01/12/2013 06:59 GMT+7

Kỹ sư thủy điện "cứu" nhà máy nhiệt điện

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC THANH
THÁI BÁ DŨNG - QUỐC THANH

TT - Để khắc phục sự cố, Công ty Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) đã tính tới phương án thuê chuyên gia nước ngoài, thậm chí sẽ phải thay thiết bị trị giá hàng triệu đôla. Cuối cùng, một nhóm kỹ sư được “chi viện” từ Thủy điện Ialy đã giải quyết thành công.

Lgjaj3ux.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Minh Khứ (giữa) trong lần giải quyết sự cố tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí

Đây chỉ là một trong nhiều ca “giải cứu” thành công mà đội sửa chữa thủy điện của Công ty Thủy điện Ialy thực hiện, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn nếu phải thuê chuyên gia nước ngoài.

11 ngày cân não

Tháng 8-2012, tổ máy 300MW Công ty Nhiệt điện Uông Bí phát sinh sự cố lớn: hệ thống kích từ hư hỏng, tổ máy phải ngừng hoạt động. Công ty đã mời các đội chuyên gia từ trường đại học, các nhà máy điện lớn đến nhưng đều lắc đầu. Thông tin được gửi đến Công ty Thủy điện Ialy.

Sự cố “triệu đô”

Với nhà máy nhiệt điện, hệ thống kích từ là một bộ máy cực kỳ phức tạp, đòi hỏi trình độ cao của các chuyên gia. Để xử lý sự cố tại tổ máy 300MW của Công ty Nhiệt điện Uông Bí, nhiều nhóm chuyên gia đã được mời đến nhưng đều không thành công. Công ty phải tốn nhiều tỉ đồng để chi phí dầu phục vụ cho việc chạy thử sau khắc phục nhưng hệ thống vẫn không hoạt động. Nhà máy ngưng trệ mất năm tháng. Thời điểm đó, kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài, thậm chí việc phải bỏ ra hàng triệu đôla để thay lại hệ thống kích từ, cũng được tính đến.

Ông Tạ Văn Luận - giám đốc Công ty Thủy điện Ialy - nhớ lại: “Từ khi thành lập nhà máy đến nay chúng tôi luôn bỏ chi phí đào tạo và “nuôi” một đội ngũ kỹ sư có nghề để phục vụ trong nhà máy và sẵn sàng lên đường trợ giúp các nhà máy khác khi gặp sự cố. Bởi thế, ngay khi nhận được yêu cầu từ Công ty Nhiệt điện Uông Bí, ngày hôm sau tôi cho anh em lên đường ngay”.

Kỹ sư Nguyễn Minh Khứ - quản đốc phân xưởng sửa chữa điện tự động Công ty Thủy điện Ialy - cho biết tiếp cận hệ thống máy móc của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, cả anh và anh em kỹ sư đều “ù tai” vì quá phức tạp, chưa ai từng tiếp cận và sửa chữa hệ thống này. Một áp lực rất lớn khác: việc khởi động chạy thử lại tổ máy tốn rất nhiều chi phí, mỗi lần khởi động tốn gần 3 tỉ đồng chi phí dầu nên tất cả mọi người đều rất sốt ruột. Đội công tác phải lần mò từng sợi dây điện, từng thiết bị để kiểm tra lại toàn bộ máy móc, kiểm tra đến đâu khắc phục đến đó. Bốn ngày đầu tiếp cận, anh Khứ cho biết việc lần mò ra lỗi của hệ thống kích từ tổ máy vẫn rối như tơ vò, hệ thống máy báo lỗi loạn xạ... Từ việc chỉ huy động ba kỹ sư, anh Khứ phải điều động thêm hai kỹ sư khác ra hỗ trợ.

Việc khởi động tổ máy để phục vụ cho công tác kiểm tra, thử nghiệm, tìm nguyên nhân hư hỏng của hệ thống kích từ rất khó khăn, tốn kém, gần như không thể.

Anh Khứ và đội công tác đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp mô phỏng để kiểm tra, thử nghiệm, tìm nguyên nhân hư hỏng. Ròng rã gần 10 ngày, tất cả các lỗi của hệ thống kích từ đã được khắc phục. Kỹ sư Nguyễn Minh Khứ như trút được gánh nặng khi việc khôi phục tưởng như đã hoàn tất thì máy lại tiếp tục báo lỗi khác.

Tiếp tục lần mò, các kỹ sư phát hiện một lỗi hết sức đơn giản: một chân của một giắc cắm bị gãy. Khắc phục xong tất cả các lỗi, công việc khởi động tổ máy phục vụ thử nghiệm thực tế hệ thống kích từ và hòa lưới tổ máy được thực hiện trong đêm 3-9. 10g40 ngày 4-9-2012 có lẽ là thời khắc đáng nhớ nhất của Nguyễn Minh Khứ và cộng sự: sau khi nhấn nút kích từ tổ máy, hệ thống kích từ của tổ máy 300MW Nhiệt điện Uông Bí khởi động, các thông số máy móc hiện lên trơn tru trong sự hồi hộp của mọi người.

Từ học lỏm thành chuyên gia “bắt mạch” sự cố

Kỹ sư Nguyễn Minh Khứ cho biết việc anh đến với thủy điện cũng như duyên nợ. Ngày còn là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, các công ty thủy điện cử đại diện xuống trường để tìm người tài. Thấy chàng sinh viên Khứ hiền lành, có năng khiếu, lãnh đạo Công ty Thủy điện Ialy đã đặt vấn đề thẳng: công ty sẽ đưa vào làm việc tại Nhà máy Thủy điện Ialy. “Thú thật lúc đó mình chỉ mong ra trường có một việc làm ổn định để phụ giúp gia đình chứ không nghĩ gì hơn” - anh Khứ nhớ lại.

Năm 2002, Nhà máy Thủy điện Ialy được vận hành và đưa vào sử dụng. Chàng sinh viên trẻ Nguyễn Minh Khứ nhận lời khăn gói lên làm việc tại đây. Anh Khứ cho biết lúc này nơi đặt nhà máy thủy điện bao bọc rừng núi, cùng đi với anh là một người bạn cùng lớp, nhưng sau đó người này đã chuyển qua đơn vị khác để làm việc. Thời điểm này hầu hết các sự cố tại Nhà máy Thủy điện Ialy công ty đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, tốn chi phí rất lớn. Khứ được xem như thế hệ kỹ sư đầu tiên, ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên phải “làm thợ nhặt ốc” cho các chuyên gia nước ngoài, vừa phụ việc.

“Chuyên gia nước ngoài họ xem mình chưa có nhiều kinh nghiệm nên họ không mấy tin tưởng, nhưng lâu dần mình học lỏm được rồi tự mày mò và thành công dần” - anh Khứ nói. Tự học, tự làm, từ việc sửa chữa những chi tiết đơn giản, đến nay kỹ sư Nguyễn Minh Khứ được xem như “thủ lĩnh” của phân xưởng sửa chữa tự động cùng 100 kỹ sư khác chuyên đi “bắt mạch” sự cố tại các nhà máy thủy điện lớn trên cả nước.

“Tổ kỹ sư thành thục”

Ông Phạm Hải Đăng - phó phòng kỹ thuật Công ty Nhiệt điện Uông Bí (nay là Tổng công ty Phát điện 1) - cho biết thời điểm xảy ra sự cố tại hệ thống kích từ của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, lãnh đạo đơn vị đã mời đơn vị bảo hành nhà máy, lần lượt các đoàn chuyên gia đến khắc phục nhưng mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. “Lúc đó được EVN giới thiệu cho tổ kỹ sư Ialy mà trực tiếp là anh Khứ, sau hơn 10 ngày ròng rã làm việc thì tổ máy đã hoạt động trở lại ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Trực tiếp xử lý sự cố, chúng tôi thấy Ialy có một tổ kỹ sư rất giỏi, thành thục về chuyên môn” - ông Đăng nói.

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên