TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học Việt - Nhật, cho rằng đường cao tốc ngày một nhiều, xe cá nhân tăng lên nhanh chóng.
Để tránh các tai nạn thương tâm như từng xảy ra thời gian qua, cần sớm bổ sung các nội dung giảng dạy kỹ năng lái xe trên đường cao tốc cho người dân.
Ông Bình nói:
- So sánh giữa khung chương trình đào tạo lái xe ở Mỹ mà con tôi từng học và ở Việt Nam thì phần dạy kỹ năng lái xe trên đường cao tốc ở Mỹ nêu rất cụ thể việc xử lý các tình huống thực tế.
Việt Nam cần sớm đưa phần đào tạo kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, ít nhất là trong phần lý thuyết, vào chương trình dạy lái xe vì người dân sử dụng đường cao tốc thường xuyên.
Chưa có đào tạo kỹ năng xử lý tình huống trên cao tốc
* Phần dạy về kỹ năng lái xe trên đường cao tốc trong khung chương trình đào tạo lái xe ô tô bên Mỹ so với khung chương trình ở Việt Nam có gì khác?
- Ví dụ chương trình ở Mỹ dạy có tình huống khi đi trên cao tốc có hai làn một bên, xe bạn chạy sau cùng làn với một xe khác. Khi bạn muốn vượt lên và lập tức trở lại làn cũ, bạn sẽ căn cứ vào đâu để đảm bảo an toàn? Trong đáp án yêu cầu khi bạn nhìn vào gương chiếu hậu thấy được cả hai đèn pha của xe phía sau (xe bạn mới vượt lên) thì bạn mới đủ khoảng cách an toàn để cua chuyển làn xe.
Nhiều hướng dẫn xử lý tình huống khi lái xe trên đường cao tốc cũng được đưa vào giáo trình dạy. Những nội dung đó rất thực tiễn và nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông cho người dân khi đi trên đường, nhất là đường cao tốc. Cả lý thuyết, mô phỏng và thực hành trong chương trình đào tạo lái xe ô tô ở Việt Nam dường như thiếu vắng những tình huống này.
* Ông đánh giá như thế nào về phần chương trình dạy kỹ năng lái xe trên đường cao tốc trong chương trình dạy lái xe ô tô ở nước ta hiện nay?
- Việc lái xe ô tô trên đường cao tốc có nhiều đặc thù khác biệt so với lái xe trên đường thông thường. Điểm khác lớn nhất là ô tô lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ rất cao 80 - 120km/h. Nếu người lái xe không tuân thủ quy định sẽ dẫn tới những sai lầm gây hậu quả rất lớn. Những lưu ý cần thiết khi lái xe trên đường cao tốc cần phải được coi trọng hơn.
Tuy nhiên, hiện trạng ở nước ta đường cao tốc vẫn là loại hình giao thông tương đối mới. Ngoài một số tuyến tồn tại hàng chục năm, có nhiều tuyến mới đưa vào khai thác nên hình thức người dân tự lái xe trên đường cao tốc vẫn mới.
Mặt khác, trước đây lái xe trên đường cao tốc chủ yếu là loại hình xe tải và xe khách, về sau cùng với việc số lượng ô tô cá nhân tăng lên nên mật độ người dân sử dụng đường cao tốc đi lại cũng tăng lên. Với kinh nghiệm lái xe trên đường cao tốc của người dân không thật sự nhiều đã dẫn tới rủi ro rất cao. Do đó, việc đào tạo và thực hành kỹ năng lái xe trên đường cao tốc của người dân rất cần thiết.
Ít nhất cũng đưa vào phần dạy lý thuyết
* Việc nhiều lái xe thiếu kinh nghiệm lái xe trên cao tốc như ông nói có phải là một trong những nguyên nhân chính xảy ra một số vụ tai nạn trên cao tốc vừa qua?
- Tôi không có thông tin gì khác ngoài camera hành trình ghi lại vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Qua xem hình ảnh ghi lại thấy lái xe ô tô 7 chỗ vượt lên khi đường đang hẹp, bên cạnh lại là một xe container đang lao vù vù là thiếu kinh nghiệm và kỹ năng lái xe trên đường cao tốc.
Dù đường cao tốc này có những hạn chế về kỹ thuật, nhưng nếu được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, lái xe vẫn có thể chọn nhiều phương án an toàn hơn như chờ đủ điều kiện an toàn rồi vượt. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm để các lái xe khi đi trên đường cao tốc thấy xe container không nên đi song song trong quãng thời gian dài và nếu muốn vượt phải thật sự đầy đủ điều kiện tầm nhìn. Những nguyên tắc cơ bản về an toàn như vậy nếu không tuân thủ sẽ rất nguy hiểm.
* Ngoài các kỹ năng lái xe trên cao tốc thì chương trình dạy lái xe nói chung của Việt Nam cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn lái xe của tài xế hơn?
- Có một thực tế rằng nhiều kiến thức hay câu hỏi trong bộ câu hỏi đào tạo lái xe ô tô ở Việt Nam hiện còn mang tính đánh đố, không phù hợp với tình huống giao thông thực tế. Ví dụ có câu hỏi khi xe bạn đi vào một ngã tư có một xe con, xe cứu hỏa, xe quân đội, xe cứu thương thì các xe được rẽ như thế nào. Trong tình huống thực tế này rất ít diễn ra.
Tương tự, nhiều tình huống khác sinh ra chuyện học viên học mẹo, thi mẹo chứ không giúp ích gì cho việc lái xe. Chính vì vậy, theo tôi, việc đào tạo lái xe ở Việt Nam nên điều chỉnh, cải tổ, thay đổi theo hướng nhắm vào kiến thức thực tế, nhắm đến việc xử lý an toàn trong các tình huống thực tế hơn là đánh đố.
Mặt khác, việc nhận diện biển báo trong khi phải lái xe tốc độ rất nhanh cũng là một trong những kỹ năng cần phải được rèn luyện. Theo nguyên tắc, nếu lái xe tốc độ cao phải kiểm soát được tầm nhìn phía trước và quản lý được tốc độ. Những lưu ý như vậy nếu đưa vào phần học và cũng phải kiểm tra thực tế cho học viên trên đường trường.
Tuy nhiên, cũng lưu ý không phải tỉnh nào cũng có đường cao tốc chạy qua nên việc đưa nội dung kỹ năng lái xe trên đường cao tốc vào giáo trình cũng cần tính toán phù hợp. Do vậy, tôi rất mong có sự thay đổi về chương trình đào tạo, ít nhất là ở phần lý thuyết đối với lái xe ô tô trên đường cao tốc.
Nơi nào có điều kiện tốt thì bắt buộc phải có thực hành trên đường cao tốc, nếu không ít nhất phải có chương trình học lý thuyết độc lập và gia tăng số tình huống xử lý trên đường cao tốc. Trong đó cần đưa vào chương trình những kiến thức, lưu ý đặc biệt nào để có sự an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.
* Trong khi chờ chương trình giảng dạy lái xe thay đổi, theo ông, các lái xe nên trau dồi kỹ năng lái xe trên cao tốc như thế nào?
- Ở Nhật, ngoài việc dạy cho học viên học lái xe ô tô, qua phương tiện truyền thông, những quy định về an toàn giao thông, trong đó có an toàn trên đường cao tốc, cũng được tuyên truyền dần thẩm thấu vào ý thức của người dân. Ví dụ, một ô tô đang chạy tốc độ cao muốn thắng gấp phải phanh một đoạn mới dừng hẳn.
Như vậy, ngay cả khi dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, các xe không chỉ bật đèn báo khẩn cấp mà tốt hơn cần phải có những vật cảnh báo từ khoảng 30 - 50m mới đảm bảo an toàn. Khi chưa được học kỹ trong các chương trình đào tạo, người lái xe có thể học kỹ năng lái xe trên cao tốc qua các trang thông tin, mạng xã hội và kênh YouTube hướng dẫn kỹ năng này.
Hậu kiểm: chấm điểm khi cấp lại bằng lái
Ý thức tham gia giao thông, nhất là trên đường cao tốc, cũng là vấn đề đáng cảnh báo. Một người tuân thủ các quy định giữ khoảng cách khi lái xe trên đường cao tốc vẫn có thể bị người khác thiếu ý thức chen ngang, lấp chỗ trống, gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc giáo dục ý thức là quá trình dài. Do vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, tuần tra, kiểm tra và áp dụng công nghệ phát hiện vi phạm. Về lâu dài, cần phải có chương trình, chiến lược giáo dục, kể cả từ trong các trường tiểu học trở lên.
Mặt khác, có thể học kinh nghiệm chấm điểm khi cấp lại bằng lái xe ở Nhật Bản. Theo đó, bằng lái xe ở Nhật Bản có thời hạn nhất định. Nếu trong thời hạn sử dụng đó, lái xe mắc phải nhiều lỗi, gây tai nạn nhiều sẽ bị lưu vết, chấm điểm thấp, phải học bổ túc lại kiến thức và kỹ năng. Người ít có lỗi sẽ được chấm điểm cao, được cấp lại giấy phép nhanh chóng.
* Đại diện một cơ sở đào tạo tại TP.HCM:
Cần cho tập lái xe trên đường cao tốc
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tai nạn trên đường cao tốc như thiết kế đường, tổ chức lưu thông, đặc biệt là kỹ năng tài xế còn chưa tốt. Sở dĩ như vậy là do trong nội dung đào tạo lái xe, phần dạy về kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn ít và chưa cho phép tập lái thực tế trên đường cao tốc. Trong khi đó kỹ năng lái, xử lý tình huống lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi... rất cần thiết.
Trong quá trình đào tạo, nhiều học viên đề cập mong muốn được cho tập lái ở đường cao tốc. Thực tế giáo viên dạy cũng cho rằng cần dạy, thậm chí cho học viên trải nghiệm xử lý tình huống giao thông trên đường cao tốc. Như vậy, kỹ năng tài xế mới sẽ tốt hơn, có thể tham gia giao thông trên đường cao tốc an toàn hơn. Những dạng đường đặc thù riêng tốc độ lưu thông cao gấp đôi bình thường, đường sá khó đi thì tôi đánh giá nhất thiết phải được dạy thêm.
Do đó, thời gian tới, các đơn vị cần phải nghiên cứu, tiếp thu để sửa chữa chương trình đào tạo lái xe cho phù hợp. Khi đường cao tốc được xây dựng, đưa vào hoạt động càng nhiều thì những kỹ năng này càng cần sớm cập nhật cho người dân.
Cụ thể phải dạy kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đồng thời tính toán cấp phép dạy lái ở nhiều loại đường. Thời gian cấp phép xe tập lái kéo dài từ 2-3 năm, chứ không thể ngắn hạn như hiện nay. Những vấn đề này có thể điều chỉnh, áp dụng theo thực tế từng địa phương trong cả nước.
* Anh Huỳnh Tấn Tài (một người dân TP Thủ Đức):
Nằm lòng các quy tắc
Tôi thường đi lại thông qua các tuyến cao tốc để về miền Trung, miền Tây... Những năm trở lại đây, đường cao tốc được đầu tư nhiều giúp việc đi lại thuận lợi, nhanh hơn. Theo cá nhân tôi, ba yếu tố quyết định sự an toàn khi đi đường cao tốc là hạ tầng đường cao tốc, kỹ năng lái xe và ý thức tài xế. Trong đó, kỹ năng và ý thức chúng ta hoàn toàn có thể chủ động để đảm bảo an toàn cho mình.
Ví dụ, chúng tôi nhắc nhở nhau tuân thủ quy tắc 3 giây duy trì tốc độ, giữ khoảng cách an toàn. 3 giây là thời gian đủ để tài xế nhận định, xử lý tình huống bất ngờ trên đường. Còn trong trường hợp thời tiết xấu thì nên giữ khoảng cách 5 giây, riêng xe tải trọng lớn là 6 giây.
Nếu các tài xế, nhất là "lái mới", có thể tuân thủ quy tắc này, chạy đúng và hạn chế bám làn trái thì sẽ tránh được các va chạm có thể xảy ra.
* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Thực hành phải nhiều hơn
Đường cao tốc được đầu tư hiện đại, cho phép đi tốc độ cao, ít giao cắt nên mức độ an toàn cao nhưng kỹ năng lái xe yếu hoặc ý thức kém đi ẩu thì lại cực kỳ nguy hiểm.
Ở Việt Nam, trong chương trình đào tạo lái xe các hạng đã có chương dạy kỹ năng chạy trên đường cao tốc. Dù vậy, những nội dung này có thể được nghiên cứu dạy sâu hơn nữa, kết hợp cho học viên trải nghiệm xử lý tình huống giả định trên cabin dạy lái (đã có). Theo đó thì kỹ năng lái, khả năng phản xạ của "lái mới" sẽ tốt hơn khi vào đường cao tốc.
Tôi cũng cho rằng kể cả tài xế mới hay tài xế dày kinh nghiệm vẫn cần chuẩn bị kỹ cho chuyến đi. Cụ thể như để đảm bảo an toàn, chúng ta bảo dưỡng xe trước, chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt, tránh dùng chất kích thích. Về kỹ năng, người lái chủ động tìm hiểu đọc biển báo giao thông để đi lại an toàn, đúng quy định, không bỡ ngỡ khi gặp đoạn tách nhập làn, giảm tốc độ...
Dạy kỹ năng lái xe trên đường cao tốc là rất quan trọng, nhưng chung quy lại thì dạy con người vẫn là chính. Chuyến đi có an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức tuân thủ quy tắc giữ khoảng cách, tuân thủ tốc độ, các quy tắc khi vượt xe, chuyển làn, chuyển hướng, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em...
Các đơn vị phải nghiên cứu sớm đưa văn hóa giao thông vào dạy từ bé ở chương trình học các cấp nhằm giáo dục ý thức chấp hành luật lệ như vậy mới hiệu quả cao.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng tăng kiểm soát, xử lý những trường hợp sai tốc độ, vượt ẩu, không giữ khoảng cách an toàn thật nghiêm. Quy định đã có thì chúng ta phải xử đến nơi đến chốn mới đủ sức răn đe, nâng cao ý thức tài xế. Đơn cử hình thức phạt nguội, cơ quan chức năng gửi thông báo cho người vi phạm và chủ doanh nghiệp càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý.
Không ít tài xế chạy cho doanh nghiệp vi phạm rồi nghỉ, thông báo vi phạm gửi trễ khiến doanh nghiệp phải chịu phạt. Trong khi đó tài xế chuyển sang công ty khác chạy vẫn tiếp tục vi phạm, rất nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận