“Kỳ nhân” Dương Văn Khư - Ảnh: P.X.D. |
Tôi nhớ đến hai câu: “Mà sao nàng lại không yêu. Chê ta nghề biển hồn treo cột buồm...”.
Mặc dù hai câu chuyện sắp kể ra đây không dính dáng đến tình yêu đôi lứa và cả hai người trong đó đều có số phận không giống nhau nhưng lại đồng điệu “hồn treo cột buồm”.
Mù mắt vẫn ra khơi
Về Thanh Bình hỏi nhà ông Dương Văn Khư, còn có biệt danh là ông Khư “mù”, hầu như ai cũng biết. Ông không học hành đỗ đạt cao, không giàu có, không tài hoa xuất chúng, lại bị mù nhưng cuộc đời ông vẫn được nhiều người biết đến và nể trọng.
Mới tới đầu làng hỏi chuyện, một chị phụ nữ đã mau mắn trả lời: “Chú đi thẳng, rẽ trái hỏi nhà ông Hạnh, em ông Khư, giờ này chắc ông ấy đang ngồi chơi ở nhà em ruột”. Người làng có vẻ nắm rõ thời gian biểu sinh hoạt của ông Khư.
Vào nhà ông Hạnh, thấy hai anh em ông Khư đang ngồi trước hiên. Nghe thưa chuyện, ông Khư cười bảo: "Thì chuyện đời tôi cũng gắn bó với biển, có chi mà kể”.
Chúng tôi mời ông ra bãi biển ngồi chơi. Nghe vậy ông có vẻ hoạt bát hẳn lên, đứng dậy tự mình đi bộ về nhà. Tôi nhìn theo, ông đi không chút ngập ngừng, vấp ngã, gần giống như một người sáng mắt.
Ra đến biển chỉ cách nhà mình một đoạn đường ngắn, ông ngồi xuống cát, mặt hướng ra đại dương và thuật lại chuyện đời của ông lão 80.
...Thuở nhỏ ông cũng bình thường như những đứa trẻ làng chài, cũng đi học, tắm biển, bắt còng và nghịch cát. Cậu bé Khư mong mình lớn nhanh để được ra khơi đánh cá vẫy vùng cho thỏa thích. Nhưng đến năm lớp 4 thì ông đau mắt rồi bị mù từ đó, giấc mộng biển khơi cũng đã khép lại.
Nhưng ông vẫn không nguôi nhớ biển. Sáng đến, chiều về ông lại ra biển, đi bằng trí nhớ như một cậu bé chơi trò bịt mắt bắt dê. Ông nhớ tiếng sóng, nhớ làn nước biển mặn mòi, nhớ những chiếc ghe đánh cá.
“Tôi nhớ khi ấy có phong trào thành lập hợp tác xã đánh cá, tức là bắt đầu làm ăn tập thể. Tôi lúc ấy ngoài 20 tuổi, là một thanh niên khỏe mạnh, chỉ mỗi tội bị mù.
Nghe tôi xung phong đi đánh cá ai cũng cười. Một người sáng mắt đi biển còn vất vả huống chi tôi không thấy đường thì làm ngư dân sao được. Có người còn nói: "Thôi anh ở nhà cho chúng tôi nhờ, đi biển chứ có phải đi chơi đâu, ra khơi lỡ có chuyện gì xảy ra thì khổ”.
Nhưng tôi vẫn kiên trì xin đi cho được. Tôi nói mình có thể chèo đò, kéo lưới, cố gắng làm những công việc trên thuyền. Xin mãi rồi bà con cũng xiêu lòng, cho tôi đi theo. Vậy là tôi được ra biển”.
Ông Khư ra biển cũng ra sức cùng làm với bà con dân chài. Ai cũng thương mến ông bởi tính tình vui vẻ, chịu thương chịu khó.
Khi thuyền về chia cá, ông xin nhận phần ít hơn mọi người, bảo rằng vì mình làm ít nên hưởng ít, vậy mới công bằng. Dần dà ông đi biển như một dân chài, nhiều lúc người ta quên cả chuyện ông là người khuyết tật.
Vui chuyện, ông nói thêm: “Tôi còn tham gia sinh hoạt thanh niên, được bầu làm phó bí thư chi đoàn gần mười năm từ 1964-1973”.
Tôi hỏi:” Công tác Ðoàn nhiều hoạt động, nhất là thời chiến nữa thì bác làm sao đảm đương để hoàn thành nhiệm vụ?”.
Ông lại cười: ”Làm được thì anh em họ mới cho làm. Họp hành thì tôi thông báo cho các phân đoàn trưởng. Nội dung họp, hội ý cũng nhanh gọn thôi, thời chiến mà. Còn việc thì mình miệng nói tay làm, từ lấp hố bom, đắp ụ pháo, khi địch thả bom sập hầm thì phải cứu người.
Họ cuốc mình cuốc, họ đào mình đào, cần gì có anh em chỉ đường hướng dẫn cho mà làm. Kể thêm cho anh nghe, làm thủy lợi trên Rào Nan, Quảng Sơn năm 1969-1970, cách đây hàng chục cây số, tôi xung phong đi ngay. Mình đi lò dò nhưng rồi cũng tới, cũng làm với anh em.
Tôi vẫn tính toán khối lượng được mà, mình nhờ anh em đo rồi tính ra mét khối theo công thức toán đã học trong trường. Hồi đó thiếu thốn trăm bề, lại bom đạn nữa nhưng tinh thần vui lắm”.
Rồi ông kể thêm một chuyện chưa từng nói với người ngoài. Ấy là chuyện ông xung phong đi thuyền vận tải ra tận Hà Tĩnh. Sáu người trên một chiếc thuyền, đi suốt ba ngày ba đêm mới hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó ông được Nhà nước tặng thưởng huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi, rồi Huy chương Kháng chiến hạng nhất.
Tôi hỏi: “Bác nghỉ đi biển khi nào?”. Ông đáp giọng hơi chùng: ”Mới năm ngoái thôi, vì mình cũng già rồi. Lúc nào nhớ biển tôi lại ra đây ngồi một lúc rồi về”.
Thầy giáo đóng tàu Nguyễn Văn Ty - Ảnh: P.X.D. |
Ông giáo đóng tàu
“Anh hỏi thầy Ty đóng tàu ở Bảo Ninh phải không? Ðúng rồi, thầy Ty ở làng Sa Ðộng. Cả vùng này chỉ có một thầy Ty đó thôi”.
Thầy Ty nguyên là giáo viên vật lý, năm nay đã 68 tuổi. Ông vốn kiệm lời, cũng không thích nói nhiều về mình. Phải gạn hỏi mấy lần ông mới chịu kể chuyện đóng tàu cho con đi biển.
Thầy Ty kể rằng ông đã nung nấu ý định đóng tàu đánh bắt xa bờ từ lâu, vì nếu ngư dân cứ quanh quẩn mãi gần bờ rồi thì cá tôm cũng cạn, lấy đâu ra hải sản cho người đánh bắt.
Nhưng hồi đó do tập quán và cũng do đời sống còn khó khăn nên ý định ấy xem ra có phần không tưởng ông vẫn quyết tâm làm.
Ðến năm 1991 ông quyết định vay vốn đóng tàu xa bờ. Ðây quả là lựa chọn táo bạo và đối với nhiều người là cũng phiêu lưu. Ðương nhiên để đi đến quyết định này, ông đã phải tính toán đủ điều, từ chuyện kinh phí đóng tàu đến ra khơi, chuyện tập hợp các thuyền viên ra biển lớn...
Chuyện nào cũng mới và cũng không hề đơn giản, phải tính toán cẩn thận mới có thể tính chuyện vươn đến khơi xa. Bởi đến năm 1997, Nhà nước mới khởi động dự án đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Ông là người tiên phong dám nghĩ dám làm và bước đầu đã thành công. Kết quả này khích lệ ông thêm tự tin để tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp con tàu vào năm 1994.
Ðến năm 1997, được Nhà nước tiếp sức, ông càng mạnh dạn vay vốn đầu tư cho tàu đánh cá của hai người con trai. Rồi sau này ông vẫn đầu tư đánh bắt xa bờ ra tận ngư trường Hoàng Sa.
Hai chiếc tàu của con ông ăn nên làm ra, trả nợ cho Nhà nước và đời sống ngày càng khấm khá. Hai chiếc tàu này nếu bây giờ mua sắm gần cả chục tỉ đồng.
Nghe ông kể chuyện có vẻ như đánh bắt xa bờ không mấy khó khăn. Kỳ thật đó là cả một chuyện phức tạp, phải hiểu về biển, về tàu, biết tính toán và làm chủ phương tiện, công việc mới có thể đi lên từ biển, bởi dân mình cũng đã nói to thuyền thì to sóng.
Bao nhiêu khó khăn, bất trắc không lường hết được luôn rình rập ở biển, nhất là ngoài trùng dương tít tắp.
Ông tâm sự: ”Ðời ông, đời cha, bao đời nhà mình gắn bó với biển, sống nhờ biển. Vậy nên khi con tôi học xong phổ thông, tôi phân tích, hướng nghiệp cho con theo nghề cha ông. Mà con tôi lại cũng yêu nghề biển, phải yêu phải hiểu mới làm được. Tôi có hai con trai lớn, một tên Nguyễn Văn Phong, một tên Nguyễn Văn Dương, đứa 42 tuổi, đứa 35, đều đi biển từ khi thôi học đến nay”.
Ông nói tiếp: “Tôi không thích nói chuyện gì to tát. Mình làm trước hết cũng vì gia đình mình, sau đó giúp cho ai được ít nhiều thì cũng thấy vui. Cứ quanh quẩn gần bờ, cạn kiệt cá tôm thì ai cũng buồm treo, neo gác nên phải sớm tính chuyện ra khơi xa. Thế thôi, cũng không phải chuyện gì lớn lao mà kể cho nhiều”.
Khi sắp chia tay, chợt nghe ông kể với mấy người bạn già trong làng Sa Ðộng chuyện con mình đánh bắt xa bờ ngoài Hoàng Sa: “Hắn (con ông) sắp về, báo cho bố biết hai tàu đánh bắt được gần 1 tỉ đồng. Vậy là mừng rồi”.
_________
Kỳ tới: Tấm lòng biển cả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận