Kỹ sư Hồ Quang Cua trải lòng cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT liên quan vấn đề gạo ST25 rớt hạng - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 8-1, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có buổi thăm, khảo sát và làm việc tại trung tâm nghiên cứu giống của kỹ sư Hồ Quang Cua tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Sau khi hướng dẫn đoàn tham quan các mô hình, kỹ sư Hồ Quang Cua đã có đôi lời chia sẻ, trải lòng cùng bộ trưởng Cường xoay quanh việc thời gian vừa qua gạo ST25 đã rớt từ hàng nhất xuống hạng nhì tại cuộc thi gạo ngon thế giới.
"Trong thời gian qua có dư luận nói tại sao đem giống cũ đi thi để rồi rớt hạng. Đây là vấn đề bức xúc, bởi dư luận đặt vấn đề là sao năm nay lại tiếp tục lấy ST25 đi thi, để rồi rớt xuống hạng nhì. Người ta phản đối chuyện này. Mọi người có quyền bày tỏ quan điểm, đặc biệt là suy tư của mỗi người. Nhưng mà thời buổi này thông tin quá nhanh, tạo dư luận khiến tôi mệt mỏi quá nhiều" - ông Cua nói.
Cũng theo ông Cua, tổ chức Thương nhân lúa gạo toàn cầu đã tổ chức thi lúa gạo quốc tế đã 12 lần. Các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Mỹ và tất cả chỉ đều thi có 1 giống duy nhất, trong đó Thái Lan đoạt giải nhất 6 lần, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Myanmar 1 lần và Việt Nam 1 lần (có một số lần đồng hạng).
"Qua 4 lần mình tham gia thi thì mình cũng giữ thông lệ của quốc tế là chỉ giữ 1 giống duy nhất để đi thi. Vì thật ra giống chọn đi thi thì trong nước đã là nhất rồi. Quan điểm này được Hiệp hội lương thực thống nhất và chúng tôi cũng rất nhất trí. Cụ thể quan điểm của chúng tôi giống này đạt chất lượng cao nhất thì phải đi thi hoài, để củng cố thương hiệu gạo trong đầu óc người tiêu dùng và tạo lòng tin cho khách hàng. Chứ không phải là năm này thi giống này, năm sau giống khác" - ông Cua bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cánh đồng trồng lúa ST25 tại huyện Long Phú - Ảnh: CHÍ HẠNH
Nêu quan điểm về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy cho rằng trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải nhập khẩu gạo giá rẻ của Ấn Độ về để chế biến thì "xã hội cũng có quyền đặt câu hỏi là tại sao Việt Nam mà lại đi nhập khẩu gạo".
"Nhưng đây là cơ chế thị trường, họ nhập gạo rẻ, thì phục vụ nhu cầu chế biến giá rẻ, phục vụ theo sở thích của thị trường. Đó cũng như câu chuyện của anh Cua, nước ngoài họ yêu cầu vậy, hoặc anh Cua có nhu cầu muốn liên tục khẳng định chất lượng, thương hiệu gạo đó là nhu cầu của anh. Chúng ta không quá nặng nề chuyện này" - ông Cường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận