26/05/2012 07:40 GMT+7

Kỷ lục gia châu Á 12 tuổi

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Hôm nay 26-5, tại TP.HCM, đại diện Tổ chức kỷ lục châu Á sẽ trao giấy chứng nhận xác nhận kỷ lục châu Á cho 10 kỷ lục gia VN. Trong đó Bùi Ngọc Thịnh được trao kỷ lục "Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất": 7 loại.

QqCHAzsG.jpgPhóng to

Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn đàn sến - Ảnh: Văn Kỳ

Trước đó năm 2011, Thịnh cũng được trao kỷ lục "Cậu bé mù chơi nhiều loại nhạc cụ nhất Việt Nam" với năm loại nhạc cụ.

Sáng 24-5, gặp Thịnh tại thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) khi em đang chuẩn bị lên đường nhận giải, tận mắt chứng kiến Thịnh tự tay điều chỉnh nhạc cụ, nghe những làn điệu từ những cây đàn sến, đàn nhị, đàn organ, đàn guitar phím lõm, đàn tranh, đàn kìm và cả trống, không ai dám nghĩ người biểu diễn là cậu bé khiếm thị bẩm sinh, năm nay mới 12 tuổi.

Hành trang đi TP.HCM lần này của cậu bé 12 tuổi là sáu loại nhạc cụ, riêng bộ trống vì quá cồng kềnh nên không thể mang theo. Ngoài chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, Thịnh còn có khả năng hát rất tốt, đặc biệt em đã tự sáng tác ba bài hát để tặng ba mẹ và người thân:

Cho ta, Ước mơ và Tung tăng. Không dừng lại ở bảy loại nhạc cụ đã thành thạo, Thịnh cho biết sắp tới sẽ tiếp tục học thêm đàn bầu, đàn violon và học chuyên sâu đàn piano.

Chìa bàn tay với những đầu ngón tay chai cứng, Thịnh tâm sự: "Khi cháu chuyển qua học đàn guitar phím lõm, mấy đầu ngón tay rớm máu, cháu khóc vì không chơi đàn được. Thấy thế ba mẹ không cho cháu học nữa, nhưng cháu trốn lên nhà thầy ở mấy ngày, quyết tâm học bằng được". "Mỗi lần đi học về là Thịnh chỉ ngồi góc nhà ôm đàn học đến tận khuya, khi nào đàn thuộc bài tập mới chịu đi ngủ. Bây giờ cháu có nhiều lời mời đi biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của hội người mù ở thị xã, ở tỉnh và toàn quốc nên ai cũng mừng khấp khởi" - chị Lê Thị Thủy, mẹ của Thịnh, kể.

Khi được hỏi bí quyết nào để có thể học và chơi thạo bảy loại nhạc cụ chỉ trong vòng sáu năm (Thịnh bắt đầu chơi trống từ năm 6 tuổi) - điều mà đối với người sáng mắt cũng khó có thể làm được, Thịnh cho biết: "Mỗi loại nhạc cụ cháu đều có cách ghi nhớ các nốt, các dây riêng. Ví dụ khi tập đàn organ, cháu để tay mình chồng lên tay thầy và lướt theo để học. Khi cháu thực hành, thầy cũng để tay chồng lên tay cháu rồi lướt theo kiểm tra xem cháu có bấm nhầm nốt không".

Ông Lê Hồng Thiên (nghệ danh Xuân Hồi) - thầy dạy năm loại nhạc cụ cổ cho Thịnh - cho biết lúc đầu nhận Thịnh vào học ông cũng hơi ái ngại. Nhưng càng lúc Thịnh càng thể hiện mình là một người có năng khiếu âm nhạc, khả năng cảm âm rất tốt.

"Tôi đã 50 năm dạy đàn cho học trò nhưng chưa gặp trường hợp nào đặc biệt như Thịnh. Thịnh rất thông minh, trí nhớ rất tốt, lại chịu khó và đam mê, âm nhạc đã ngấm vào máu cháu. Tôi tin nếu được đầu tư bài bản, tìm được thầy giỏi, học trong trường chính quy, Thịnh sẽ trở thành một danh cầm của Việt Nam trong tương lai" - ông Thiên hi vọng.

VĂN KỲ

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên