Dòng tiền dù rẻ hơn nhưng không ồ ạt vào chứng khoán, vì sao?
Thị trường chứng khoán những phiên gần đây tăng, giảm đan xen. Nhưng nhìn chung thanh khoản đều thấp so với bình quân trên 20.000 tỉ đồng trong các tháng quý 3 trước.
Tại phiên VN-Index mất 55 điểm hồi tháng 8, thanh khoản bùng nổ tới 36.000 tỉ đồng. Hiện tại, ngay cả khi thị trường hồi hay giảm, vẫn quanh mốc hơn chục nghìn tỉ đồng.
Điều này diễn ra ngay cả khi lãi suất xuống thấp. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng. Cuối tháng 7, số dư đã phá kỷ lục tháng trước, đạt 6.389.593 tỉ đồng.
Có nhiều lý do khiến dòng tiền dù rẻ hơn nhưng không hưng phấn như giai đoạn năm 2020 - 2021, ông Vicente Nguyen - giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund - nói với Tuổi Trẻ Online.
Ông Vicente Nguyen nhận định, thời điểm lãi suất đi xuống, nhiều dự báo một phần dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển hướng sang chứng khoán. Lãi suất thấp thường là tiền đề chứng khoán tăng. Nhưng thống kê lại thấy tiền gửi vào ngân hàng tăng lên.
Ông đề cập đến một số yếu tố tác động tâm lý nhà đầu tư, đáng kể là các biến động, bất ổn vĩ mô thế giới. Khi nhà đầu tư chốt lời, lo rủi ro, tạm ngừng để quan sát, dòng tiền suy giảm.
Một lý do khác góp phần vào kết quả này là dòng tiền từ giới lãnh đạo doanh nghiệp. Năm 2023, họ phải dồn tiền lo cho công ty qua khó khăn. Bối cảnh này khác hẳn với lúc dịch, khi ấy họ "thừa tiền" nhưng không thể kinh doanh được.
Ngoài tiền cá nhân, một số lãnh đạo công ty từng đầu tư ngoài ngành rất mạnh vào chứng khoán, thể hiện trên báo cáo tài chính. Giai đoạn khó khăn như năm nay, dòng tiền đầu tư này sẽ khác.
Ông Vicente Nguyen còn cho rằng một lượng tiền không hề nhỏ còn "mắc kẹt" ở bất động sản khi thị trường đóng băng sẽ tác động dòng tiền. Ngoài ra có yếu tố khác mang tính bài học: diễn biến thị trường cuối 2022 khiến nhiều nhà đầu tư "không quên".
Nói với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) chỉ ra khan hiếm "hàng mới" cũng góp phần khiến thị trường bớt sôi động.
Kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, trải qua bao năm dịch bệnh, doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn để tồn tại. Trong khi điều kiện lên sàn được kiểm soát chặt chẽ hơn. Số doanh nghiệp lên sàn vì vậy cũng rất hạn chế.
Vừa qua nhiều nhà đầu tư lo ngại lãi suất có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VASB, khả năng này khó xảy ra. Khi lo ngại thị trường còn điều chỉnh sâu nữa, khiến nhà đầu tư dè dặt bắt đáy.
Thị trường lên - xuống, tiền vào - ra là bình thường
Theo ông Vicente Nguyen, chuyện thị trường lên - xuống, tiền vào - ra là quy luật "bình thường" khi nhìn cả một quá trình dài. Đặc biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% thị trường.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng bi quan hoặc chủ quan thái quá. Nhiễu thông tin khiến họ dao động. "Mua xanh, bán đỏ" dễ nhận ra với người đầu tư theo xu hướng (trend).
Với diễn biến tâm lý này, ông Vicente Nguyen cho biết "không lạ" khi lượng tiền lớn quay lại sẽ lập tức tạo hiệu ứng, đẩy thị trường lên cao.
Gắn bó nhiều năm với chứng khoán Việt Nam, vị giám đốc quỹ đúc rút: Rất cần sự kiên nhẫn, dòng tiền không đi đâu cả, chỉ chờ đợi thời cơ. Hiện nền kinh tế Việt Nam không rơi vào suy thoái mà đang tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Quý 3-2023 lợi nhuận doanh nghiệp chưa cải thiện rõ ràng nhưng quý 4 này phục hồi tốt hơn.
Còn tại báo cáo chiến lược vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã hạ điều chỉnh kỳ vọng VN-Index về vùng 1.200 - 1.250 điểm khi điều hành chính sách tiền tệ có thể thận trọng hơn trong quý 4 này.
Tuy nhiên các rủi ro sẽ giảm bớt nhờ triển vọng kết quả kinh doanh tích cực hơn trong năm 2024 và Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất vào cuối năm, theo BVSC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận