05/12/2024 11:48 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su

Từ khi có dự án trồng 10.000ha cao su của Công ty CP Cao su Việt Lào tại hai huyện Bachiang và Sanasumbun, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, phó tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Lào, chia sẻ.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su - Ảnh 1.

Trường học huyện Bachiang, tỉnh Champasak, Lào được Công ty CP Cao su Việt Lào hỗ trợ xây dựng khang trang hơn - Ảnh: QUỐC MINH

"Từ chỗ không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh thì nay đã có việc làm ổn định, có tiền nuôi gia đình với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng tiền kip/người mỗi tháng thời kỳ đầu và nay đã lên 7 - 8 triệu đồng...

Nhiều hộ đã xây nhà cửa khang trang, mua sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy... Đây là thành công rõ nét mà dự án cao su Việt Nam đã đem lại cho người dân" - ông Som Bouttakoun, phó tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Lào, vui vẻ chia sẻ.

Không còn phải phá rừng làm nương rẫy

Không chỉ ông Som Bouttakoun mà rất nhiều lãnh đạo, cán bộ, người dân Lào đều cùng nhận xét này khi nhắc về dự án phát triển 30.000ha cao su Việt Nam của các công ty cổ phần cao su Việt Lào, Quasa - Geruco, Dầu Tiếng - Việt Lào.

Còn chia sẻ một cách cụ thể như Phó tỉnh trưởng tỉnh Champasak thì "khi chưa trồng cao su, đời sống nhân dân khá vất vả, chủ yếu là đốt nương, làm rẫy, sống du canh du cư với thu nhập không ổn định và rất thấp, chỉ từ 700.000 - 1.500.000 đồng kip/người mỗi tháng". Tính ra, việc làm cao su đã giúp bà con tăng thu nhập từ 5 - 10 lần.

Nhắc nhớ quá khứ, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Việt Lào Ngô Quyền kể vui về cái tên Bachiang phát âm trong tiếng Lào gần giống "Bò Chièn" - nghĩa là không có tiền. Ấy là những ngày đầu đúng như thế. Nghèo không kể đâu cho hết nghèo. 

Dân bản cứ tháng 2 hết tết té nước là phát rừng đốt nương, làm rẫy. Từ tháng 3 đến hết tháng 5 tàn tro bay che cả mặt trời. Người mới đến đất Lào hắt xì, ho sặc sụa vì khói.

Cuộc sống người dân huyện "Không tiền" ngày ấy gắn liền với nương rẫy. Họ dựng lán trên nương, kiếm cái ăn trên nương, trồng sắn, trồng lúa cũng ở trên nương. 

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Quasa – Geruco, xem công nhân Lào làm việc tại nông trường ở tỉnh Savannakhet, Lào tháng 11-2024 - Ảnh: QUỐC MINH

Quanh năm suốt tháng chỉ đủ ăn. Không tiêu đến tiền và cũng không có tiền để tiêu. Cuộc sống bám vào rừng, khiến rừng cũng kiệt quệ. Lãnh đạo huyện đau đầu với việc ngăn dân vào rừng đốt than. Thế rồi cây cao su Việt Nam trở thành cứu cánh bền vững cho dân nghèo Bachiang.

Lãnh đạo tỉnh quy hoạch cao su cho vùng Bachiang, Chaleunsouk và Xanaxombum, nông trường đầu tiên đặt ở Bachieng, cũng là nơi đứng chân đầu tiên của công ty trên đất Lào. Đoàn "cán bộ đời đầu" có 10 người vừa làm việc tại trụ sở, vừa xuống bản, đến từng hộ dân thỏa thuận, đền bù đất.

Công ty thành lập quá nhanh, không ai kịp học tiếng Lào. Mới đầu thuê hai người thông dịch, dân bản nói tiếng nhiều dân tộc thiểu số, người thông dịch cũng... tịt. Chỉ giơ huơ tay, múa chân ra hiệu. Ông Quyền vẫn đến ở lì trong bản, khi nào họ hiểu mới thôi.

Có lần vào nhà người dân, nói mãi họ vẫn lắc đầu "bò chắc" (không biết), ông Quyền rút ra tiền Việt Nam, chỉ vào ảnh Bác Hồ. Hôm sau, người dân ấy vui vẻ gọi ông đến để giao cái rẫy cho công ty trồng cao su. 

Sau này rừng cao su đã lớn, ông Quyền xúc động khi thấy tờ tiền có ảnh Bác Hồ được người dân treo trang trọng trên vách. Người dân Lào rất quý trọng Bác Hồ…

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su - Ảnh 3.

Cây cao su Việt cho nhựa trên đất Lào đã đem lại đời sống tốt hơn cho người dân - Ảnh: VŨ TUẤN

Người lao động Việt - Lào coi nhau như anh em

Khi chúng tôi đến, bản Thong Chan (huyện Bachiang, tỉnh Champasak) nép mình bình an trong bạt ngàn cao su. Dân bản được Công ty CP Cao su Việt Lào làm nhà, lập bản mới. 

Họ cũng bỏ nghề đốt than, trở thành công nhân cao su. Mùa cao điểm cuối năm, công nhân chăm chỉ có thể rủng rỉnh bỏ túi cả chục triệu tiền kip, cao hơn gấp đôi lương chủ tịch huyện.

Trước khi nông trường cao su phát triển tươi tốt, rừng Thong Chan nham nhở những vạt đồi bị đốt cỏ cháy. Chỗ thì người dân trồng khoai mì, chỗ có đám dứa, chỗ lác đác vài bụi chuối. Dân đợi mưa, gieo lúa mỗi năm chỉ một vụ vừa đủ miệng ăn dè sẻn. 

Ông Ngô Quyền, một chứng nhân ở đây xuyên suốt từ năm 2005 đến nay, kể bà con Lào trong vùng hồi đó chủ yếu sống bằng đổi chác, người có trái xoài đi đổi người có trái bắp, không làm gì ra tiền.

Từ khi màu xanh cao su phủ lên đất Bachiang từ giữa năm 2005, đời sống vùng này thay da đổi thịt. Những năm đầu khi tán rừng cao su chưa khép, họ còn có đất đã được cải tạo tốt để trồng thêm cây khoai mì, khoai lang, cây bắp, cây chuối. Ngoài đồng lương khá nhờ làm cho công ty, họ còn thêm miếng ăn từ việc thâm canh. 

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Thongloun Sisoulith (hiện là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào) đến thăm và trồng cây cao su ở Công ty CP Cao su Việt Lào tại tỉnh Champasak thời kỳ đầu phát triển - Ảnh: Công ty CP Cao su Việt Lào

Bachiang từ một huyện nghèo của tỉnh Champasak trở thành một trong những huyện giàu. Riêng tiền thuế của Công ty CP Cao su Việt Lào đã đóng góp hơn 30% GDP huyện. 

Bà con Lào từ chỗ cả năm trông vào một vụ lúa thì mỗi tháng bình quân có hơn 6 triệu tiền kip mỗi người. Nhà mới, xe đẹp, tivi, tủ lạnh được mua mới. Dân bản chẳng phải lên rừng đốt than, đánh bẫy kiếm cái ăn như trước.

Ông Som But Takun, bí thư Huyện ủy, trưởng huyện Bachiang, kể ngày mới đi cùng cán bộ công ty khảo sát đất trồng cao su, có bản cả tháng dân mới đi chợ một lần. Từ bản ra đến chợ mất trọn một ngày vì đường sá không có. 

Cao su đến đâu, đường nhựa được đầu tư khang trang tới đó, dân bản mừng lắm! Đến giờ đường nhựa trải thẳng tắp dưới tán rừng cao su, lên xe máy chạy ù một lúc đến chợ, điều mà nhiều người già trong bản có nằm mơ cũng chưa bao giờ mơ thấy. Khách người Việt đến, bà con quý như người nhà.

Giám đốc Nhà máy chế biến cao su Dầu Tiếng - Việt Lào Nguyễn Phong Tạo đánh mã số nhân viên của mình là "001". Ông nhớ mãi những người dân bản Hin Lạc, huyện Sanasomboun (tỉnh Champasak,). Bản cách nhà máy hiện tại hơn 90 cây số. 

Ngày ông vác ba lô tiền đến trả đền bù đất, có người "kiện" với trưởng bản vì cho rằng ông Tạo "lừa đảo". "Tôi mang vào bản vali tiền mệnh giá 50.000 kip, nhiều người chưa từng biết đến đồng lớn đó bao giờ, họ cho là tiền giả", ông Tạo cười nhớ lại. Đoàn của công ty phải quay lại đổi tiền mệnh giá nhỏ hơn.

Nơi ít biết đến tiền ấy giờ đã khác. Đường nhựa vào tận nơi, bà con đi làm cho công ty cao su có lương cao và ổn định, không sợ thất nghiệp. Trước đây, nhà trong bản chỉ có chồng đi làm rẫy, phụ nữ quanh quẩn ở nhà, con cái ít được học hành. 

Nhưng giờ thì khác, có nhà cả ba, bốn người đi làm cho công ty cao su, mỗi tháng vài chục triệu tiền lương.

Hiện nay, Công ty CP Cao su Việt Lào có khoảng 2.700 lao động thì 90% là người Lào đảm đương việc ở nhiều bộ phận khác nhau. Các công ty CP Cao su Quasa - Geruco và Dầu Tiếng - Việt Lào cũng vậy, 90% lao động người Lào từ buổi đầu tập tành học nghề căn bản, nay đã có thể làm tốt nhiều việc, kể cả quản lý. 

Các công ty cao su từ Việt Nam sang đã làm tốt nhiệm vụ nâng cao tay nghề lao động của bà con địa phương để từ đó họ nâng cao được đời sống, gắn kết thêm tình hữu nghị anh em.

Những chứng nhân của sự đổi thay tốt đẹp

Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Việt Lào Ngô Quyền bây giờ chính là một trong 10 người đầu tiên cùng Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng mang cao su sang trồng trên đất Lào. Ngày ấy, ông Quyền mới 34 tuổi, trẻ nhất đoàn nhưng đến giờ tóc đã bạc vẫn chưa về. Các ông Phạm Văn Thông, Phan Văn Tình, tổng giám đốc các công ty CP Cao su Quasa - Geruco và Dầu Tiếng - Việt Lào, cũng thế. Họ chia tay quê nhà để đi phủ màu xanh trên đất Lào, giúp người dân thoát nghèo, và họ vẫn gắn bó mãi đến giờ mà chưa về.

"Xa gia đình, nhiều khi cũng nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng rồi chúng tôi lại hòa cùng niềm vui với các công nhân Lào và coi nhau như anh em một nhà. Gắn bó với nhau, chúng tôi chính là chứng nhân sự phát triển của bà con dưới tán rừng cao su, một sự đổi thay lớn lao và bền vững", ông Phan Văn Tình vui vẻ chia sẻ.

------------------

Ông Bounma Ketkeosone, nguyên chủ tịch huyện Phìn (tỉnh Savanakhet, Lào), từng phá rẫy trồng sắn của gia đình, trồng cao su để làm gương cho dân nghe theo.

Kỳ tới: Khi chủ tịch huyện Lào trồng cao su cho dân tin

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 4: Người dân Lào đổi đời dưới tán rừng cao su - Ảnh 3.Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ 3: Thần tốc phủ xanh cao su Việt trên đất Lào

Chỉ mất 3 năm với bộ khung từ đoàn vỏn vẹn 10 người do Anh hùng lao động Hồ Văn Ngừng dẫn đầu sang Lào, công ty đã lập được kỷ lục về tốc độ trồng cao su nhanh nhất trong toàn ngành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên