Từng dũng cảm đi đầu phá rẫy nhiều năm trồng khoai mì của gia đình để chuyển sang trồng cao su làm gương cho dân tin, đó là câu chuyện thú vị của chính ông Bounma Ketkeosone, nguyên chủ tịch huyện Phìn, tỉnh Savanakhet, Lào.
Đây cũng là địa bàn phát triển thành công gần 7.500ha cao su xanh tốt của Công ty CP Cao su Quasa - Geruco (thuộc GVR - Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam) để vị chủ tịch huyện ở Lào làm theo, phát triển thành công kinh tế gia đình và cả địa phương mình.
Chủ tịch huyện Lào phá rẫy mì, trồng cao su Việt
Hơn chục năm trôi qua, rừng cao su của ông Bounma đang mỗi ngày cho thu hoạch cả chục triệu tiền kip, cao hơn gấp đôi lương cán bộ huyện.
Nhìn thành công của ông, dân bản đã làm theo và cũng dần có của ăn của để. Người cán bộ huyện nghỉ hưu mãn nguyện vì việc tốt nhất ông làm cho dân mình là góp phần cho cây cao su Việt Nam phủ xanh huyện nhà.
Vui vẻ tiếp những người khách từ Việt Nam sang, ông Bounma trò chuyện bằng tiếng Việt rất sõi, thậm chí còn pha hài hước. "20 năm trước, dân địa phương sống dựa nương rẫy.
Mỗi năm thiếu bốn tháng không đủ gạo ăn, khổ lắm! Dân sống du canh du cư phải vào rừng làm củi, đốt than", ông Bounma kể. Người nơi khác biết đến huyện Phìn và huyện Sepon là thủ phủ xuất khẩu gỗ, thế nhưng nhiều dân hai huyện này vẫn nghèo.
Khi Chính phủ Lào đóng cửa rừng, dân mất kế sinh nhai. Họ chỉ còn trông vào mảnh nương mỗi năm một vụ lúa, may mắn mưa thuận gió hòa thì đủ gạo ăn. Muốn có chút tiền nhỏ, họ cũng chẳng còn gì ngoài việc lên rừng chặt gỗ, đốt than.
Nhưng cũng huyện này, ở vùng có nông trường cao su của công ty Việt Nam sang phủ xanh lại khác. Công nhân làm việc bình thường mỗi tháng cũng kiếm được 4, 5 triệu kip, cao hơn lương chủ tịch huyện.
Thậm chí có người còn làm được 7-8 triệu. Nhiều nhà mấy người cùng làm cao su, mỗi tháng tậu được một con trâu hoặc chiếc xe máy, vài năm xây được căn nhà mới khang trang.
Ngày Công ty CP Cao su Quasa - Geruco đến khảo sát đất đai, dân huyện Phìn chưa mấy mặn mà vì không ai biết cây cao su là cây gì và được hưởng lợi gì? Họ chỉ thấy có công ty đến, rồi cán bộ nông lâm của huyện đến đo đạc, đền bù đất, cải tạo đất để trồng cái thứ cây chẳng khác cây rừng.
"Có nhà không hiểu, họ chặt cả cao su của công ty đi! Tôi phải đến tận bản, vừa vận động điều tốt đẹp sẽ đến vừa nói nghiêm với những người cố tình phá", nguyên chủ tịch huyện Phìn kể.
Thế rồi đất đai cũng giao được cho công ty, máy móc san gạt xong, cán bộ huyện lại gặp khó vì dân thấy đất bằng đẹp quá, lại tiếc, lại đòi. Ngày vừa làm lãnh đạo huyện rộng lớn, vừa vận động dân nhường đất, vừa khuyên dân đi làm công nhân cho công ty, ông Bounma cũng mạnh dạn quyết định phá luôn rẫy sau nhà mình và mua thêm cho đủ 15ha để trồng cao su.
Ông cho rằng cán bộ không chỉ nói mà còn phải đi đầu làm trước thì dân mới tin. Còn cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, khai thác thì ông được chính các bạn từ công ty cao su ở Việt Nam tận tình trực tiếp giúp đỡ.
Thời điểm này, được hỏi về thu nhập của vườn rừng cao su sau nhà, ông chỉ cười áng chừng mỗi ngày được thu 14 triệu kip. Trừ hết chi phí, nhân công, phân bón, ông cũng có 10 triệu kip mỗi ngày. Từ khu vườn cao su 15ha ban đầu, ông lấy tiền bán mủ để mua thêm 9ha nữa.
Ông bảo nếu còn sức khỏe ông sẽ đầu tư tiếp để trồng cao su. Chẳng loại cây nào cho thu nhập ổn định và bền vững như cây này và dấu ấn khó quên nhất với ông là những ngày cùng các bạn Việt Nam phát triển dự án 3.000ha cao su ở huyện nhà.
Lương công nhân cao su cao hơn chủ tịch huyện
Ông Phạm Văn Thông, tổng giám đốc Công ty CP Cao su Quasa - Geruco hiện nay, vui vẻ kể trên vùng đất nghèo ngày nào cây cao su Việt Nam đem sang phủ xanh đến đâu, hạ tầng điện, đường, trường, trạm được mở mang đến đó.
Dân bản được thay đổi hẳn cuộc sống, trẻ em cũng có điều kiện đi học. Đặc biệt là người dân có việc làm và thu nhập ổn định. Nông trường dựng lên, bản lại được công ty góp tiền kéo điện. Dân bản không còn đi ngủ lúc gà dắt nhau vào chuồng nữa mà có điện sáng cho con cái học hành, có tivi xem tin tức, có cả tủ lạnh để miếng thịt, miếng cá không bị ôi.
Ở bản Khọc Bun (huyện Phìn) có 40 hộ dân nằm sát Nông trường 1 của Công ty CP Cao su Quasa - Geruco. Đàn ông, đàn bà trong bản tờ mờ sáng đã vui vẻ dậy đeo đèn lên trán, chạy xe máy vào lô cao su cạo mủ. Hơn 9h sáng, họ lại về chăm sóc vườn cao su hoặc rẫy lúa của nhà, đây là nguồn thu nhập thứ hai của họ ngoài đồng lương ổn định ở công ty.
Trưởng bản Kền Keomani cho hay trước đây dân bản nghèo lắm! Không có đường ra huyện phải đi bộ, bùn ngập tới đầu gối.
Nhà nào cũng chỉ có một người đi làm, phụ nữ ở nhà trông con. Trưởng bản là nhà khá trong bản với mảnh rẫy chừng 2ha trồng khoai mì, mỗi năm làm hùng hục cũng chỉ thu được khoảng 20 triệu kip.
"Cứ năm nào có nhiều củ thì giá bán lại rẻ. Năm được ít thì giá bán cao hơn, nhưng không bán được quá 20 triệu - ông Kền Keomani nói - Bây giờ ba người con làm cao su thì tốt rồi. Tháng nào cũng có lương, được mười mấy triệu".
Bản Khọc Bun có 40 nóc nhà thì có 30 người làm công nhân cao su. Đàn ông đi làm có tiền, đàn bà cũng đi làm cao su, làm công nhân tốt hơn đi phát nương nhiều. Đời sống bà con khấm khá từng ngày.
Ngày chưa có cao su, dân bản ở nhà như cái lều trên rẫy. Khi làm cao su, dân bản có nương, nhà nào cũng xây nhà mới chắc chắn, rộng rãi.
Năm trước công ty còn cho tiền để dân bản kéo điện lưới về. Đường trong bản cũng được công ty giúp một nửa đổ bê tông khang trang. Trẻ con được học cái chữ ở trung tâm huyện, cũng học trong lớp học được công ty cao su tài trợ. Dân bản quý các bạn Việt Nam ở công ty như anh em nhà.
Đương kim Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Phìn Supchay Xaynhavong cho hay lương của ông hiện mỗi tháng được hơn 3 triệu kip, chỉ bằng nửa công nhân cao su. Tuy nhiên mức lương hơn 6 triệu kip vẫn chỉ là mức bình quân. Lãnh đạo Công ty CP Cao su Quasa - Geruco cho biết mùa thu hoạch mủ đang rộ, công nhân cạo mủ bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 12 triệu kip, gấp bốn lần lương chủ tịch huyện Phìn.
Trò chuyện như bạn bè tin tưởng nhau với ông Phạm Văn Thông, ông Supchay chỉ mong có thêm dự án phát triển cao su trên huyện nhà.
Ông cho hay nếu công ty cao su có thêm nhà máy thì huyện Phìn sẽ phát triển rất nhanh vì lao động có thêm thu nhập. Nhất là những bản xa, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhiều bản vẫn là đường mòn chứ không có đường như trong dự án cao su.
Tiềm năng của huyện còn nhiều, nhiều doanh nghiệp cũng đến đặt vấn đề đầu tư dự án. Thế nhưng ông Supchay và chính quyền huyện chẳng mặn mà vì những dự án liên quan đến cưa cây, đốt than, trồng mì... Huyện chỉ mong có những dự án bền vững như công ty cao su Việt Nam đầu tư tại huyện, đặc biệt là dự án công nghiệp tạo ra sản phẩm...
Nhiều dân huyện Phìn bây giờ có của ăn của để từ cao su, dân không phải lên rừng đốt than cũng nhờ cao su. Còn với ông Bounma, dân trong huyện nhiều người biết ơn các bạn Việt Nam vì dự án cao su cho họ việc làm, có tiền lương hằng tháng khá hơn hẳn trước đây.
Thấy cán bộ mình cũng phá rẫy trồng cao su, dân bản tin cây cao su có hiệu quả. Họ không còn sợ "hứa cho vui". Nhiều người bắt chước ông Bounma tự trồng cao su, bán mủ cho công ty để làm giàu. Bước ngoặt đổi đời lớn lao của những người nhiều đời sống du canh du cư, đủ gạo ăn ngày nào thì biết ngày nấy.
------------------------
"Đất Lào dễ bén duyên lắm", những người Việt theo dòng chảy cao su sang Lào đều tin thế. Những công ty cao su của người Việt trên đất Chăm Pa đầy câu chuyện tình yêu Việt - Lào đẹp như tiểu thuyết.
Kỳ tới: Chuyện tình Việt - Lào dưới đại ngàn cao su
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận