26/10/2024 12:44 GMT+7

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

'Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo', TS Mai Liêm Trực phát biểu tại buổi lễ.

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 1.

Thay mặt Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), đã đọc diễn văn tổng kết 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh: HỒNG QUANG

Sáng 26-10, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ.

TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết cách đây 70 năm, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.

Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa một số lượng không nhỏ thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ chiến sĩ ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước. 

Mặt khác, các cán bộ chiến sĩ cách mạng còn ở lại miền Nam cũng sẽ yên lòng chiến đấu khi biết rằng con em mình đang ở trong "vòng tay" của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, được chăm sóc chu đáo, được học hành bài bản.

Đây được coi là cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, để rồi từ đó những thế hệ học sinh miền Nam đầu tiên ra đời.

Trang trọng kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 2.

Gần 4.000 đại biểu tham dự buổi lễ - Ảnh: HỒNG QUANG

Tất cả các thế hệ học sinh miền Nam được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đưa ra Bắc học tập bằng nhiều con đường khác nhau như tàu thủy, hay vượt Trường Sơn đều đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành. Các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung.

Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hàng trăm học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào Nam chiến đấu. "Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo", theo TS Mai Liêm Trực.

Những học sinh miền Nam ở lại miền Bắc hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về tiếp tục vào bộ đội, công an và các ngành thiết yếu, tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho miền Nam.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục nỗ lực, tận tụy và sáng tạo trong nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Việc đưa hơn 3 vạn thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc và thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với con em đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam thân yêu.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam trong những ngày gian khó".

Đồng thời có thể khẳng định cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả 3 phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn.

"Học sinh miền Nam có tình cảm rất đặc biệt với Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình. Những lời dạy bảo của Bác Hồ cùng với lòng biết ơn vô hạn là hành trang quý báu để mỗi học sinh miền Nam nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", theo TS Mai Liêm Trực.

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại lễ kỷ niệm - Ảnh: HỒNG QUANG

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực - Ảnh: HỒNG QUANG

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi lễ - Ảnh: HỒNG QUANG

Trang trọng kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 6.

Cờ đỏ sao vàng trên tay các đại biểu khi những khúc ca về Bác Hồ vang lên - Ảnh: HỒNG QUANG

Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 7.

Những ca khúc ngợi ca non sông đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh được vang lên trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm - Ảnh: HỒNG QUANG

Trang trọng kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh 8.Triển lãm 300 hình ảnh, hiện vật quý về học sinh miền Nam trên đất Bắc

Gần 300 hình ảnh, hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975 được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên