03/04/2022 13:03 GMT+7

Kỳ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Dù là người không biết chữ nhưng bằng cách lấy vốn sống làm kiến thức, lấy trí nhớ làm con chữ, bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi, làng du lịch Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã sáng tác ra rất nhiều làn điệu bài chòi.

Kỳ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ - Ảnh 1.

Bà Thương (đội nón) giới thiệu về làng Gò Cỏ cho du khách và ê a những sáng tác của mình để “tóm gọn” lịch sử ngôi làng từ xưa đến nay - Ảnh: TRẦN MAI

Hiện tại, bà Thương bắt đầu bập bẹ những con chữ đầu đời và quyết tâm học chữ để có thể tự chép lại những ca khúc của mình thay vì nhờ con cháu. 

Bà mong khởi đầu mới của mình cũng là khởi đầu tươi đẹp của ngôi làng từng xem như ẩn tích, giờ lại trở thành ngôi làng du lịch cộng đồng chứng nhận 3 sao.

Nhập tâm làn điệu quê mình

Làng Gò Cỏ với 78 hộ dân ẩn mình sau lũy cát và tránh cả những ồn ào của của cuộc sống cách đó không xa. 

Cách đây vài năm, ngôi làng lộ ra trước sự ngỡ ngàng của nhiều người bởi dấu tích văn hóa ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn với những bậc thang đá, hệ thống thủy lợi bằng đá, giếng đá, ký tự viết trên đá... 

Các chuyên gia nghiên cứu và kết luận đây là minh chứng người Chăm Pa đã sống phồn thịnh ở nơi này.

Từ đó, du khách đến Gò Cỏ được đắm chìm vào thiên nhiên, nếp sinh hoạt và những món dân dã của người dân. Trong đó, "đặc sản" của vùng đất này là những làn điệu bài chòi, hát hố vẫn ngân lên đãi khách. 

Ngoài các tác phẩm cũ thì chủ nhân của những sáng tác mới là "bà Thương mù chữ" - cũng là một câu chuyện thu hút du khách. Nhiều bậc cao niên mê đắm bài chòi xem bà như kỳ nhân trong loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản phi vật thể nhân loại này.

Bà Thương được mọi người gán cho cái biệt danh "kỳ nhân bài chòi" cũng bởi chuyện người phụ nữ "thời còn trẻ từng học lớp bình dân xóa mù nhưng bỏ ngang vì không thể tiếp thu, chữ nghĩa nặng hơn cả việc vỡ núi trồng khoai". Chưa biết chữ nhưng bà lại dễ dàng sáng tác và đưa vào nhạc lý, âm sắc một cách trơn tru.

Mỗi lần có ai nhắc đến "bà Thương mù chữ sáng tác bài chòi" thì bà lại kể câu chuyện hài hước. Bà bảo "giấu kỹ lắm", nhưng có hôm một du khách lấy cuốn sổ ghi chép bài chòi bà sáng tác ra xem. Người này không hiểu bà viết chữ gì và cứ nghĩ đây là ký tự cổ. 

"Tôi gạch dọc gạch ngang chỉ có mình tôi hiểu, chứ có phải chữ cổ nào đâu. Hồi bị lộ tui dị (mắc cỡ - PV) muốn chết", bà Thương cười đôn hậu.

Từ thuở bé, bà Thương lớn lên với những làn điệu bài chòi, với lớp lớp người dân miền biển ầu ơ làn điệu quê mình. Trong gian khó và chiến tranh, người dân ra đồng với lời hát động viên nhau, bà Thương cũng bập bẹ những câu làn điệu đầu tiên nơi đồng ruộng, dưới hào sâu trú đạn. 

"Hồi đó, hiếm người biết chữ lắm, chỉ là tự hát rồi truyền miệng nhau. Người dân lấy kinh nghiệm, những gì đã trải qua để cất lên tiếng nói của lòng mình. Cứ vậy mà trao truyền", bà Thương tâm tình.

Khi thế hệ sau chưa mặn mà với bài chòi thì những người ở thế hệ trước dần tạ thế. Trong đầu bà Thương chỉ còn nhớ lại vài bài chòi đặc sắc, một thời hừng hực trong khói lửa chiến tranh, thúc giục thanh niên đứng lên cầm súng vệ quốc. 

"Tiếng kèn kêu gọi, cả nước lặng nghe tiếng nói Bác Hồ/ Đi lên bảo vệ nước nhà/ Vì nền độc lập, tự do ta không lùi/ Nghe tiếng nói như lời ca Tổ quốc/ Giục lòng ta mau cất bước lên đường/ Đã làm con của quê hương/ Ngồi nhìn đất nước đau thương sao đành?...", bà Thương cất lời bài chòi xa xưa.

Bài chòi là linh hồn xứ sở và bà Thương nói càng lớn tuổi, chứng kiến bao cuộc ly tán, hồi sinh của vùng đất, trong đầu bà có thêm chất liệu để biến thành ca từ. 

"Tôi sáng tác nhiều hơn khi mọi người tìm đến làng. Đó là cách tôi có thể giới thiệu đến du khách ghé làng về nơi này. Mọi người thích thú càng khiến tôi sáng tác nhiều hơn. Dần dà lớp trẻ cũng học theo, giờ làng có đội bài chòi hẳn hoi", bà Thương tâm tình.

Kỳ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ - Ảnh 2.

Bà Thương (bìa phải) cùng người làng tâm sự với du khách trẻ ghé thăm làng - Ảnh: Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ

Về già học chữ

Sau khi bị "phát hiện bí mật", bà Thương quyết định thay đổi. Ngấp nghé 70 tuổi, bà Thương lại mày mò học chữ. Cả đời bà đã chấp nhận an phận nơi làng cổ, nay mọi người lại tìm đến thăm thú nên bà cũng phải mở lòng. 

Chính điều ấy đã tiếp thêm động lực để bà tìm tòi, tự học. "Không biết chữ khổ lắm, làm cái gì cũng khó. Đi học làm du lịch mà nghe rồi nhớ được gì hay nấy, còn học từ sách vở thì chịu, thiệt thòi lắm. Giờ tôi đọc được cơ bản rồi, mừng lắm", bà Thương nói.

Nhủ lòng thế nên giờ rảnh thì bà lại chịu khó tự mày mò lấy sách báo ra ghép chữ đọc. Rồi tập viết, tập đọc, ngày nào cũng vùi đầu vào những trang sách, cuốn vở, cộng thêm "sắp nhỏ" trong làng động viên, tận tình chỉ bảo đã tiếp thêm động lực. 

"Bây giờ, tui có thể viết được bài chòi mình sáng tác và bọn nhỏ đọc và hiểu được tui viết gì. Tụi nhỏ khen thì vui lắm, coi như cuối đời mình làm được việc mà cả đời không làm được. Khi thành thạo, tui sẽ đi tìm tòi và viết lại những bài chòi ngày xưa để lưu giữ" - bà Thương hồ hởi.

Bà Thương viết những ca từ mộc mạc khuyến khích người dân gia nhập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ làm du lịch và những bài chòi ấy cũng trở thành "tuyên truyền viên" cho sự phát triển vững bền. 

Chính bà cũng là người đi vận động người làng từ chối những "cục bạc" to đùng của người ngoài đến ngả giá mua đất để giữ lại chủ thể thật sự của ngôi làng. Những ca từ của bà sáng tác như một điệu hò giục giã mọi người làm du lịch: "... 

Rồi đây khu du lịch nó đứng đầu/ Khách đi qua lại ngày sau ta vững bền/ Ông già bà lão đứng lên/ Xây dựng cuộc sống vững bền cho các con...". Hay lời mời gọi du khách đến làng: "Đi về Gò Cỏ mà chơi/ Nghe tiếng chim hót líu lo trên đường/ Khách đi giữa đất quê hương/ Thấm tình nặng nghĩa mến thương cho đồng bào...".

Mong có được một tập bài chòi cho làng

Trong 3 năm qua, bà Thương đã sáng tác hơn 20 bài chòi. Trong đó có 15 bài được Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ chép lại và lưu giữ. Những sáng tác còn lại, bà Thương đang chỉnh sửa, hoàn thiện.

Dự định sắp tới, bà Thương cho biết sẽ học chữ rành rọt, thời gian rảnh rỗi sẽ cùng chị em trong làng tập hát để biểu diễn cho du khách xem.

"Tất nhiên, tui sẽ cố gắng sáng tác nhiều hơn nữa, biết chữ dễ sáng tác hơn nhiều. Tuổi tui cũng cao rồi, tui mong sẽ có thêm những ca từ mới, tập hợp thành một tập bài chòi lưu lại cho làng để mai sau con cháu diễn xướng đón khách.

Chưa khi nào làng và bản thân tui lại có khởi sắc đến vậy. Tui mừng lắm", bà Thương tâm tình.

Làm "sống lại" ngôi làng nhờ văn hóa

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ) bảo rằng những làn điệu bài chòi do bà Thương sáng tác là tài sản vô giá của làng và là điểm nối của thế hệ trước với thế hệ sau.

"Thú vị nhất và khó hiểu nhất là cô ấy hoàn toàn chưa biết chữ lại sáng tác rất hay, xem cuốn sổ cô ghi chép trước đây thì đúng là không ai hiểu nổi, vừa buồn cười vừa thương. Những người làng như cô Thương là giá trị lớn nhất của ngôi làng này", chị Kiều nói.

Rồi chị Kiều kể trong những lần đi học tập kinh nghiệm làm du lịch ở Hội An, Cù Lao Chàm... chỉ trong thời gian ngắn, bà Thương đã sáng tác ra được một bài chòi và ngân nga hò "thiết đãi" chủ nhà khiến mọi người thán phục.

Khi bà Thương bộc bạch mình chưa biết chữ càng khiến mọi người "há hốc". Bài chòi cơ bản dựa trên sự gieo vần, nhưng để thành một ca từ dài và xuyên suốt thì chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi vậy mà bây giờ, khi bài chòi thành di sản phi vật thể nhân loại, người ta lại lo lắng cho sự thất truyền.

Khi sự sáng tạo mất đi thì sự mai một là điều khó tránh khỏi. "Cô Thương như ngọn lửa giữ lại bài chòi vậy. Sắp đến, hợp tác xã sẽ hỗ trợ cô đưa những sáng tác của mình đi xa hơn. Vùng đất không có văn hóa thì sẽ là vùng đất chết, nên cô Thương góp công rất lớn để làm sống lại ngôi làng", chị Kiều nói.

'Kỳ nhân' xứ Huế

TTO - Đến Huế mà hỏi nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá sẽ nhận được ngay câu trả lời: 'Ông đó lạ lắm, một người rất đặc biệt'. 'Người lạ lắm' nhưng sách của ông lại được lưu hành ở 135 thư viện lớn trên thế giới.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên