Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho biết doanh nghiệp này đang làm những thủ tục cần thiết, trong đó phối hợp với nhà nhập khẩu của Indonesia thu thập tài liệu, thuê luật sư người Indonesia, gửi thư lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Cục Quản lý cạnh tranh của VN để phản đối các cáo buộc của Ủy ban Phòng vệ Indonesia.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh phía Indonesia đã điều tra tự vệ thương mại đối với tôn lợp nhà của Hoa Sen và sản phẩm phải chịu mức áp thuế 15% từ năm 2013.
Tôn Hoa Sen sẽ bị thiệt hại nặng nề do việc áp dụng mức thuế mới khiến các sản phẩm kém sức cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài. Thái Lan cũng đang kiện chống bán phá giá các sản phẩm của tập đoàn này. “Chúng tôi phải hành động vì đây là vấn đề sống còn và chúng ta phải hiểu rằng khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc đối phó với những vấn đề như trên trở thành một yêu cầu bắt buộc, phải làm hằng ngày” - ông Lê Phước Vũ nói.
Tôn Hoa Sen không phải là câu chuyện cá biệt của doanh nghiệp VN thời gian qua. Xuất khẩu được xem là lối thoát giúp các doanh nghiệp giảm áp lực thị trường nội địa đang gặp nhiều rào cản. Các vụ kiện chống bán phá giá, những cam kết về nhân quyền, bảo vệ môi trường... liên tục được dựng lên với doanh nghiệp VN khi xuất hàng sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Nam, trưởng phòng pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP.HCM, nhận xét trong xu hướng chung của thế giới là thành lập các hiệp định song phương và đa phương, một khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tăng lên với lý do hạn chế gian lận thương mại. Rất nhiều mặt hàng của VN chỉ cần có tốc độ phát triển nhanh ở một thị trường nào đó là bị vướng vào điều tra chống bán phá giá.
Việc các doanh nghiệp dầu ăn, thép của VN yêu cầu được bảo vệ trước hàng ngoại cho thấy doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu biết sử dụng các công cụ của nền kinh tế hội nhập khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Bài học của nhiều thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt vì không thể chống chọi với thay đổi của thời cuộc, với sức mạnh của các tập đoàn quốc tế đã chấp nhận chết dần hoặc mất quyền sở hữu hãy còn nóng hổi. “Doanh nghiệp không thể tự xoay xở mà trong cuộc chiến này, cơ quan quản lý ở đây là Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan phải đưa ra các quy định để hạn chế việc gian lận thương mại này nhằm bảo vệ hàng hóa VN” - ông Nam nói.
Hội nhập đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng nếu không biết nắm bắt sẽ trở thành nguy cơ. Gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư kỹ hơn cho bộ phận pháp lý của mình.
Bộ phận này được giao thêm nhiệm vụ phải luôn cập nhật tiến trình, nội dung các cuộc đàm phán, chính sách của các nước, những thay đổi trong WTO... nhưng con số còn hạn chế. “Bản chất của nền kinh tế hội nhập luôn biến động lớn và khôn lường. Đối phó với các vụ kiện và đi kiện người khác cần xem như là kỹ năng bắt buộc của doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế toàn cầu” - ông Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận