Tiêm vắc xin trước ngày nghỉ lễ
Theo ghi nhận, những ngày gần đây tại các trạm y tế ở TP.HCM như trạm y tế phường Thảo Điền, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức), mỗi tuần có hàng trăm lượt người dân đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước khi đi nghỉ lễ.
Chủ yếu là những người lớn tuổi, bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao, những người chỉ mới tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19.
Bà T.N. (70 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay, đọc tin tức thấy số ca mắc COVID-19 đang tăng cao, kỳ nghỉ lễ sắp tới kéo dài nên bà sẽ đi thăm người thân và du lịch nhiều nơi. Vì vậy, bà N. quyết định tiêm vắc xin mũi 4 cho an toàn.
Bác sĩ Phạm Huy Hoàng - trạm trưởng Trạm y tế phường Trường Thọ (TP. Thủ Đức) - cho hay hiện tại số ca bệnh đã tăng cao và con số ca bệnh từng khu vực được Bộ Y tế công bố.
Khuyến cáo Bộ Y tế hiện tại vẫn là 2K, có nghĩa người dân hạn chế tập trung nơi đông người hoặc là ra đường vẫn duy trì đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó cần vệ sinh khử khuẩn, là thường xuyên rửa tay. Đồng thời cần duy trì lịch tiêm ngừa khi đến lịch, có nghĩa là khi mình chưa tiêm thì khi đến lịch nên tiêm ngừa.
Thạc sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cũng cho biết những ngày qua thời tiết ở phía Nam đã vào mùa nắng nóng, do vậy người dân lưu ý khi ra ngoài vui chơi nhưng vẫn phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng.
Cụ thể, ưu tiên thực phẩm tươi, việc lựa chọn thực phẩm sạch, tươi xanh là điều vô cùng cần thiết. Vì trong thời gian này, thực phẩm rất dễ biến chất, ôi thiu và nhiễm khuẩn do nhiệt độ môi trường cao.
Bổ sung đủ lượng nước trong ngày, việc uống nước trong bất kỳ thời điểm hay một mùa trong năm đều rất quan trọng. Thông thường, mỗi người lớn nên duy trì uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
Bổ sung tinh bột đa dạng như gạo, bún, bánh mì,… có thể điều chỉnh lượng tinh bột trong ngày cho phù hợp. Đối với người ăn kiêng, có thể sử dụng từ nửa đến 1 chén cơm mỗi ngày hoặc thay thế bằng bún để giảm được lượng tinh bột.
Bổ sung đạm từ động - thực vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, các loại nấm,… nhằm duy trì hoạt động cho cơ thể. Nên chế biến món ăn bằng cách luộc hoặc nấu canh, xào… hạn chế bớt thức ăn chiên nướng để giảm bớt lượng chất béo không cần thiết.
Mang theo "tủ thuốc"
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, khi đi du lịch tại các điểm đến mới với những khác biệt về khí hậu, thức ăn,… khiến nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, để có thể xử lý kịp thời, các gia đình có thể mang theo một số loại thuốc, vật tư y tế cần thiết khi đi nghỉ lễ.
"Đầu tiên là thuốc chống say xe, nhiều người say tàu xe khi di chuyển trên các phương tiện ô tô, máy bay, tàu. Thuốc chống say xe sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc say xe đồng thời với paracetamol, ibuprofen vì một số thuốc chống say xe có thể tương tác với các thuốc này", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Ngoài ra, nhiều người có thể gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón… trong khi đi du lịch. Do đó, các gia đình nên chuẩn bị trước dung dịch bù nước và điện giải; thuốc "cầm" tiêu chảy (như loperamid); thuốc trị táo bón (như duphalac, sorbitol),…
Với những người dễ dị ứng, có tiền sử dị ứng như dị ứng thời tiết, thức ăn hay côn trùng cắn, cần mang theo các loại thuốc chống dị ứng. Thông thường, các loại thuốc chống dị ứng có thể gây buồn ngủ. Một số thuốc cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và phụ nữ có thai, vì vậy cần tham khảo ý kiến dược sĩ trước khi mua thuốc.
"Một số vật dụng cần thiết để xử lý cấp cứu khi gặp chấn thương trong quá trình du lịch cần mang theo như nước muối sinh lý, bông, kéo, băng cá nhân (như urgo), băng chun, oxy già, cồn 70 độ,..
Ngoài ra, những người đang điều trị bệnh lý mãn tính cần mang theo đủ thuốc để sử dụng trong suốt chuyến đi. Đảm bảo uống thuốc đúng chỉ định, thời gian do bác sĩ hướng dẫn", bác sĩ Hoàng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận