Trong Ngày Quốc tế thanh niên (12-8) vừa qua, chủ đề chính cũng xoay quanh việc tăng kỹ năng xanh (green skills) cho thanh thiếu niên.
Kỹ năng xanh bao gồm các kiến thức kỹ thuật, chuyên môn và khả năng cho phép sử dụng hiệu quả các công nghệ và quy trình xanh trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Với các kỹ năng này, người trẻ có khả năng sử dụng kiến thức, giá trị và thái độ để đưa ra các quyết định bền vững về môi trường trong công việc và cuộc sống.
Khi phát triển bền vững đang dần trở thành một tiêu chuẩn thay vì chỉ là sự lựa chọn như trước kia, hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến việc đầu tư vào ESG (môi trường - xã hội - quản trị), bao gồm cả tuyển dụng nhân sự có kỹ năng xanh.
Hầu hết các nền tảng học trực tuyến lớn như Coursera, Udemy hay LinkedIn cũng đều tích hợp nhiều khóa học về phát triển bền vững, kinh tế xanh, quản lý có trách nhiệm…
Báo cáo Kỹ năng xanh toàn cầu năm 2023 do LinkedIn công bố cho thấy trong toàn bộ 48 quốc gia được khảo sát đều có người lao động đang làm công việc xanh hoặc liệt kê ít nhất một kỹ năng xanh trên hồ sơ kinh nghiệm. Nhóm này có cơ hội tìm được việc làm cao hơn 29% so với người không có kỹ năng xanh.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu bật sự gia tăng nhu cầu về kỹ năng xanh trong thị trường lao động đang vượt xa mức tăng nguồn cung.
Chỉ riêng từ năm 2022 đến năm 2023, tỉ lệ nhân tài xanh trong lực lượng lao động tăng trung bình 12,3%, trong khi tỉ lệ tin tuyển dụng đòi hỏi ít nhất một kỹ năng xanh đã tăng gần gấp đôi, khoảng 22,4%.
Tỉ lệ chênh này đặt ra nguy cơ thiếu hụt nhân sự, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho những ai đã có sẵn kỹ năng xanh trong hồ sơ kinh nghiệm.
Kristy Drutman, đồng sáng lập Green Jobs Board, nền tảng cung cấp thông tin việc làm liên quan đến môi trường và phát triển bền vững cho biết một trong các thách thức chính của người trẻ hiện nay là thiếu hệ thống đào tạo, cố vấn hoặc hỗ trợ để phát triển nghề nghiệp xanh.
Thực tế, giới trẻ hiện nay ý thức rõ hơn về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Không như các thế hệ trước xem đây là khái niệm trừu tượng, không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Các nghiên cứu gần đây thậm chí cho thấy giới trẻ dễ bị căng thẳng và lo âu do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
"Có nhiều điểm chung ở người trẻ toàn cầu, đó là điều kiện sống dễ bị tổn thương hơn, mức lương thấp hơn, không chắc chắn về tương lai gần, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học…", Marc Collado - thành viên Nhóm công tác Việc làm xanh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (YOUNGO) - nói.
"Các đặc điểm này góp phần định hình cách những người trẻ đối phó với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh theo một cách rất khác so với các thế hệ trước", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận