03/12/2023 11:40 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 3: Cuộc đổi thay thần tốc trên đất nghèo

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Ngày 1-2-1979, chưa đầy một tháng sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị nhân dân Campuchia đập tan dưới sự hỗ trợ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, những cán bộ ngành cao su Việt Nam đầu tiên đã được cử sang giúp nước bạn khôi phục các vườn cây.

Một vùng tỉnh Kratie rợp bóng cao su VRG với những dãy nhà khang trang do Công ty CPCS Đồng Phú Kratie đầu tư - Ảnh: SƠN LÂM

Một vùng tỉnh Kratie rợp bóng cao su VRG với những dãy nhà khang trang do Công ty CPCS Đồng Phú Kratie đầu tư - Ảnh: SƠN LÂM

Các vườn đều được trồng từ thời Pháp và bị tàn phá trong chiến tranh. Tháng 10-1988, đoàn chuyên gia ngành cao su Việt Nam rút về nước khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Campuchia khôi phục được 41.500ha cao su, bằng 83% diện tích cao su trước năm 1979.

Khai hoang đến đâu, trồng nhanh đến đó

Các thế hệ sau của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tiếp tục tạo một cuộc "đổi màu thần tốc" khi chỉ từ năm 2007 đến năm 2016 đã biến gần 100.000ha đất hoang vu, rừng khô, nê địa rợp xanh cao su.

Nỗ lực chuẩn bị mọi thứ để có thể "dàn hàng ngang" đầu tư, sau nhiều kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - văn hóa, công nghệ giữa Việt Nam và Campuchia, đến tháng 9-2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Vương quốc Campuchia về hợp tác đầu tư trồng 100.000ha cao su và giao cho VRG làm đầu mối.

Trong khoảng thời gian này, nhiều nhóm cán bộ cao su của các công ty thuộc VRG đã lên đường sang nước bạn. Bỏ lại cuộc sống đã tiện nghi ở quê nhà, họ bắt đầu mọi thứ giữa các vùng sâu heo hút với nhiều con số không. Không đường, không điện, không nước sạch, không nhà... Và đa số cán bộ không hiểu ngôn ngữ địa phương.

"Tám người chúng tôi từ cao su Bà Rịa và cao su Hòa Bình ở Việt Nam mang theo ba lô dựng lán trại ở đây", ông Trương Quốc Thông, 59 tuổi, giám đốc Nông trường Ou Thum thuộc Công ty CPCS Bà Rịa - Kampong Thom, nói khi chỉ về một con suối nhỏ róc rách chảy giữa rừng cao su 14 năm tuổi đều thẳng tắp, đang chảy những dòng mủ tràn trề ở xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom.

Giờ đây ngay giữa vườn cao su đã có thể mở Zalo trên điện thoại trò chuyện thoải mái với người thân ở Việt Nam qua sóng Metfone của Tập đoàn Viettel. "Nhưng lúc đó điện thoại đem từ nhà sang chỉ cất trong ba lô chứ làm gì có sóng giữa khu rừng nghèo ngập úng này", ông Thông kể.

Lúc ấy mỗi lần đi chợ, ông Thông cùng những người anh em của mình phải lội bộ băng rừng vài tiếng đồng hồ. Ông Thông cũng như nhiều người đi khai hoang và vẫn còn ở lại đến tận bây giờ theo chương trình đầu tư cao su Việt Nam sang Campuchia, thường là những cán bộ giàu kinh nghiệm được chọn từ công ty mẹ.

Vì thế, đa số đều đã bước sang tuổi trung niên, có gia đình, vợ con ở quê nhà. "Nhưng lúc ấy ai cũng như trai tráng mới lớn, làm không biết mệt. Chúng tôi còn tự đặt ra quy tắc là sau khi hoàn tất công việc hằng ngày, mỗi người phải trồng thêm 10 cây cao su thì mới ăn cơm. Mấy năm trời ngày nào cũng vậy, cho đến khi trồng xong", ông Thông kể.

Khai hoang tới đâu trồng ngay cao su con tới đó, họ ngày nào cũng làm đến tối mịt. Những con người vốn đã quen với tivi, máy lạnh, điện thoại... khi đêm về giữa nê địa đất khách chỉ có đốt lửa quây quần, hát ca, kể vài ba câu chuyện cười bên chén rượu trắng cho vơi nỗi nhớ nhà rồi mau chóng vào mùng tránh muỗi.

Vậy mà chỉ 4 năm sau, từ tám cán bộ ban đầu, toàn bộ diện tích gần 5.400ha mà công ty được Chính phủ Campuchia giao tô nhượng cho Công ty CPCS Bà Rịa - Kampong Thom đều đã xanh màu lá cao su. Và đó cũng là hình ảnh chung đầy tự hào của tất cả công ty thuộc VRG sang đây đầu tư.

Ông Trương Quốc Thông và công nhân Campuchia cạo mủ nơi 15 năm trước là đất nghèo ngập úng - Ảnh: SƠN LÂM

Ông Trương Quốc Thông và công nhân Campuchia cạo mủ nơi 15 năm trước là đất nghèo ngập úng - Ảnh: SƠN LÂM

Chính phủ Campuchia ủng hộ mạnh mẽ

Sau khi lập lán trại, công việc đầu tiên của họ làm vườn ươm. Rồi đo đạc bản đồ xác định địa giới, liên hệ thuê người đưa máy xúc, máy ủi vào khai hoang và tìm kiếm nhân công trồng cao su, khai thác cao su. Với những người trực tiếp thực thi dự án, khó khăn về vật chất hay điều kiện sống không là gì so với bài toán nhân công mà họ phải giải quyết.

"Ban đầu đều phải nhờ tới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để tìm kiếm nhân công. Mình phải giao lưu, liên hệ với lãnh đạo xã, lãnh đạo công an, huyện đội của bạn.

Nhờ luôn các anh huyện đội Campuchia chở mình đi, cầm theo tờ rơi về chính sách, tiền công, mô tả công việc... đi về tận các phum, sóc để tìm người.

Các vườn cao su Việt Nam đầu tư trên đất Campuchia đã mở mang hệ thống đường xá thuận tiện và việc làm thu nhập ổn định cho người dân địa phương -  Ảnh SƠN LÂM

Các vườn cao su Việt Nam đầu tư trên đất Campuchia đã mở mang hệ thống đường xá thuận tiện và việc làm thu nhập ổn định cho người dân địa phương - Ảnh SƠN LÂM

Chính những cán bộ chở mình đi tổ chức luôn các buổi thông báo giúp mình công việc, thuyết phục người dân của họ về làm cho mình", anh Nguyễn Trọng Bình, phó phòng tổ chức Công ty TNHH PTCS Tân Biên - Kampong Thom, kể lại.

Từng là bộ đội biên phòng và được theo học tiếng Khmer trong thời gian tại ngũ, anh Bình được chọn trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cao su Việt Nam sang khai hoang từ tháng 8-2007, lúc anh 32 tuổi.

"Thời đó vùng này rất ít dân, nhiều khi đi mười mấy, hai chục cây số mới gặp được một làng. Cứ lận theo bắp luộc mà lang thang từ phum này qua sóc khác kiếm người. Phải mất vài năm việc thu hút lao động mới đỡ nhờ mình trả tiền đàng hoàng, chế độ tốt, tiếng lành đồn xa", anh Bình nói.

Nhưng khó khăn này chưa qua thử thách khác lại tới. Có những giai đoạn chính trường Campuchia nhiều biến động, việc đầu tư của người Việt trở thành điểm nhắm đến của các đảng đối lập.

Với lý do chưa nhận được chỉ đạo của Chính phủ Campuchia, có nhóm người của đảng đối lập đã kích động người dân rằng người Việt Nam sang chiếm đất. Có lần, khi anh Bình cùng hai người khác đang mải mê tra bản đồ để định vị đất thì anh nghe tiếng của một nhóm người tụ tập gần đó hét lên: "Họ đang xem bản đồ để cướp đất, phải giết họ".

Tức thì, anh Bình lập tức thông báo cho hai người kia rồi cả ba cùng leo lên xe nổ máy chạy đi. Nhóm người kia cũng không tha, cầm gậy gộc, dao, rựa đuổi theo. Chạy mười mấy cây số đường mòn ra tới đường chính, tất cả mới hoàn hồn.

Đó cũng là lần được xem là phức tạp nhất trong cả quá trình đầu tư cao su. Oknha Leng RiThy - trưởng Văn phòng VRG tại Campuchia - cho biết các đảng đối lập còn kích động xông vào khu vực đang khai hoang, đốt cả xe ủi, ngăn cản việc cắm mốc dự án.

"Nhưng rồi Chính phủ Campuchia lúc đó hỗ trợ hết mức. Ngài Yim Chhayly là phó thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ cũng chỉ đạo làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những dự án cao su Việt Nam.

Các tỉnh trưởng cũng ra sức hành động, đưa công an, quân đội đến những vùng bị kích động để đảm bảo an ninh trật tự, thông báo rõ cho người dân về chủ trương tốt đẹp bền vững của dự án. Nhờ đó mọi việc cũng nhanh chóng êm xuôi.

Phải nói đúng hơn, chính việc chúng ta khai hoang tới đâu trồng tới đó, đầu tư một cách nghiêm túc và nhanh chóng đã giúp các lãnh đạo Campuchia hoàn toàn tin tưởng", Oknha Leng RiThy tâm sự.

"Cao su Việt Nam sang năm 2007 đã trồng được 500ha và chỉ 8 năm đã trồng được gần 100.000ha. 16 công ty thuộc VRG đầu tư trồng và khai thác cao su tại Campuchia có mức vốn đăng ký hơn 1,4 tỉ USD, trong đó hơn 77% nguồn vốn góp của chủ sở hữu.

Bắt đầu mở miệng cạo khai thác mủ từ năm 2014, đến nay đã có hơn 85.000ha vườn cao su tại Campuchia được khai thác với tổng sản lượng của năm 2023 là 132.000 tấn, chiếm 32% sản lượng khai thác của toàn VRG.

Câu chuyện đổi màu xanh cao su thần tốc do Việt Nam thực hiện đến nay không nước nào làm được ở Campuchia. Đặc biệt có công ty chỉ trong 1 năm đã trồng được hơn 4.500ha cao su. Nhiều dự án khác đầu tư với diện tích đất lớn hơn chúng ta rất nhiều, nhưng không trồng được số lượng vườn cây đến gần cả 100.000ha như VRG", Oknha Leng RiThy tự hào kể.

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 2: Dàn hàng ngang tiến tới, quyết không lùiKỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 2: Dàn hàng ngang tiến tới, quyết không lùi

Khi mới xin được vài ngàn héc ta để bắt đầu trồng cao su tại Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đã yêu cầu quyết liệt phải dàn hàng ngang đầu tư.

***************

10 năm trước, con đường phía đông Kampong Thom được đặt tên Thủ tướng Samdec Hun Sen. Đây cũng là con đường đi qua vườn cây cả ba công ty cao su Việt Nam.

>> Kỳ tới: Cao su Việt dựng xây nhiều làng mới trù phú

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 1: Niềm tin với người ViệtKỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 1: Niềm tin với người Việt

Chỉ 16 năm, gần 100.000ha cao su của 16 công ty thuộc VRG đang "cho vàng" trên nước bạn. Kỳ tích lịch sử bắt đầu với niềm tin, sự ủng hộ từ người dân đến những lãnh đạo cao nhất của Vương quốc Campuchia đối với người Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên