu cảng trung tâm xã đảo Tân Hiệp dễ thấy không khí buôn bán chộn rộn. Từ các đường hướng ra biển đâu đâu cũng có hàng quán bán đồ lưu niệm, hải sản và từng nhóm người chạy xe ôm tất tưởi ngược xuôi chở khách tham quan.

Ngay sau trạm thủ tục ra vào cảng Cù Lao Chàm là nhà hàng ông Huỳnh Giang (54 tuổi) cùng vợ Trần Thị Xuân. 

Ông Giang là thợ lặn nổi tiếng ở đảo, am hiểu mọi ngóc ngách dưới đáy biển và đang là cộng tác viên cho Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Vợ ông trước đây đi biển phụ chồng nhưng từ ngày du lịch kéo tới, bà Xuân mở nhà hàng bán đồ ăn uống.

"Nói không phải tự hào chứ dân Cù Lao Chàm giờ sướng nhất Quảng Nam. Sáng mở mắt ra dọn hàng đã thấy khách nườm nượp, bán buôn cũng toàn bà con trong xóm nên chẳng ai làm khó nhau. Mỗi tội ra vào đất liền hơi cực xíu nhưng bù lại sống trên đảo nhàn nhã, bước vài bước chân là có cá, có rau sạch để ăn", ông Giang xởi lởi nói về cuộc sống trên đảo.

Người thợ lặn nổi tiếng này khoe mẩu tin mà ai nghe cũng choáng ngợp: buổi lặn đêm qua ông cùng người em cột chèo bắt được mớ hải sản tôm hùm, cá dò... bán hơn 9 triệu đồng, gồm 4,5 triệu đồng cá dò và cá nhão, 1 triệu đồng hải sâm, 3,2 triệu đồng tôm hùm... Nhưng theo ông Giang, đây chỉ là một chuyến lặn có thu nhập bình thường. Có những tuần đi lặn đêm mỗi người chia nhau 5-7 triệu đồng tiền bán tôm cá.

Cách đây bảy ngày, anh em ông Giang trúng mớ tôm cá bán được tới 40 triệu đồng. Số tiền được chia theo ba suất: hai con người và một suất còn lại cho chiếc ghe lặn (người đi biển có lệ chia theo đinh, phương tiện đánh bắt cũng được coi là một đinh).

Ở Cù Lao Chàm hiện có hàng chục ngư dân vẫn duy trì nghề lặn. Nghề đòi hỏi sức khỏe, lòng dũng cảm và am hiểu biển cả. Khác với các nơi khác, người lặn biển ở Cù Lao Chàm kiêm nhiệm hai công việc cùng lúc: vừa bắt tôm cá vừa tuần tra hệ sinh thái đáy biển để cung cấp cho cơ quan bảo tồn.

Dù không được trả công nhưng không biết từ khi nào dân đi biển Cù Lao Chàm đều chủ động nắm bắt mọi diễn biến để báo chính quyền. Họ cũng sẵn sàng hỗ trợ các công việc bảo tồn, làm tai mắt cho cơ quan quản lý. Rất nhiều lần ngư dân phát hiện rùa biển, các loài động vật quý hiếm mắc ngư cụ... đều báo cơ quan bảo tồn cứu hộ, thả về tự nhiên.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 3: Bảo tồn hay mãi đói nghèo? - Ảnh 2.

Người dân hỗ trợ Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thả về biển con rùa vướng lưới cá - Ảnh: B.D.

Nói phải củ cải cũng nghe

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được bà Trần Thị Hồng Thúy, nguyên giám đốc khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói thợ lặn Huỳnh Giang từng là một trong những người phản đối dữ dội nhất khi Hội An thuyết phục dân nhường ngư trường để phục vụ bảo tồn vào năm 2005.

Nhớ chuyện này, ông Giang cũng bật cười, nói chuyện bảo tồn thì lúc đầu chính ông và bà con không hiểu. Một phần vì lúc đó khổ quá, đói quá, nồi cơm gia đình trông chờ những chuyến đi biển hằng đêm của ông. Nghề biển cũng là nghề truyền thống được duy trì nhiều đời. Đùng một cái nói chuyển đổi sinh kế rồi không đánh bắt những vùng có tôm cá nữa thì để chấp nhận là chuyện chẳng đơn giản. Đặc biệt là những ngư dân vốn "bảo thủ" như ông.

Nhớ lại những năm 2005, khi đại diện Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng cán bộ xã họp dân, vận động bà con không đánh bắt những khu vực biển được quây lại để bảo tồn, ông Giang nói lúc đó rất căng thẳng. Ông nghĩ rằng những người đang xuống nhà vận động mình là "tay sai" của doanh nghiệp, cố tình chiếm ngư trường, sinh kế của bà con để phục vụ dự án nên ông kịch liệt phản đối.

"Họ tổ chức họp dân rất nhiều lần. Đêm nào cũng xuống, dân biển dù cần mưu sinh nhưng bà con cũng tôn trọng chính quyền nên ai cũng có mặt để nghe người ta nói gì. Khi tôi thấy bản đồ họ khoanh tròn, đánh dấu từng vị trí bảo tồn và nói từ nay ngư dân đừng khai thác chỗ đó nữa thì tai tôi lùng bùng.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 3: Bảo tồn hay mãi đói nghèo? - Ảnh 3.

Cù Lao Chàm năm 2009, thời điểm Ủy ban điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO chính thức công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Ảnh: NGUYỄN VĂN VŨ

Tôi không hiểu sao họ ở trên cạn, không đi biển như tôi mà cũng biết chỗ đó cá nhiều. Cán bộ giải thích rằng những nơi nhiều tôm cá đó nó giống như cái bãi đẻ, lồng ấp tôm cá.

Mùa sinh sản thì tôm, cá vô đó trú ngụ để đẻ. Nếu bây giờ cứ bắt sạch, đánh sạch thì ít năm nữa biển không còn gì. Nghe vậy tôi sáng ra liền, giơ tay bảo rằng tui ủng hộ bảo tồn. Mà tính khí tui đã nói là làm được. Tui nói là nhiều người cũng sẽ nghe theo", ông Giang kể lại.

Bà Trần Thị Hồng Thúy nhớ trong hàng trăm ngư dân thì ông Giang, ông Nguyễn Tấn Hùng (thôn Bãi Ông) và ông Trần Xá (thôn Bãi Làng, đã mất năm 2017) là ba người đóng vai trò chủ chốt. Cả ba ngư dân này đều được bà con coi trọng, tiếng nói của họ đóng vai trò quyết định.

"Qua hàng tuần tiếp xúc, chúng tôi hiểu khi cả ông Xá, ông Hùng, ông Giang gật đầu đồng ý thì bà con còn lại sẽ đồng ý nhường ngư trường. Anh em mỗi tối sau giờ cơm lại xuống tỉ tê, hết hôm này tới hôm khác. Cứ giải thích đủ cách, nói cho ba ngư dân hiểu rằng chỉ khi bảo tồn thì tôm cá mới sinh sôi, làm bảo tồn tốt thì khách du lịch sẽ tới đông, bà con chỉ cần chịu khó một giai đoạn để đổi lại lợi ích bền vững lâu dài", bà Thúy nhớ lại.

Nói phải củ cải cũng nghe. Sau nhiều tháng bền bỉ thuyết phục, một buổi họp thường kỳ năm 2005 cả ông Hùng, ông Giang và ông Xá đều đồng ý ký đơn không đánh bắt ở các bãi rạn trong phân khu bảo tồn. Họ sẽ đi những nơi xa hơn, khó kiếm cá hơn cho tôm cá sẽ về ghềnh đá quen thuộc mà họ lặn bắt lâu nay để sinh sôi, tạo đàn.

Lồng ấp tôm cá vùng biển miền Trung

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An tổng diện tích 33.475ha, phân thành ba phân vùng chức năng: lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Với vị trí đặc biệt, Cù Lao Chàm đóng vai trò như một lồng ấp tự nhiên của tôm cá và hiện có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam.

Ngày 26-5-2009 tại đảo Jeju Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển UNESCO chính thức công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, riêng có trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

Các giá trị đặc trưng nổi trội được ghi nhận gồm: khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm; di sản văn hóa phố cổ Hội An; rừng đặc dụng Cù Lao Chàm lưu giữ nguồn gene quý hiếm của hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới; rừng dừa nước và hệ thống cồn bãi tự nhiên tại vùng cửa sông Thu Bồn là nơi ươm dưỡng nguồn giống của nhiều loài thủy sinh có vòng đời gắn liền với quần đảo Cù Lao Chàm và cả thượng nguồn của dòng Thu Bồn; các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An.

----------------------------

Những năm 2005, khi Cù Lao Chàm chuyển hướng bảo tồn để làm du lịch, một cuộc vận động lớn được thực hiện nhằm đổi phận ngư dân nhiều thế hệ làm biển.

Kỳ tới: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học nghề du lịch, làm bảo tồn

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 3: Bảo tồn hay mãi đói nghèo? - Ảnh 3.Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 2: Du lịch đã hồi sinh Cù Lao Chàm

Ngày 4-12-1999, Hội An vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, nhưng trước đó chính quyền đã có quá trình dài để chuẩn bị nền tảng đón du lịch bùng nổ, bắt đầu từ Cù Lao Chàm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên