07/12/2024 10:41 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su

'Đất Lào dễ bén duyên lắm!'. Những chàng trai Việt đang độ thanh xuân đi phủ màu xanh cao su trên nước bạn Lào hay vui vẻ nói đùa mà lại thật. Chẳng thế mà ở những công ty cao su Việt Nam trên đất Chăm Pa đầy câu chuyện tình yêu đẹp Việt - Lào.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Vũ Thịnh và vợ Keo Lattana Kuovanthong ôn lại chuyện ngày mới gặp nhau - Ảnh: VŨ TUẤN

Tình đẹp giữa nông trường cao su

Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao su Việt Lào Nguyễn Vũ Thịnh cứ tủm tỉm cười khi nghe chúng tôi hỏi vui chuyện các chàng trai Việt sang đây bén duyên lấy vợ Lào. Trong công ty có vài chục cặp rồi, chuyện tình của anh phó tổng giám đốc Thịnh cũng đẹp chẳng khác nào trong tiểu thuyết.

Cô Keo Lattana Kuovanthong, vợ Thịnh, lườm yêu chồng rồi kể về ấn tượng ban đầu bằng một từ gọn lỏn: "Đăm!" (nghĩa là đen). Anh Thịnh cười dịch sang tiếng Việt: "Ấn tượng ban đầu là dòm thấy đen đen thui thui vậy à!". Cả nhà phá lên cười.

Keo Lattana nói vậy cho vui chứ ở công ty ai cũng biết cô gái Lào bị ấn tượng bởi anh cán bộ kỹ thuật người Việt da đen nhẻm vì suốt ngày ngoài nông trường. Chàng trai cháy nắng ấy có bước chân đi thoăn thoắt, siêng năng, chịu khó. Bố mẹ cô ưng bụng trước rồi đến cô xiêu lòng lúc nào chẳng hay.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su - Ảnh 2.

Nhiều gia đình vợ chồng cùng làm việc cho các công ty cao su Việt Nam tại Lào đều có thu nhập rất khá, cuộc sống ổn định - Ảnh: QUỐC MINH

Anh Thịnh kể ngày mới sang năm 2007, công ty chưa có trụ sở phải thuê một căn nhà ở gần trung tâm huyện Bachiang, tỉnh Champasak làm văn phòng. Anh em kỹ thuật ở luôn văn phòng, vừa giải quyết công việc vừa tiện xuống nông trường.

Lúc công ty đã thuê được trụ sở khác, chính là trụ sở bây giờ ở thành phố Pakse, một mình Thịnh ở lại căn nhà thuê ấy. Anh chàng kỹ thuật cao su siêng năng, chịu khó, lại hay giúp đỡ công việc cho gia đình chủ nhà khiến con gái ông chủ say như điếu đổ. Thế là bén duyên! Bố mẹ vợ tương lai cũng mừng ra mặt, cho phép "ông" con rể được tìm hiểu con gái theo phong tục của Lào.

Năm 2010, Thịnh gọi điện về nhà xin phép bố mẹ cho cưới vợ Lào, bố anh chỉ nói "Tôi cấm!" rồi cúp máy. Chàng kỹ sư kiên nhẫn thuyết phục, mời bố mẹ sang Lào du lịch một chuyến. Nghe anh em làm cao su ở Việt Nam kể kỹ năng "dân vận" của anh em cao su bên Lào đã ở mức "thượng thừa".

Ấy là kinh nghiệm của những ngày tháng xuống bản thuyết phục dân để có được kỳ tích gần chục nghìn ha mặt bằng trồng cao su.

Vài lần thuyết phục thì bố mẹ Thịnh cũng thử một chuyến sang Lào xem sao! Chuyến đi ấy hai ông bà "khốt - ta - bít" bị thuyết phục bởi sự thân thiện, hiếu khách và ứng xử vừa giàu tình cảm vừa hiểu biết của gia đình ông bà sui tương lai. Lúc ra về, Thịnh nói nhỏ với bố mẹ "con cưới nhé!", hai ông bà gật đầu cái rụp!

Thế là chàng kỹ sư trẻ sắm 5 baht vàng (1 baht tương đương 4 chỉ) 9.999 đặt vào cái bát mạ vàng hình hoa sen đi hỏi vợ. Hạnh phúc của cặp chồng Việt vợ Lào nảy nở tốt tươi như cây cao su bén rễ trên đất Lào.

Năm 2010 họ cưới, năm 2011 có cô con gái đầu lòng, năm sau có thêm cậu con trai. Cô chị hiện đang học lớp 8, cậu út học lớp 7 ở thành phố Pakse. Cô cậu vừa nói tiếng Lào vừa nói tiếng Việt. Mỗi năm cả gia đình về thăm bên nội vài ba lần. Cô Keo Lattana vẫn vào bếp làm món trứng chiên, rau xào tỏi... và cũng nấu bún bò Huế ngon như ngoài hàng.

"Dự định sắp tới của chúng tôi là nuôi dạy con học tốt. Vài năm nữa, sau khi chúng học hết cấp III thì gửi về quê nội... du học", vợ chồng Thịnh cười sẻ chia tương lai các con.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su - Ảnh 3.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của Bùi Phước Tường Lâm và Phakeo Phothisane - Ảnh: QUỐC MINH

Pha "kỷ luật" hạnh phúc

Căn nhà sàn có nền gạch hoa mát rười rượi nằm ngay trung tâm huyện Phìn (tỉnh Savannakhet) là tổ ấm của Bùi Phước Tường Lâm và cô công nhân Lào Phakeo Phothisane. Đôi uyên ương trẻ mới có một cậu con trai bụ bẫm đang ngáy khò khò trong nôi.

Tường Lâm quê ở Bình Phước, hiện là phó giám đốc Nông trường 1 Công ty CP Cao su Quasa - Geruco. Lâm khoe nhà anh có ba đời làm cao su. Bà nội là công nhân cao su thời còn đồn điền của Pháp, bố anh cũng làm công nhân cao su ở quê nhà, giờ đến anh.

Học nông nghiệp, ra trường anh khoác ba lô lên Gia Lai tìm việc rồi chẳng biết cái "duyên số" thế nào anh được nhận vào làm ở Công ty CP Cao su Quasa - Geruco. Nghe nói con trai sang tận Lào làm việc gia đình cũng cản dữ lắm! Nhưng cái thú muốn chinh phục của tuổi trẻ cứ thôi thúc anh đi. Giờ đã mười mấy năm, sống riết thành quê hương.

Ngày anh gọi điện về nhà báo sẽ lấy vợ là cô gái Lào xinh xắn cùng làm công ty, gia đình anh cũng băn khoăn. Ai cũng mong anh làm một thời gian có ít vốn lận lưng rồi về gần nhà. Thế nhưng cái duyên giữ Tường Lâm gắn bó với đất Lào. Gắn bó luôn cuộc đời với cô đội phó ở nông trường mà chính anh đi phủ màu xanh cao su.

Lâm kể vì hai đứa đi làm chung nhiều nên anh vừa làm vừa học tiếng Lào, còn Phakeo lại học tiếng Việt. Cả hai yêu cánh rừng cao su như yêu mảnh vườn của nhà. Đêm hôm gió bão, hay cây ngã đổ... cả hai vẫn miệt mài ở nông trường hướng dẫn công nhân để đảm bảo năng suất.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su - Ảnh 4.

Ngoài những đôi lứa Việt - Lào, nhiều người Việt còn sang hướng dẫn tận tình các bạn Lào kỹ thuật làm cao su như tổ trưởng (người đội mũ) này đang xem công nhân Lào cạo mủ - Ảnh QUỐC MINH

Ngày tháng trôi qua, ánh mắt đôi trẻ tìm nhau nhiều hơn dưới bóng rừng cao su. Hôm ấy sinh nhật Phakeo, trời mưa sụt sùi, cô đội phó vẫn miệt mài làm việc ở nông trường. Anh em nông trường đặt một bữa tiệc nhỏ, Lâm chuẩn bị thêm cái bánh ngọt để mọi người ở quán đợi rồi phóng xe máy đi đón Phakeo.

Cô gái Lào vừa bất ngờ, vừa xúc động vì lần đầu tiên có một ngày sinh nhật ấm áp đến thế... Phút giây ngồi sau xe anh chàng người Việt cả một quãng đường dài trong cơn mưa, dưới tán rừng cao su rả rích khiến Phakeo xiêu lòng.

Đôi trẻ đến với nhau trong hàng ngàn cách trở. Gia đình Phakeo không tin cô có được hạnh phúc. Họ cho rằng gã trai vừa điển trai vừa tài giỏi kia ở quê nhà nơi xa lắc xa lơ nào đó đã có vợ rồi. Gã đi làm xa chắc chỉ muốn có "hoa hồi cầm tay" mà thôi. Còn gia đình Tường Lâm muốn anh trở về, lấy vợ gần nhà.

Chẳng biết đã bao lần đôi trai gái với trái tim nóng bỏng ấy ngồi bên hiên căn nhà gỗ ở nông trường nhìn xa xăm vào tán rừng cao su ngút mắt. Chẳng biết bao lần nước mắt Phakeo đã thầm rơi tí tách như giọt nước mưa dưới tán rừng hôm ấy.

Rồi một hôm họp cơ quan, Tường Lâm lấy hết can đảm nhận kỷ luật trước chi bộ công ty. Anh nhận lỗi, xin nhận hình thức kỷ luật vì trong người Phakeo đã có "kết quả" tình yêu của hai người.

Chi bộ Công ty cổ phần Cao su Quasa - Geruco đứng trước một quyết định kỷ luật chưa từng có tiền lệ: kỷ luật trong niềm vui hạnh phúc của lứa đôi.

Tường Lâm lặn lội về quê xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho nhà gái hết nghi ngờ. Còn anh thuyết phục gia đình phải cưới vì không sẽ bị thôi việc và phải chịu hình phạt theo pháp luật của Lào.

Thế là họ làm đám cưới. Cả hai gia đình Việt - Lào thấy đôi trẻ quyết tâm đến với nhau cũng không còn cấm cản. Nhà Tường Lâm có cô dâu Lào ngoan hiền, đảm đang. Gia đình Phakeo có chàng rể làm cán bộ kỹ thuật cao su, nở mày nở mặt với bản, với họ hàng.

Được làm việc ở công ty cao su đã là ước mơ của bao thanh niên huyện Phìn, gia đình họ vừa có con gái, vừa có con rể làm cán bộ nông trường, hạnh phúc nhân lên nhiều lần.

Ở các công ty cổ phần cao su Việt Nam đang phủ tán xanh trên đất Lào hiện nay còn nhiều câu chuyện tình vượt biên giới đẹp như thế. Nhiều đôi Việt - Lào đã nên duyên vợ chồng, một số thì đang e ấp chuyện yêu đương. Thật sự họ cũng đối diện một số khó khăn phải vượt qua nhưng cuối cùng hạnh phúc vẫn vẹn tròn.

Những đôi lứa Việt - Lào này không chỉ cùng nhau dựng xây hạnh phúc tổ ấm mà còn góp phần thắm thêm tình hữu nghị hai nước chung đường biên giới thân thiện và kết nối thêm hai nền văn hóa láng giềng gần gũi.

---------

Có việc làm và thu nhập ổn định, được cấp nhà để ở trong bản làng kiểu mẫu xây dựng mới khang trang, con cái được đến trường học chữ. Đó là hình ảnh tương lai bền vững của những người bạn lao động Lào dưới tán rừng cao su Việt Nam.

Kỳ tới: Tương lai xanh bền vững

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 6: Chuyện tình đẹp Việt - Lào dưới đại ngàn cao su - Ảnh 3.Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 5: Chủ tịch huyện Lào đi đầu trồng cao su cho dân tin

Là người dũng cảm phá rẫy mì để trồng cây cao su Việt là câu chuyện thú vị của nguyên chủ tịch huyện Phìn, tỉnh Savanakhet, Lào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên