28/11/2016 17:34 GMT+7

Kỷ nguyên vàng của Hollywood ở Đại lục sắp tàn cuộc?

​  ĐỨC TRẦN (lược dịch)
​ ĐỨC TRẦN (lược dịch)

TTO - Theo Los Angeles Times, Hollywood sẽ sớm đánh mất vị thế tại thị trường chiếu bóng Trung Quốc, quốc gia có 1,373 tỷ người. Lý do Hollywood thất thủ là vì các hãng phim nội địa của Trung Quốc đang tăng trưởng vượt trội.

Avengers: Age of Ultron “đánh thuê” tốt hơn cả sân nhà - Ảnh: Marvel Studios 

Nếu như năm 2005 Trung Quốc chỉ có 43 phim chiếu rạp, thì con số đó đã tăng vọt lên 308 phim trong năm 2014, phim gắn mác Hollywood chỉ chiếm 10%.

Trong khoảng 6 năm qua chỉ có khoảng 8 đến 10 phim ngoại quốc lọt vào danh sách 25 phim ăn khách nhất ở thị trường Trung Quốc, và ngay cả thành tích của các phim bom tấn Hollywood cũng trồi sụt thất thường.

Dễ nhận ra một kịch bản xoay vần trong kỹ nghệ làm phim hiện nay. Thời gian đầu các hãng phim nước ngoài thành công tại thị trường khác nhờ thương hiệu, yếu tố kỹ thuật và chất lượng. Các hãng phim nhỏ hơn trong khu vực bỏ ít ngân sách, đánh vào thể loại phim tâm lý tình cảm… khả năng thu hồi vốn nhanh.

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với lĩnh vực phim ảnh mà còn ở cả điện thoại thông minh, chứng khoán, dược phẩm, bất động sản, các nhà mạng… tại Trung Quốc - nơi các công ty nội địa nắm rất rõ nhu cầu người dân và ngày một chỉn chu chất lượng sản phẩm của họ.

Một yếu tố khác cũng có khả năng… cản đường Hollywood, đó là số lượng thanh niên Trung Quốc chuyển sang học các ngành nghệ thuật, thiết kế ngày càng nhiều. Theo thống kê năm 2009 có 5% trong số 19 triệu sinh viên ở các trường đại học theo đuổi nghệ thuật thay vì kinh tế, y khoa hay luật…

Làn sóng nghệ sỹ trẻ nở rộ, các trường dạy sáng tạo cũng bắt đầu đẩy sang hướng sản xuất phim, nhiều khả năng từ đây sẽ xuất hiện thế hệ đạo diễn thứ 7 sau thế hệ thứ 5 (điển hình là Trương Nghệ Mưu) và thế hệ thứ 6 (điển hình là Lâu Diệp).

Bên cạnh đó, ba nhà mạng cực lớn của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent đang chiếm hơn 50% số người dùng Internet tại quốc gia này. Họ có các ứng dụng và dịch vụ tiện ích hỗ trợ mua sắm, giải trí, đặt vé taxi… hoạt động cực kỳ tốt và sắp tới, họ sẽ nhảy vào lĩnh vực phim ảnh, truyền hình và đương nhiên ưu tiên cho phần lớn sản phẩm nội địa.

Dẫn chứng thực tế nhất có thể nhắc tới Tencent và hãng phim riêng Penguin Pictures từng phát hành bom tấn Monster Hunt (Truy lùng quái yêu) đình đám năm ngoái. Alibaba Pictures  tân tiến hơn, đi theo hướng Netflix cho thuê phim qua phần mềm bán vé. Hãng này cũng từng góp vốn đầu tư cho Mission Impossible: Rogue Nation (2015).

Cảnh trong phim Monster Hunt – phim hài thu về 385 triệu USD made in China - Ảnh: Wall Street Journal

Những năm gần đây, Hollywood sớm nhận ra Trung Quốc là quốc gia màu mỡ để kiếm tiền, ví dụ là Furious 7 tại Mỹ chỉ kiếm được 353 triệu USD trong khi con số đó là 390 triệu USD tại Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Hollywood nhanh chóng mời những sao đình đám nhất đại lục vào… vai phụ, thậm chí rất phụ vào bom tấn của mình hòng dễ dàng quảng bá phim ảnh. Một số xuất phẩm Hollywood có sao Hoa ngữ đổ bộ các rạp từ đây đến sang năm, là Rogue One (có Khương Văn), XXX: Return of Xander Cage (có Chân Tử Đan), Kong: Skull Island (có Cảnh Điềm)…

Riêng Baidu tung ra hệ thống phát hành phim trực tuyến có tên iQiyi, trình làng các bộ phim được kêu gọi góp vốn từ cộng đồng, tư nhân hay bất kì hãng sản xuất nào đó… về dự án điện ảnh – truyền hình. iQiyi thuộc hệ thống SMI Holdings Group của Hong Kong.

Hãng phim DreamWorks châu Á tại Thượng Hải có vẻ như tương lai sáng sủa hơn một chút. Với 90% trong số 150 nhân lực làm việc trong đội ngũ sáng tạo là người Trung Quốc. Nhóm phát triển được điều hành bởi Peilin Chou cũng có tới 50% số lượng dân bản xứ có kinh nghiệm làm việc ở Hollywood.

Chou tuyên bố rằng hãng sẽ sản xuất những tác phẩm tầm nhìn toàn cầu, ông cũng tỏ ra rất tự tin vào đội ngũ nhân viên giao thoa giữa hai nền văn hóa khác nhau, cộng với mối thâm tình cùng DreamWorks US.

Câu hỏi đặt ra là bao lâu nữa Hollywood đối mặt với sự thất sủng tại thị trường đại lục? Hãy thử lấy một ví dụ ở mặt hàng điện thoại thông minh: năm 2008 hơn 80% smartphone bán tại Trung Quốc là Nokia, Motorola và Apple. Đến nay chỉ còn Samsung và Apple, chia nhau 15% thị phần. Điều đó có nghĩa 85% người dùng Trung Quốc đang sử dụng Xiaomi, Oppo và Huawei.

Hollywood sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho năm năm kế tiếp, dù trước mắt họ vẫn còn hốt bạc nhờ nhận diện thương hiệu từ những tín đồ điện ảnh thế hệ trước. Nhưng chẳng gì là chắc chắn khi thế hệ trẻ ở Trung Quốc đang dần thay đổi tầm nhìn.

Năm ngoái, Hollywood vẫn còn ăn mừng chiến thắng rầm rộ của Avengers: Age of Ultron tại thị trường Trung Quốc với hơn 200 triệu USD thu về thì đến 2016, Mỹ Nhân Ngư (The Mermaid) của Châu Tinh Trì mới là ông hoàng phòng vé nắm trong tay 526 triệu USD!

​ ĐỨC TRẦN (lược dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên